Ngược dòng Lô Giang

Ngược dòng Lô Giang chúng tôi đi về miền đất cổ Sơn Đông (huyện Lập Thạch) và Tam Sơn (huyện Sông Lô) của tỉnh Vĩnh Phúc đến thăm ngôi đền Tả Tướng Quốc, một vị công thần vào loại bậc nhất của triều đình nhà Lê và chiêm ngắm tòa tháp Bình Sơn nổi tiếng là báu vật hiếm hoi của thời Lý - Trần còn xót lại.

Tác giả Thu Hiền trước cửa đền Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc)

Tác giả Thu Hiền trước cửa đền Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc)

Buổi sáng mùa Đông, bầu trời cuối năm rất ảm đạm, cái lạnh se sắt hòa cùng gió bấc hanh hao khiến cho đất trời trở nên khô khốc. Nhưng được cái mùa này dòng sông oai hùng của “sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u” hiện lên rất hiền dịu và duyên dáng. Nó không còn là dòng nước đỏ ngầu, dâng cao đôi bờ mênh mông và cuồn cuộn chảy xuống miền hạ du.

Men theo con đường bên dòng sông, chúng tôi ngắm nhìn làn nước màu lam thấy nó hiện lên sao trữ tình đến thế. Nó không hung dữ, táo tợn như mùa lũ hồi tháng chín. Trái lại, giờ đây dòng sông nhìn giống như một dải lụa màu xanh mềm mại, uốn lượn quanh co dưới chân những núi và đi qua các làng mạc trù phú trên các triền đồi, bãi sông; duyên dáng soi bóng những bờ tre, ruộng ngô đang thì biêng biếc.

Đất trời cuối năm, gió chồng lên gió, sông Lô ngang qua miền đất Tổ khá êm đềm và xôn xao sóng biếc. Nó không phải vượt thác băng ghềnh như thể trên miền thượng nguồn, nơi nhập vào đất Việt. Mê mải với dòng sông thơ mộng xen lẫn những cảm hứng trên các vùng đất huyền thoại bên dòng sông trào dâng khiến cho chúng tôi không khỏi háo hức, bâng khuâng, thương cảm với những thế sự thăng trầm một thời trên sông.

Thương thay phận đời Tả Tướng Quốc

Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình cuối năm trên miền đất cổ bên dòng sông Lô là đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn (1390 - 1429) ở xã Sơn Đông huyện Lập Thạch. Nghe kể, ngôi đền được làm trên chính nền ngôi nhà mà ông sinh ra và lớn lên. Đó là một thửa đất bằng phẳng, cao và rộng.

Đền được làm từ thời vua Lê Thánh Tông, vào dịp ông được nhà vua minh oan và khôi phục lại toàn bộ các chức vụ, tước hiệu. Người ta bảo rằng ban đầu đền nhìn ra phía sông Lô theo hướng Tây - Nam nhưng rồi sau mấy lần trùng tu đền được đổi hướng nhìn ra ao Tó theo hướng Đông - Nam.

Đền thờ Tả Tướng Quốc được làm theo kiến trúc truyền thống của đình, đền làng Việt. Công trình gồm có đủ các hạng mục như nhà tam quan, đền thờ chính, nhà tả mạc, nhà hữu mạc, nhà đặt đá mài gươm, sân, vườn, tường rào...

Đền thờ chính được làm theo hình chữ “đinh” gồm năm gian tiền tế và ba gian hậu cung với sáu hàng chân cột gỗ lim bề thế. Trang trí và điêu khắc trong đền mang đậm nét kiến trúc cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn. Trung tâm của đền là ban thờ Tả Tướng Quốc ở hậu cung.

Các gian bên là ban thờ Thân mẫu, Thân phụ, Phu nhân và các vị tướng lĩnh của người cùng với Thổ thần. Gian giữa chính điện, phía trên hương án có treo bức hoành phi lớn chạm khắc bốn chữ “KHAI QUỐC NGUYÊN HUÂN”. Tương truyền bốn chữ này do chính tay vua Lê Thánh Tông ban tặng.

Ngoài ra, trong đền còn lưu giữ được khá nhiều đồ thờ quí hiếm cùng thần tích và mười ba đạo sắc phong của các triều đình phong kiến, đặc biệt vẫn giữ được một số câu đối do các danh sĩ thập phương cung tiến khi ghé qua đền hương khói, chiêm bái.

