Ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước: Cần quy định thật rõ, tránh tùy tiện

Chiều 28-5, Quốc hội thảo luận một số nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Nhiều đại biểu bày tỏ sự băn khoăn với biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết mà dự thảo đưa ra.

 Phiên thảo luận chiều 28-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Phiên thảo luận chiều 28-5. Ảnh: QUANG PHÚC

Tại phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) đều ủng hộ Thủ đô có những cơ chế đặc thù để phát triển xứng tầm; đánh giá dự thảo đã tiếp thu tối đa ý kiến các ĐB để những chính sách đủ mạnh cho Hà Nội phát triển. Các ĐB cũng đề nghị cần rà soát chặt chẽ, thận trọng về một số nội dung.

ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cho rằng, Hà Nội có vị trí, vai trò là Thủ đô, khối lượng công việc về quản lý đầu tư phát triển rất lớn, phức tạp, yêu cầu ngày càng cao. Ngoài đảo đảm nhiệm vụ của một địa phương cấp tỉnh thì Hà Nội còn đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính trị, đặc biệt yêu cầu cao hơn về đô thị, môi trường, trật tự an toàn xã hội, văn hóa, đối ngoại với vai trò là Thủ đô của đất nước. Đồng thời, là đô thị đặc biệt, Hà Nội có tốc độ phát triển nhanh, quy mô kinh tế lớn, hoạt động thương mại, dịch vụ, giao dịch quốc tế, văn hóa, thể thao diễn ra sôi động, đa dạng, có tầm ảnh hưởng lớn.

Do đó, ĐB tán thành cần thiết giao quyền chủ động cho Hà Nội trong quyết định chịu trách nhiệm bảo đảm điều kiện thực hiện trong việc thành lập, tổ chức lại, giải thể cơ quan chuyên môn; tán thành giao thẩm quyền quyết định tổ chức bộ máy, tổ chức thuộc UBND, mục tiêu là có được tổ chức bộ máy linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu quản lý trong từng giai đoạn.

 ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) và một số ĐB thống nhất với quy định cho phép các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ KHCN công lập khác trên địa bàn thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở đó.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là vấn đề quan trọng, cần thận trọng, cần cân nhắc đối với quy định này. Bởi Luật Công chức, Luật Viên chức không cho phép công chức, viên chức được thành lập, điều hành doanh nghiệp. Do đó, đối với Luật Thủ đô cần xác định rõ, phân công hợp lý khi quy định viên chức thuộc cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức KHCN được tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở, tổ chức đó thành lập.

Về vấn đề mở rộng các lĩnh vực mà HĐND thành phố được quy định mức tiền xử phạt vi phạm hành chính cao hơn và áp dụng trên địa bàn toàn thành phố, không phân biệt nội thành, ngoại thành; quy định về biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết, tuy tán thành nhưng ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị có quy định chi tiết, cụ thể trường hợp nào thì bị ngừng cung cấp, làm sao để khi thực hiện thì không để cán bộ lạm quyền, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân.

Một số ĐB cũng đồng tình, cần quy định rõ HĐND thành phố xác định cụ thể trường hợp nào, cơ sở nào trong phạm vi áp dụng sẽ bị ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để áp dụng đúng và tránh trường hợp tùy tiện. Đây là biện pháp hành chính để bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm khẩn cấp.

Các ĐB cũng dẫn thực tế thời gian qua, Hà Nội đã diễn ra những vụ cháy thương tâm, do đó cần có những biện pháp đủ mạnh để xử lý sai phạm. Đây chưa phải là biện pháp cao nhất nhưng cũng rất cần thiết để áp dụng. Tuy nhiên, các ĐB đều đồng tình là phải quy định chặt chẽ để tránh tình trạng áp dụng tùy tiện.

 ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) băn khoăn với quy định về biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong trường hợp thật cần thiết. Theo ĐB, nên xem xét kỹ nội dung này, vì nếu không cấp điện, nước cho các công trình sai quy hoạch thì Luật Xây dựng đã quy định, nên đưa vào luật này lại xung đột với Hiến pháp, đó là công dân được quyền sống và kinh doanh.

ĐB Nguyễn Quang Huân cũng băn khoăn về biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, có nêu “trong khu vực nội đô lịch sử, không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

“Quy định Hà Nội không mở khu công nghiệp ở nội đô thì đồng ý, nhưng không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có liệu có dẫn đến tình trạng sau này 4 quận nội đô quá tải dân số, quá tải bệnh viện, cần cân nhắc”, ĐB phân vân.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ngung-cung-cap-dich-vu-dien-nuoc-can-quy-dinh-that-ro-tranh-tuy-tien-post741958.html