Ngựa bạch 'nâng cánh' Hữu Kiên

Vốn có giống ngựa bạch bản địa nổi tiếng, cùng với đó là điều kiện thổ nhưỡng khí hậu thuận lợi, thảo nguyên xanh mướt mênh mông… nên bà con dân tộc Tày, Nùng ở xã Hữu Kiên (Chi Lăng, Lạng Sơn) đẩy mạnh phát triển đàn ngựa, nuôi gia súc, nhờ đó thoát nghèo, kinh tế nhiều hộ khá giả.

Hữu Kiên được thiên nhiên ưu ái cho diện tích rộng lớn hơn 8.000 héc ta, trong đó có khu thảo nguyên Khau Sao rộng hơn 140 héc-ta… rất thuận lợi cho việc chăn thả ngựa. Các khu đồi thảo nguyên Khau Sao có độ cao 760 - 1.000m so với mặt nước biển, bao phủ cỏ xanh mướt, là địa điểm lý tưởng để chăn thả gia súc như: Ngựa, trâu, bò. Hiện nay, tại đây, người dân đang chăn thả hơn 1.700 con ngựa, trong đó có gần 800 con ngựa bạch. Riêng đối với giống ngựa bạch thì có thuộc tính rất dễ nuôi, hiền và có giá trị cao gấp đôi ngựa thường.

Ngựa bạch chăn thả tự nhiên trên thảo nguyên Khau Sao

Ngựa bạch chăn thả tự nhiên trên thảo nguyên Khau Sao

Thông thường người dân thả ngựa bạch trên đồi từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch năm sau vì thời gian đó chưa cấy lúa. Sáng mở chuồng lùa ngựa đi, tối muộn mới tìm về. Một số hộ thả tự nhiên có khi cả tuần mới cho về chuồng, ngựa đi theo đàn nên không sợ lạc. Ngựa được nuôi thả rông sống theo đàn và được đánh dấu riêng bằng tiếng chuông ở cổ. Một đàn thường có vừa ngựa thường vừa ngựa bạch. Người chủ phải biết cho ngựa thường phối giống với ngựa bạch thuần chủng để cho ra đời những con ngựa bạch con mang giá trị lớn.

Ngựa bạch thuần chủng ở Hữu Kiên có thân hình nhỏ, trọng lượng từ 70 - 100kg. Lông màu trắng, mắt, mũi, móng màu hồng. Người dân thường nuôi ngựa để lấy thịt và nấu cao hoặc bán con giống. Giá một con ngựa bình thường dao động từ 20 - 25 triệu đồng, thì ngựa bạch trưởng thành có thể bán ra thị trường với giá khoảng 50 - 70 triệu đồng. Đây là một trong những hướng thoát nghèo có hiệu quả cho người dân phát triển chăn nuôi ngựa bạch, nhằm góp phần tăng tổng đàn gia súc, từng bước giúp bà con nông dân xóa đói, giảm nghèo một cách hiệu quả và bền vững. Ở Hữu Kiên đến nay có những gia đình có từ 5 – 7 con ngựa bạch, cùng với trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò, dê… tính giá trị tài sản cũng lên tới cả tỷ đồng. Như gia đình chị Nông Thị Nở, gia đình anh Nông Văn Chưng. Ngay như Chủ tịch UBND xã – ông Nông Quang Đảm cũng là người nêu gương phát triển kinh tế từ nuôi ngựa bạch lên đến hàng chục con. Nhờ nuôi ngựa bạch mà nhiều hộ kinh tế khá giả, xã cũng đã có vài hộ mua được ô tô, trong đó có gia đình ông Đảm…

Tuy nhiên, trên thực tế, chăn nuôi ngựa bạch Hữu Kiên vẫn còn nhỏ lẻ, chưa được quy hoạch. Chủ yếu chăn nuôi ngựa theo hình thức hộ gia đình nên có mặt còn hạn chế như chăn thả tự do quảng canh, nguồn thức ăn không ổn định. Quản lý giống, chuồng trại chưa đảm bảo, chưa chủ động nguồn thức ăn thô, xanh vào mùa đông, mùa khô. Việc phòng và điều trị bệnh cho ngựa theo kinh nghiệm là chính, độ rủi ro cao. Mặt khác, do thả rông nên việc phối giống tự nhiên là hoàn toàn ngẫu nhiên và không có sự tác động, kiểm soát của con người dẫn đến mức độ cận huyết cao, ảnh hưởng đến chất lượng đàn ngựa...

Ngựa bạch vốn là sản vật thiên nhiên ban tặng cho Hữu Kiên gắn với thảo nguyên Khau Sao. Hiện chính quyền xã Hữu Kiên trong đó có vai trò tích cực của ông Nông Quang Đảm đang xúc tiến thành lập hợp tác xã chăn nuôi và kinh doanh các sản phẩm từ ngựa bạch như: Cao ngựa, giò ngựa, các món ẩm thực từ ngựa bạch. Ông Nông Quang Đảm chia sẻ: “Nếu thành lập hợp tác xã sẽ nâng cao số lượng vừa đảm bảo chất lượng đàn ngựa vì có quy hoạch và các nguyên tắc chung giữa các hộ nuôi, tạo thương hiệu cho đàn ngựa bạch. Phát triển con ngựa bạch, sản phẩm từ ngựa bạch gắn với phát triển du lịch thảo nguyên Khau Sao, tôi tin sẽ thành công” – ông Nông Quang Đảm quả quyết!.

Tiệp - Quang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ngua-bach-nang-canh-huu-kien-131625.html