Ban thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn

Ban thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn

Thăm viếng ngôi đền linh thiêng và cổ kính, chúng tôi thấy đáng chú ý có công trình tam quan và một phiến đá mài kiếm, ngoài ra nghe nói còn có một thanh gươm. Công trình Tam quan vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc thời Lê - Nguyễn, rất cổ kính với bảy bậc lên xuống, bên cạnh cổng chính còn có hai cổng phụ. Phía trên cổng chính treo bức hoành phi khắc ba chữ “TỐI LINH TỪ. Hòn đá mài gươm và thanh gươm nghe kể đây là hai vật báu được Trần Nguyên Hãn sử dụng lúc đương thời. Hòn đá được Trần Nguyên Hãn dùng để mài gươm, mài giáo đánh giặc. Thanh gươm là vật bất ly thân của Tả Tướng Quốc.

Truyền thuyết vùng đất Sơn Đông có kể rằng: Hồi giặc Minh xâm lược nước ta, Trần Nguyên Hãn trong một lần đi cày ở nương Gò Rạch có nhặt được một thanh sắt dài như gươm. Đêm đến ông đem thanh gươm ra mài ở một hòn đá (dài khoảng hai mét rưỡi, rộng chừng một mét sáu, bề dày gần nửa mét và nặng gần hai tấn) bên bờ ao Son. Cũng bởi việc này mà hòn đá đó có tên là đá mài gươm. Trên hòn đá có một vết lõm trông tựa như vết chém. Tương truyền đó là vết chém thử gươm của Trần Nguyên Hãn. Thanh gươm luôn được Trần Nguyên Hãn mang theo bên mình khi xung trận.

Câu chuyện thanh gươm khá ly kỳ. Người ta kể, một lần tình cờ Trần Nguyên Hãn được ông chủ bè ở cửa sông Phú Hậu tặng một thanh gỗ hình chuôi gươm. Thanh gỗ chuôi gươm này do ông vớt được dưới dòng sông. Trần Nguyên Hãn lấy lưỡi gươm cắm vào chuôi gươm thấy vừa khin khít. Từ đó, lạ thay, thanh gươm tỏ ra rất hiệu nghiệm, ông đánh đâu thắng đấy.

Có thuyết khác kể, thanh gươm ấy là của Thái sư Trần Quang Khải, cụ tổ của Trần Nguyên Hãn. Thanh gươm này từng theo Trần Quang Khải đánh đông dẹp bắc khiến giặc Nguyên - Mông phải kinh hồn bạt vía. Thanh gươm ấy được bà Lê Thị Hoàn (mẹ của Trần Nguyên Hãn) trao lại.

Chuyện là, Trần Nguyên Hãn vốn là cháu nội của Chương túc Quốc Thượng hầu, Tư đồ Trần Nguyên Đán (một nhà thiên văn và lịch pháp nổi tiếng thời Trần), cháu sáu đời của Chiêu Minh đại vương, Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải, dòng dõi vua Trần Thái Tông.

Hồi thế cuối thế kỷ XIV, nhà Trần suy yếu. Năm 1400 Hồ Quý Ly chiếm đoạt ngôi vua, âm mưu hãm hại gia tộc nhà Trần. Trong bối cảnh đó, năm Ất Sửu (1385), Đại Tư đồ Trần Nguyên Đán lúc đó đang trí sĩ tại Côn Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã cho con trai là Trần Án và con dâu là Lê Thị Hoàn đang mang thai lên lánh nạn tại vùng đất Sơn Đông huyện Lập Thạch. Hai ông bà đã lập nghiệp ở đây bằng nghề ép dầu.

Một thời gian sau, ông Trần Án bị nhà Hồ truy tìm, bắt được và đem giết. Bà Lê Thị Hoàn phải trốn tránh, một mình nuôi con. Thời đó, giặc Minh sang cướp nước ta, Trần Nguyên Hãn lúc ấy đã trưởng thành. Ông tận mắt chứng kiến tội ác của giặc Minh hà hiếp, cướp bóc dân lành nhưng đành nuốt hận và âm thầm luyện tập võ nghệ, nghiền ngẫm binh thư chờ thời cơ “đền nợ nước”. Khi thấy con trai đã trưởng thành, bà Lê Thị Hoàn lấy thanh gươm bấy lâu nay cất giấu kỹ càng trao lại cho Trần Nguyên Hãn với một mong ước con sẽ dùng thanh gươm gia bảo để cứu nước giúp đời, làm rạng danh cho tổ tông.

