Ngữ liệu trong đề kiểm tra môn Ngữ văn: Đổi mới nhưng phải phù hợp
Thời gian gần đây, đề kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn tại một số địa phương gây không ít băn khoăn cho dư luận. Thực hiện đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá Ngữ văn như thế nào để đảm bảo yêu cầu môn học được các chuyên gia, giáo viên cùng bàn luận, tháo gỡ.
“Sạn” trong đề kiểm tra
Năm học 2023 – 2024 Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai năm thứ ba ở cấp THCS và năm thứ hai ở cấp THPT; tuy nhiên, việc ra đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn ở một số địa phương và cơ sở giáo dục vẫn lúng túng, gây băn khoăn dư luận về việc có “sạn” trong đề như: ngữ liệu quá dài; nội dung ngữ liệu khó; nguồn trích dẫn không rõ ràng; hệ thống câu hỏi không bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình; câu hỏi thiếu logic; đáp án thiếu rõ ràng gây tranh cãi, kể cả đáp án sai…
Mới đây, đề kiểm tra học kỳ I môn Ngữ văn khối 8 của Phòng GD&ĐT huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp đã gây phản ứng mạnh. Mặc dù văn bản trong đề thi mang ý nghĩa chỉ trích người tham lam, nói dối, không giữ lời hứa nhưng các chi tiết và câu chữ trong văn bản lại vô cùng phản cảm, thô thiển, phi thẩm mỹ.
Trước đó, một đề thi Ngữ văn cuối kỳ I lớp 8 ở TP Hồ Chí Minh được chia sẻ trên mạng xã hội cũng thu hút sự chú ý của dư luận khi ngữ liệu câu chuyện kể về một thầy đồ... ăn tham.
Bình luận về đề thi môn Ngữ văn nêu trên, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh Hồ Tấn Minh thừa nhận, hành trình đổi mới một vài đơn vị còn lúng túng, trong đó có việc chọn ngữ liệu môn Ngữ văn thi học kỳ chưa thật phù hợp.
“Đối với môn Ngữ văn, các bài kiểm tra cần đánh giá các năng lực cốt lõi của môn học bao gồm: Năng lực đọc hiểu, năng lực viết, năng lực nói và nghe, năng lực tạo lập văn bản, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo. .. Các tranh luận về một vài đề kiểm tra Ngữ văn học kì 1 vừa qua chủ yếu liên quan đến việc lựa chọn ngữ liệu: Độ dài, ngắn; nội dung có phù hợp thời gian làm bài, có phù hợp tâm lí lứa tuổi học sinh hay không; nguồn trích dẫn có cụ thể, rõ ràng, đáng tin cậy hay không. Tới đây, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục tập huấn để thầy cô tổ trưởng chuyên môn các đơn vị trong việc thực hành ra đề kiểm tra nhằm đáp ứng các yêu cầu môn học”, ông Hồ Tấn Minh cho biết.
Nhiều phụ huynh cũng chia sẻ, họ toát mồ hôi khi đọc đề kiểm tra môn Ngữ văn học kỳ I của con. Theo các phụ huynh, chủ trương chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa trong kiểm tra môn Ngữ văn là rất tốt, giúp phát huy tính sáng tạo của học sinh; tuy nhiên ngữ liệu không nên quá khó và quan trọng là phải phù hợp với nhận thức, trình độ của học sinh.
Giáo viên cần tăng cường năng lực tự học
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên môn Ngữ văn Chương trình mới nhận đinh: Môn Ngữ văn Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở, không quy định chi tiết về nội dung dạy học và các văn bản cụ thể cần dạy mà chỉ quy định những yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói và nghe cho mỗi lớp; quy định một số kiến thức cơ bản, cốt lõi về văn học, Tiếng Việt và một số văn bản có vị trí, ý nghĩa quan trọng của văn học dân tộc là nội dung thống nhất bắt buộc hoặc bắt buộc tự chọn đối với tất cả các bộ sách giáo khoa và học sinh toàn quốc.
Tại Văn bản 3175/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông, Bộ GD&ĐT yêu cầu “tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”. Điều này thể hiện quyết tâm lớn của Bộ trong việc triệt tiêu văn mẫu, tránh tư duy lối mòn cho học sinh.
Nhiều giáo viên Ngữ văn cho rằng, để chọn được một ngữ liệu đúng và hay cho đề kiểm tra, thầy cô phải đầu tư công sức, thời gian để đọc sách, báo và các tài liệu có liên quan. Ngữ liệu phải có giá trị về mặt thẩm mỹ, giá trị giáo dục; dung lượng phù hợp với thời gian làm bài của học sinh; nguồn trích dẫn có độ tin cậy. Muốn làm được điều này, mỗi giáo viên cần chọn được một số ngữ liệu hay, phù hợp với đặc trưng thể loại để chủ động nếu tổ môn phân công ra đề. Sau khi kiểm tra, tổ chuyên môn cần tổ chức họp rút kinh nghiệm về những ưu, khuyết trong việc ra đề để hoàn thiện dần.
Góp ý kiến về khâu ra đề thi, cô Doãn Thị Đông, giáo viên Ngữ văn Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ chia sẻ: Giáo viên khi ra đề cần bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình; có ma trận đề thi để tránh được tình trạng cảm tính; bám sát trình độ để đề vừa phù hợp với trình độ mọi mặt (nhận thức, tâm lí lứa tuổi) vừa kích thích hứng thú và kiểm tra được năng lực học sinh. Mặc dù ngữ liệu trong đề thi nằm ngoài sách giáo khoa nhưng giáo viên cần lấy ngữ liệu sách giáo khoa và những định hướng mang tính gợi ý của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 làm chuẩn để định hướng cho việc lựa chọn ngữ liệu trong đề thi.
“Trước yêu cầu đổi mới trong dạy – học và kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn hiện nay, các trường cần thận trọng trong khâu ra đề. Một đề văn cho các cuộc thi ở cấp độ trường, huyện nên là kết quả của chất xám tập thể. Điều quan trọng, giáo viên cần tự học, tự nâng cao trình độ bởi nếu trình độ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu thì rất khó tránh những thiếu sót trong khâu chọn ngữ liệu trong đề kiểm tra đánh giá học sinh”, cô Doãn Thị Đông bày tỏ.