Ngược chiều chứng khoán Mỹ, cổ phiếu châu Á tăng kỷ lục
Trái ngược với thị trường Phố Wall, chứng khoán châu Á tăng mạnh trong ngày 30/12 khi các nhà đầu tư đặt cược vào đà phục hồi kinh tế trong năm tới.
Hầu hết thị trường cổ phiếu châu Á đều ghi nhận mức tăng kỷ lục trong phiên giao dịch này trong bối cảnh không có nhiều dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách sẽ dừng các gói kích thích tài khóa lớn nhằm ngăn chặn đà suy thoái do dịch Covid-19.
Chỉ số MSCI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản tăng 0,6%, chạm mức cao kỷ lục.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng giao dịch khởi sắc, với chỉ số Shanghai composite tăng 0,3%, còn chỉ số thành phần Thâm Quyến cộng 0,633%. Chỉ số chứng khoán của Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng 18,2% kể từ đầu năm đến nay. Chỉ số Hang Seng trên sàn Hồng Kông (Trung Quốc) cũng nhích 0,83%.
Tuy nhiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản sụt nhẹ 0,57% sau khi tăng hơn 2% trong phiên trước đó và ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 8/1990. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số này đã leo dốc 15,8%. Chỉ số Topix cũng mất 0,73% trong phiên giao dịch ngày 30/12.
Tại một số thị trường khác, chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,24%, chỉ số S&P/ASX 200 tại thị trường Australia mất 0,76%.
Chiến lược gia cổ phiếu Masanari Takada tại Công ty Nomura Securities, cho biết: “Giới đầu tư đánh giá tích cực vào đà phục hồi của hầu hết các thị trường trong khu vực, và một số nhà đầu bắt đầu đặt cược vào đợt tăng mạnh của cổ phiếu”.
Thị trường đang gia tăng kỳ vọng rằng các cơ quan quản lý tiền tệ toàn cầu sẽ tiếp tục bơm thanh khoản cho các ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19, điều này cũng hỗ trợ tích cực cho tài sản rủi ro.
“Chúng tôi cho rằng việc tiếp tục hỗ trợ chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ khiến nhà đầu tư hào hứng với tài sản rủi ro. Cổ phiếu sẽ hấp dẫn hơn trái phiếu” - Hiroshi Yokotani - người đứng đầu bộ phận kinh doanh cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương tại State Street Global Advisors cho biết.
Trong khi đó, chỉ số tương lai của S&P 500 tại châu Á tăng 0,13% sau khi Lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mỹ Mitch McConnell chặn bỏ phiếu về yêu cầu tăng mức cứu trợ Covid-19 lên 2.000 USD của Tổng thống Donald Trump.
Chứng khoán Mỹ cũng quay đầu đi xuống trong phiên giao dịch ngày 29/12 khi nhà đầu tư cân nhắc khả năng Quốc hội Mỹ tung thêm kích thích.
Kết thúc phiên giao dịch 29/12, chỉ số Dow Jones giảm 0,2% xuống 30.335,67 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 0,2% về còn 3.727,04 điểm. Nasdaq Composite hạ 0,4%, còn 12.850,22 điểm. Cả Dow Jones và S&P 500 đều dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp.
Trước đó, cả ba chỉ số đều lập đỉnh mới ngay khi mở cửa khi Dow Jones đầu phiên tăng hơn 100 điểm.
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell đã chặn lại nỗ lực của Lãnh đạo phe thiểu số Chuck Schumer về việc thúc đẩy dự luật tăng hỗ trợ trực tiếp cho người dân Mỹ từ 600 USD lên 2.000 USD.
Trước đó, hôm 28/12, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật tăng mức cứu trợ Covid-19. Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 23/12 cũng yêu cầu tăng mức hỗ trợ Covid-19 cho người dân lên 2.000 USD.
Cổ phiếu Apple và Home Depot đều mất hơn 1%. Ngược lại, Intel tăng 4,9% sau khi Dan Loeb của Third Point thúc giục hãng xem xét các đề xuất của hãng này về một thỏa thuận.
Mặc dù đi xuống trong phiên ngày 29/12, các chỉ số trên sàn Phố Wall đang hướng chốt năm 2020 với mức leo dốc ngạc nhiên. Tính đến nay, S&P 500 đã tăng 15,4%. Dow Jones cộng 6,3%. Thậm chí, chỉ số Nasdaq Composite đã tăng hơn 43% khi nhà đầu tư đẩy mạnh mua cổ phiếu công nghệ trong đại dịch.
Ông Mark Haefele - Giám đốc Đầu tư tại UBS Global Wealth Management, nhận xét: “Sự kết hợp của vaccine, gói kích thích tài khóa và chính sách nới lỏng tiền tệ vẫn sẽ tạo nền tảng tốt cho thị trường chứng khoán trong năm 2021".
Tuy nhiên, số ca nhiễm mới tại Mỹ vẫn liên tục tăng, phủ bóng lên triển vọng phục hồi kinh tế mạnh trong năm 2021. Tuần trước, Mỹ ghi nhận ít nhất 184.000 ca mới mỗi ngày, theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins./.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/nguoc-chieu-chung-khoan-my-co-phieu-chau-a-tang-ky-luc-405652.html