Nghe theo lời mẹ, tháng Hai năm Canh Dần (1410), Trần Nguyên Hãn đã bí mật lập căn cứ tại rừng Thần, ao Tó, Đầm Trạch. Lúc bấy giờ những chỗ này là rừng cây um tùm, bao quanh là những cánh đồng chiêm trũng và chỉ có một con đường độc đạo ra vào. Trần Nguyên Hãn chọn nơi này để che mắt địch, đồng thời để sản xuất tích trữ lương thực chuẩn bị cho kháng chiến. Trần Nguyên Hãn đã chiêu tập trai tráng trong vùng, tổ chức luyện tập võ nghệ.

Khi đội quân lớn mạnh, Trần Nguyên Hãn chỉ huy nghĩa quân tiến đánh thành Tam Giang và làm chủ cả một vùng Bạch Hạc rộng lớn khiến cho quân Minh vô cùng lo sợ. Tiếng tăm của nghĩa quân lan rộng khắp vùng. Sau đó, Trần Nguyên Hãn được Lý Ông Trọng ở đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mách bảo Lê Lợi sẽ làm vua và Nguyễn Trãi làm thần nên đã cùng Nguyễn Trãi (hai anh em con cô con cậu, một cháu nội và một cháu ngoại của Trần Nguyên Đán) tìm đến Lam Sơn (Thanh Hóa) đi theo Lê Lợi.

Truyền thuyết có kể rằng, gần Tết Mậu Tuất (1418), Trần Nguyên Hãn mang theo hơn hai trăm nghĩa binh cùng hơn một trăm ngựa chiến vào Thanh Hóa tụ nghĩa với Lê Lợi để hợp lực đánh đuổi giặc Minh. Lê Lợi từng nghe uy danh của nghĩa binh nên rất vui mừng. Lê Lợi thân chinh ra đón Trần Nguyên Hãn và xếp ông nằm trong bộ “tứ trụ phù Lê”, giao cho ông rèn luyện quân sĩ. Tham gia nghĩa quân Lam Sơn, người con trang Sơn Đông đã không sợ hiểm nguy, xông pha trận mạc và làm nên những trận đánh lịch sử để lại tiếng thơm lẫy lừng và làm cho quân giặc phải khiếp sợ muôn đời.

Đó là những trận tiêu diệt đồn Đa Căng (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) mở đường cho nghĩa quân tiến vào giải phóng miền Nghệ An và toàn bộ vùng Tân Bình - Thuận Hóa (thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế); phối hợp với các đạo quân do Lê Lợi chỉ huy vây hãm thành Đông Quan.

Sử sách còn ghi, ngày 22 tháng 11 năm 1426, Trần Nguyên Hãn chỉ huy hơn một trăm chiến thuyền từ sông Đáy bí mật ra cửa sông Hồng rồi xuôi về Đông Bộ Đầu (Hàng Than, Hà Nội) đánh tan đội thủy binh của nhà Minh. Trận này nghĩa quân bắt sống hơn một trăm chiến thuyền của giặc và cắt đứt cầu nối thành Đông Quan với mạn Bắc sông Hồng (phía Gia Lâm, Hà Nội), đồng thời phối hợp đập tan đội quân của Phương Chính, buộc Vương Thông phải rút lui, cố thủ trong thành Đông Quan, xin viện binh ứng cứu.

Sau những chiến thắng vang dội này, Trần Nguyên Hãn được phong chức Thái úy, đứng đầu hàng tướng lĩnh. Tháng 1 năm 1427, vua Minh điều mười lăm vạn quân, chia thành hai đạo quân sang nước ta hòng giải vây thành Đông Quan, ứng cứu Vương Thông.

Để chủ động đối phó với lực lượng viện binh này Lê Lợi tiến đánh một số cứ điểm của quân giặc nằm trên trục đường tiến quân của chúng, trong đó có thành Xương Giang (thành phố Bắc Giang). Trần Nguyên Hãn được Lê Lợi giao trực tiếp chỉ huy với nhiệm vụ phải hạ được thành Xương Giang trước khi viện binh của Liễu Thăng kéo đến. Khi đó, thành Xương Giang được bố phòng rất vững chắc và được bảo vệ cẩn mật.

