Ngư dân vứt rác xuống biển là tự mình hại mình

Bình Thuận có bờ biển dài 192km, nổi danh của cả nước, nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường biển bởi các loại rác thải nhựa, túi ni lông, lưới đánh cá đang trở thành nỗi ám ảnh của các đơn vị du lịch cũng như chính quyền địa phương.

Mỗi năm vào mùa gió Tây Nam, rác thải ngoài đại dương theo các cơn sóng liên tục tấp vào bờ biển dọc khu vực Hàm Tiến, Mũi Né. Dù thường xuyên ra quân dọn dẹp nhưng địa phương cũng như các doanh nghiệp du lịch ở đây đều bất lực trước nạn rác thải tấp vào từ biển.

Hầu hết rác thải từ đại dương là các túi ni-lông, hộp xốp, rác thải nhựa, ngư lưới cụ. Nguồn gốc của các loại rác này là do hoạt động thường ngày của con người và trong quá trình đánh bắt thủy hải sản. Dù tỉnh Bình Thuận đã có nhiều biện pháp nhưng tình hình ô nhiễm môi trường biển vẫn không thuyên giảm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đại dương và hoạt động du lịch. Theo các chuyên gia, ô nhiễm môi trường biển cần chế tài mạnh, xử lý nghiêm đồng thời có giải pháp phân loại rác và thay đổi tập quán của ngư dân.

Không chỉ tại Bình Thuận, theo thống kê, mỗi năm Việt Nam xả ra đại dương từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn rác thải nhựa, đứng thứ 4 thế giới; trong đó, 80% có nguồn gốc từ các hoạt động trên đất liền. Việc ô nhiễm môi trường biển trở nên đáng báo động nếu không có giải pháp mạnh mẽ sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng tới môi trường sống của các động vật biển cũng như hoạt động du lịch.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Lê Trang - Triệu Nguyễn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/ngu-dan-vut-rac-xuong-bien-la-tu-minh-hai-minh-200887.htm