'Ngư tặc' và sự vào cuộc của pháp luật

Trong những ngày gần đây, thông tin về việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang khởi tố và liên tiếp bắt giữ lên đến 22 bị can liên quan đến nhóm đối tượng hoạt động phi pháp trên vùng ven biển từ huyện An Minh đến huyện Kiên Lương (Kiên Giang) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc lập lại an ninh trật tự tại khu vực bờ biển, nơi từng diễn ra nhiều hành vi lấn chiếm ngư trường...

Một số đối tượng bị cơ quan công an bắt giữ. Ảnh: CÔNG AN

1. Theo kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Kiên Giang, nhóm đối tượng trên đã cấu kết với nhau để thực hiện các hành vi chiếm đoạt ngư trường, kiểm soát nguồn lợi hải sản. Cụ thể, các đối tượng nắm được khu vực bãi biển ven bờ từ huyện An Minh đến huyện Kiên Lương có nhiều hải sản loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ nên đã tự ý bao chiếm mặt nước biển - vốn là vùng khai thác tự do của mọi người dân.

Không dừng lại ở đó, các đối tượng còn sử dụng bạo lực và đe dọa không cho ngư dân được khai thác hải sản trong khu vực này. Nhóm này dùng vũ lực ép buộc ngư dân khai thác hải sản rồi bán lại cho chúng với giá thấp hơn giá thị trường. Các đối tượng sử dụng phương tiện vỏ máy công suất lớn, mang theo hung khí, rượt đuổi, đe dọa và thậm chí tấn công, nếu ngư dân không nghe theo yêu cầu của chúng. Đã có những trường hợp ngư dân bị thương tích nặng nề do sự hành hung bởi các đối tượng này. Ngư dân xem các đối tượng này là nhóm “ngư tặc” và luôn khiếp sợ mỗi khi phải đối mặt.

Ngư dân là những người lao động vất vả, ngày đêm đối mặt với sóng gió và nguy hiểm trên biển để kiếm sống. Họ đáng lẽ phải được bảo vệ và hưởng quyền lợi hợp pháp từ việc khai thác hải sản. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm pháp luật của nhóm đối tượng trên đã làm đảo lộn trật tự, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền tự do mưu sinh của người dân, tạo ra một “môi trường sợ hãi” và bất an trong cộng đồng ngư dân vùng ven biển.

Những hành vi trên không chỉ vi phạm các quy định của Bộ luật Hình sự mà còn vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật Việt Nam về bảo vệ quyền tự do khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Hành động đó làm tổn thương đến lợi ích chung của cả cộng đồng dân cư ven biển, gây ra sự bất ổn và xáo trộn tình hình trong khu vực, tạo ra một môi trường kinh doanh bất hợp pháp và nguy hiểm cho những ngư dân chân chính...

2. Trước những hành động hung hãn, côn đồ của nhóm đối tượng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã khẩn trương vào cuộc, điều tra và bắt giữ các đối tượng liên quan. Tính đến ngày 3-10 đã có 22 bị can bị khởi tố và bắt tạm giam, trong đó có những đối tượng tự nguyện ra đầu thú. Việc khởi tố và bắt giữ các đối tượng này thể hiện sự quyết tâm của cơ quan công an trong việc đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là những loại tội phạm nguy hiểm hoạt động băng nhóm theo kiểu “xã hội đen”. Điều này còn thể hiện sự nhạy bén, kịp thời, góp phần khôi phục nhanh trật tự, sự an toàn cho ngư dân, nhưng vẫn khiến các đối tượng bị động, bất ngờ, không kịp trở tay.

Việc phá vụ án này không chỉ là biện pháp xử lý đối với các đối tượng vi phạm, mà còn là một thông điệp mạnh mẽ truyền đến toàn thể cộng đồng rằng pháp luật không dung thứ cho bất cứ hành vi nào xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và lợi ích chung của toàn xã hội. Đối với những ngư dân chân chính, việc cơ quan công an kịp thời can thiệp và bảo vệ quyền lợi của bà con đã củng cố và tạo thêm lòng tin mạnh mẽ vào hệ thống pháp luật, giúp ngư dân yên tâm tiếp tục lao động, sản xuất.

3. Trước diễn biến của vụ việc, Công an tỉnh Kiên Giang cũng đã có lời kêu gọi những đối tượng có liên quan trong vụ việc này, hoặc những đối tượng từng thực hiện những hành vi tương tự hãy sớm ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Đây là cơ hội cuối cùng để những người vi phạm có thể tự thú nhận và chịu sự xử lý theo pháp luật. Việc ngoan cố tiếp tục lẩn trốn sẽ đối mặt với những hình phạt nghiêm khắc hơn sau này.

Hành động ra đầu thú không chỉ là sự thừa nhận sai lầm mà còn là cơ hội để các đối tượng sửa chữa và làm lại từ đầu. Pháp luật Việt Nam luôn có chính sách khoan hồng cho những ai tự nguyện ra đầu thú và hợp tác với cơ quan điều tra. Điều này không chỉ mang lại sự công bằng cho những ngư dân bị hại, mà còn giúp các đối tượng phạm tội có cơ hội làm lại cuộc đời.

Bên cạnh việc xử lý các đối tượng vi phạm, cơ quan công an kêu gọi sự hợp tác của những người dân, nhất là các ngư dân từng bị nhóm đối tượng ép buộc, tấn công. Những người bị hại cần mạnh dạn tố giác tội phạm, cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng để sớm kết thúc vụ án và loại bỏ những hành vi tương tự ra khỏi đời sống xã hội.

Chỉ khi có sự hợp tác mạnh mẽ từ cộng đồng, vụ việc mới có thể được điều tra và xử lý triệt để, ngăn chặn những hành vi vi phạm tương tự tái diễn trong tương lai. Sự đoàn kết của ngư dân và sự hỗ trợ từ phía người dân là yếu tố quan trọng giúp cơ quan chức năng hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng của những người lao động chân chính.

TRỌNG NGHĨA

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/ban-luan/ngu-tac-va-su-vao-cuoc-cua-phap-luat-22601.html