Sau khi nắm tình hình, Trần Nguyên Hãn đã cho quân đào các đường hầm bí mật trong lòng đất để đánh từ ngoài vào trong. Sau đó ông trực tiếp chỉ huy nghĩa quân phối hợp các lực lượng, nội công, ngoại kích, bốn mặt cùng đánh. Kết quả, chỉ sau một canh giờ, toàn bộ quân địch trong thành bị tiêu diệt, các tướng giặc đều bị giết hoặc bị bắt. Hai tên tướng chỉ huy giữ thành là Lý Nhậm và Kim Dận phải tự vẫn. Trận đánh thành Xương Giang đã hoàn thành tiến độ trước mười ngày và trở thành một trong những trận đánh kinh điển, đi vào lịch sử dân tộc như một dấu son huy hoàng và là minh chứng cho tài thao lược quân sự tuyệt vời của danh tướng Trần Nguyên Hãn.

Ngày 18 tháng 9 năm Đinh Mùi (1428), Liễu Thăng chỉ huy đội quân tiên phong tiến đánh ải Pha Lũy, tức Mục Nam Quan, do tướng Trần Lựu trấn giữ. Trong trận đánh này, Trần Nguyên Hãn cho tướng Trần Lựu giả vờ thua chạy, lui quân về giữ ải Chi Lăng. Quân Minh trúng kế, tưởng đánh thắng nên đốc quân tiến đánh Chi Lăng. Khi đó hai đội quân của ta do Trần Nguyên Hãn và Lê Sát chỉ huy, mai phục, đợi quân Minh vào trong trận địa rồi cùng đội quân của tướng Trần Lựu quay lại hợp lực vây đánh. Kết quả, quân ta đã tiêu diệt gần một vạn tên. Tổng binh Liễu Thăng đã bị tướng Vũ Cố chém rơi đầu tại núi Mã Yên. Đám tàn quân còn lại liều chết phá vòng vây chạy về thành Xương Giang.

Trên dọc đường đi, quân Minh liên tục bị nghĩa quân chặn đánh. Phó Tổng binh Lương Minh bị giết chết tại Cần Trạm (thị trấn Kép), Thượng thư Lý Khánh phải thắt cổ tự vẫn. Hai viên tướng chỉ huy là Thôi Tụ và Hoàng Phúc cùng đoàn quân bại trận chạy đến thành Xương Giang thấy thành đã bị thất thủ nên phải co cụm cắm trại giữa cánh đồng. Thừa cơ, quân của ta tiếp tục bao vây, tiến đánh, chặn đường tiếp lương, khiến cho quân giặc chết đói và bị giết rất nhiều.

Chỉ trong 25 ngày, từ ngày 8 tháng 10 đến ngày mùng 3 tháng 11 năm 1427, nghĩa quân của Lê Lợi đã đánh bại mười vạn hùng binh của nhà Minh. Trong các chiến công thần thánh ấy, danh tướng Trần Nguyên Hãn nổi lên như một ngôi sao sáng nhất giữa muôn ngàn vì sao sáng. Bởi thế, sau chiến thắng, năm 1248, khi định công ban thưởng, Lê Lợi đã gia phong cho Trần Nguyên Hãn chức Hữu Tướng Quốc, cho mang quốc tính họ Lê. Công lao và danh vọng của ông được xếp ở hàng cao nhất.

Thương thay, sau ngày chiến thắng, Lê Thái Tổ đã nghe lời gièm pha của gian thần mà giết hại công thần, trong đó có Trần Nguyễn Hãn. Sự kiện này, “Đại Việt sử ký toàn thư” có ghi rằng: “Bọn Đinh Bang Bảng, Lê Quốc Khí, Trình Hoành Bá, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư đón biết ý vua, đưa dâng sớ khuyên Thái Tổ quyết ý giết đi. Những người mà bọn Quốc Khí không bằng lòng đều bị chỉ là bè đảng của hai nhà ấy (tức Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo), bị án tử và đồ rất nhiều. Các quan đều sợ miệng chúng”. Bọn gian thần thấy Trần Nguyên Hãn xây nhà, đóng thuyền nên vu cho ông âm mưu chuẩn bị phản nghịch.

Nghe theo bọn chúng, ngày 26 tháng 2 năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), Lê Thái Tổ ban chiếu “bắt giam Thái úy Hữu tướng quốc Trần Nguyên Hãn”. Khi quan quân nhà Lê đưa Trần Nguyên Hãn về kinh chịu tội, thuyền đi đến bến Đông Hồ trên dòng sông Lô, ông đã ngửa mặt lên trời mà than rằng: Tôi với Hoàng Thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, Hoàng Thượng nghe lời gièm của kẻ xấu mà hại tôi. Hoàng thiên có biết xin soi xét cho. Nói rồi ông trẫm mình xuống dòng sông.

