Ngừng việc đã giảm nhưng vẫn có nguy cơ thiếu hụt lao động cục bộ sau Tết

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị chủ động đón người lao động trở lại làm việc ngay sau Tết, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ những ngày đầu năm mới Ất Tỵ 2025.

Tư vấn các thông tin tuyển dụng lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tư vấn các thông tin tuyển dụng lao động. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Theo báo cáo về tình hình bảo đảm an sinh xã hội dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ngày 2/2, có hàng nghìn lao động đã làm việc xuyên Tết tại một số khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương...

Ngừng việc trước Tết giảm đáng kể

Tình hình lao động trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 ghi nhận nhu cầu tuyển dụng thời vụ tăng cao do các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất để phục vụ nhu cầu Tết.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ước tính nhu cầu cần tuyển dụng lao động trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 là 28.525 vị trí làm việc và tập trung chủ yếu ở khu vực thương mại-dịch vụ, chiếm tới gần 70%. Đa số doanh nghiệp cố gắng duy trì hoặc tăng thưởng Tết để giữ chân nhân viên, trong khi nhiều lao động ngoại tỉnh về quê sớm cũng có thể dẫn tới thiếu hụt nhân lực cục bộ.

Trước kỳ nghỉ Tết, cục bộ vẫn còn tồn tại hiện tượng một số doanh nghiệp chậm trả lương và thưởng tháng 13 gây khó khăn cho người lao động. Hơn 700 công nhân tại Công ty Cổ phần may Vạn Hà tại tỉnh Thanh Hóa đã ngừng việc tập thể để đòi quyền lợi liên quan đến chế độ tiền thưởng tháng 13, bảo hiểm xã hội và tiền lương. 251 lao động làm việc tại Công ty TNHH May Minh Hoàng 2 tại tỉnh Quảng Nam ngừng việc tập thể từ sáng ngày 21/01/2025 do Công ty chưa chi trả tiền thưởng Tết (lương tháng thứ 13) và nợ đóng các khoản bảo hiểm kéo dài dai dẳng.

Tuy nhiên, tình trạng ngừng việc trước Tết đã giảm đáng kể. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, số vụ ngừng việc tập thể trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã giảm 50% so với năm trước, với chỉ 7 vụ ghi nhận trong hai tháng cuối năm 2024.

Sự giảm thiểu đáng kể này phản ánh hiệu quả của các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động, từ việc đảm bảo tiền lương, tiền thưởng đến tổ chức các chương trình hỗ trợ người lao động.

Trong dịp Tết, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chính sách và phúc lợi nhằm hỗ trợ cho người lao động, phần lớn là thưởng Tết Nguyên đán và Tết Dương lịch; một số doanh nghiệp hỗ trợ nơi ở tạm thời; hỗ trợ chi phí di chuyển cho người lao động về quê ăn Tết; ngoài ra các phúc lợi khác như tặng tiền mặt, quà Tết, hoặc thưởng lương tháng thứ 13 cũng được thực hiện để đảm bảo quyền lợi và tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động đón Tết.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tổ chức chương trình “Chuyến tàu Công đoàn-Xuân 2025” đã hỗ trợ vé tàu khứ hồi cho 1.750 đoàn viên, người lao động từ các tỉnh miền Nam ra miền Bắc và hỗ trợ chuyến bay Công đoàn, đưa 400 công nhân về quê với hai chặng: Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh-Vinh.

Các doanh nghiệp đã chủ động đối thoại về lương, thưởng từ sớm và phối hợp với công đoàn để tổ chức các chương trình thiết thực, giúp giảm mâu thuẫn và giữ chân người lao động. Một số khu công nghiệp tại Hà Nội, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương... có hàng nghìn lao động đăng ký làm việc xuyên Tết.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vẫn vi phạm thỏa thuận lương, thưởng, dẫn đến bất bình trong người lao động, đặc biệt tại các địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh.

“Giữ chân” tránh thiếu hụt lao động sau Tết

Trong dịp Tết, tại một số dự án trọng điểm quốc gia như sân bay Long Thành, các tuyến cao tốc phía Nam, các dự án năng lượng... vẫn duy trì làm việc khẩn trương, xuyên Tết, công nhân, người lao động được quan tâm, tổ chức Tết tại công trường theo đúng chỉ đạo tại Công điện số 06/CĐ-TTg ngày 25/01/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc Tết các đơn vị thi công dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc Tết các đơn vị thi công dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới động viên, tặng quà Tết cán bộ, công nhân đang thi công làm việc xuyên Tết tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) vào ngày 1/2 và dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) vào ngày 2/2.

Dự báo sau Tết, thị trường lao động cũng sẽ gặp một số biến động như một số lực lượng lao động có thể không quay lại (chuyển việc hoặc thay đổi chỗ ở). Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời và nhu cầu tuyển dụng mới trong quý 1/2025 tăng cao, đặc biệt ở các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.

Bên cạnh đó, một lực lượng lớn lao động trong khối đơn vị sự nghiệp sau phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước sẽ tham gia vào thị trường lao động, tạo áp lực cho vấn đề kết nối việc làm cho các đối tượng này.

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, để đảm bảo lao động sau Tết cần tập trung vào công tác chủ động nắm bắt tình hình lao động-việc làm trên địa bàn; tăng cường công tác thông tin thị trường lao động và kết nối cung-cầu lao động thông qua các hoạt động như tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm và tổ chức các phiên giao dịch việc làm kết nối trực tuyến giữa các địa phương. Để tránh thiếu hụt lao động sau Tết, các doanh nghiệp thường chủ động có chính sách “giữ chân” nhân viên, nâng cao chế độ đãi ngộ để giảm thiểu việc biến động lao động sau Tết.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai kế hoạch đón người lao động trở lại làm việc ngay sau Tết, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh ngay từ những ngày đầu, tháng đầu năm mới Ất Tỵ 2025./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ngung-viec-da-giam-nhung-van-co-nguy-co-thieu-hut-lao-dong-cuc-bo-sau-tet-post1010232.vnp