Sách “Đại Việt thông sử” ghi lại rằng, sau lời than của Trần Nguyên Hãn, bỗng một cơn gió to nổi lên làm lật thuyền khiến ông và bốn hai lực sĩ đều chết, chỉ có hai gia đồng sống sót. Thế đấy, Tả Tướng Quốc oanh liệt một thời nay phải gửi mình xuống dòng nước xanh và mang theo mối hận thấu tận trời xanh.

Hòn đá tương truyền xưa Tả Tướng Quốc dùng để mài gươm đánh giặc

Hòn đá tương truyền xưa Tả Tướng Quốc dùng để mài gươm đánh giặc

Đi qua biết bao binh đao trận mạc, vào sinh ra tử với những mũi tên hòn đạn, Tả Tướng Quốc không chết. Đất nước thái bình dù được bổng hậu lương cao nhưng nhận ra tướng nhà vua như Việt Vương Công Tiễn mà rút lui xin về an trí để mong được yên thân nhưng rồi cũng không thoát. Nghe kể, sau cái chết của Trần Nguyên Hãn vua Lê Thái Tổ hối hận, thương hai người bị oan, nhận ra bọn vu oan đều là hạng tiểu nhân, xảo quyệt.

Đến khi bọn chúng bị tội, vua xuống chiếu bảo các quan rằng: “Bọn Lê Quốc Khí, Trình Hoàng Bá, Lê Đức Dư dầu có tài năng cũng không dùng được nữa, mà trong thần hạ có kẻ mưu phản, cần phải tố cáo cũng không cho bọn ấy được tố cáo. Dư luận không ai là không thỏa lòng”.

Sự ân hận của muộn màng của Lê Thái Tổ được sách “Đại Việt thông sử” chép lại: “Sau này vua Thái Tổ hối hận, thương hai người (Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo) bị oan”; “Triều Nhân Tông, năm Diên Ninh thứ hai (1456), nhân đại xá, nhà vua thương xót ông vô tội”.

Đứng trước ban thờ Tả Tướng quốc, dâng hương tưởng nhớ vị công thần số một của nhà Lê, người anh hùng “bách chiến bách thắng” trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, lòng không khỏi bùi ngùi thương nhớ. Đúng là việc đời khó lường. Đương thời, có ai nghĩ Trần Nguyên Hán lại phải oan ức trẫm mình gửi vào dòng Lô xanh biếc. Năm trăm chín mươi lăm năm đã đi qua, cái chết oan uổng ấy dù đã được minh oan nhưng nỗi đau thương vẫn cứ xót xa muôn đời. Nhớ đến phận đời Tả Tướng Quốc, hẳn có biết bao tấm lòng xưa nay không khỏi bùi ngùi, thương luyến. Thật đáng thương thay!

Bâng khuâng bên tầng tháp cổ

Dời đền thờ Tả Tướng Quốc, chúng tôi tiếp tục ngược Lô giang lên phía bến phà Then ở phố thị Tam Sơn thăm bảo tháp chùa Vĩnh Khánh. Nhớ đến phố Then chúng tôi lại kể cho nhau nghe những câu chuyện truyền tai về một bến sông sầm uất một thời của vùng tự do kháng chiến. Hồi chín năm kháng chiến, vùng đất Tam Sơn trên bến dưới thuyền đông vui tấp nập. Khi ấy, đây là con “phố kháng chiến”. Hàng chục cơ quan bộ và rất nhiều kho tàng của Trung ương được đưa về đứng chân ở nơi đây.

Chuyện đến đây, bỗng nhiên tôi lại nhớ đến câu hát về miền đất này trong “Trường Ca sông Lô” nổi tiếng của cố nhạc sĩ Văn Cao: “Vui hát ca hòa vui hát ca hòa dân buông lưới/ Phan Lương vui bóng thuyền/ Lều dựng lên ven sông bóng người sầm uất bến Then/ Vui hát ca hòa vui hát ca hòa chí kiến thiết/ Bên sông Lô đắp nhà”.

Cứ như thế, trong trí tưởng tượng của chúng tôi về Tam Sơn ngày ấy có biết bao con thuyền xuôi ngược chuyên chở chiến sĩ, dân công, lương thực, thực phẩm đến các chiến trường, nhất là Điện Biên Phủ. Một khu phố đặc biệt như thế bảo sao Thực dân Pháp không để cho yên. Bến Then hào hùng một thủa ngày ấy cũng là nơi mưa bom bão đạn của kẻ thù. Vùng đất ấy đã có biết bao nhà cháy, người chết nhưng lạ thay, bảo tháp vẫn bình an không chỉ trơ gan cùng tuế nguyện mà còn trơ gan cả với đạn bom trong suốt chín năm trường kỳ kháng chiến.

Từ đền thờ Tả Tướng Quốc Trần Nguyên Hãn đến tháp Bình Sơn, chùa Vĩnh Khánh chúng tôi đi khoảng gần nửa giờ đồng hồ. Không biết thời xưa chùa ra sao nhưng hiện nay nhìn khá hoang sơ, ẩn nấp dưới những tán cây cổ thụ nhìn khá u tịch. Ngôi chùa tọa bên dòng sông, nhìn về hướng Nam, trên một khu đất khá rộng. Trên khu đất, chúng tôi thấy chùa có khá nhiều hạng mục cả cũ và mới nhưng điểm cuốn hút chúng tôi nhất là ngọn tháp Bình Sơn.

Ngôi bảo tháp này đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Chẳng phải bây giờ, trước đây thời thuộc Pháp, Viện Viễn Đông Bác cổ cũng đã xếp ngọn tháp vào hàng cổ tích đẹp nhất Bắc Kỳ.

Chúng tôi từng được ngắm vài ba ngọn tháp cổ, cũ có và phục dựng lại cũng có, như thể tháp Tường Long (Hải Phòng), tháp Phổ Minh (Nam Định), tháp Báo Nghiêm (Bắc Ninh), tháp Đậu An (Hưng Yên)… nhưng phải nói rằng nhìn thấy tháp Bình Sơn vẫn không khỏi bị choáng ngợp và thích thú.

Tác giả Phan Anh (bên phải) dưới chân tháp cổ Bình Sơn (thị trấn Tam Sơn, huyện sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc)

Tác giả Phan Anh (bên phải) dưới chân tháp cổ Bình Sơn (thị trấn Tam Sơn, huyện sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc)

Tháp Bình Sơn tọa lạc trước sân chùa Vĩnh Khánh, trên nền đất khá cao so với mặt đường và cổng chùa phía trước. Toàn bộ ngọn tháp được làm bằng gạch nung, màu đỏ sậm, trong đó bệ tháp được làm bằng gạch vồ, mặt ngoài các tầng tháp được làm bằng gạch mịn. Nhìn tổng thể ngọn tháp được kiến trúc hoàn hảo ở mọi góc độ.

Đi vào chi tiết, ngôi tháp này được làm như sau. Về chiều cao, tháp hiện nay có mười một tầng (không kể bệ tháp), mỗi tầng có mái nhô ra. Nguyên bản tháp có mười ba tầng (hoặc mười lăm tầng), cao hơn mười sáu mét rưỡi như hiện có.

Phần chóp tháp hiện nay đã bị mất. Bình đồ tháp hình vuông, dưới to và nhỏ dần về phía ngọn. Cạnh ở dưới chân tháp đo được là bốn mét bốn mươi lăm phân, cạnh tầng mười một đo được một mét năm mươi lăm phân. Ước tính tháp được làm từ mười ba ngàn hai trăm viên gạch nung với các loại gạch hình vuông và hình chữ nhật.

Phần thân tháp được làm bằng hai loại gạch. Gạch chữ nhật xây bệ, xây lõi tháp và giật cấp làm mái phân tầng. Những viên gạch này có mộng chốt để liên kết với nhau. Gạch vuông ốp bên ngoài. Những viên gạch này được trang trí hoa văn rất đẹp. Những họa tiết hoa văn trên tháp Bình Sơn khá phong phú, như cánh sen; lá đề hình “sừng nhọn” hoặc “u tròn”; hoa cúc dây; rồng chạm nổi, có sừng, uốn trong ổ, đầu quay vào giữa vòng tròn, thân không cuộn khúc mà lượn thành hình sin, chân đạp ra ngoài hoặc vắt qua thân để đạp ra ngoài, sống lưng hình “răng cưa” một chân trước đưa lên nắm “tóc”; sư tử hí cầu, chim thần… Cách trang trí ở tháp khá thực dụng.

Tùy theo vị trí mỗi tầng mà nghệ nhân xưa lại thiết kế một kiểu cho phù hợp với người xem trên nguyên tắc càng lên cao càng đơn giản. Cụ thể, từ bệ tháp đến hết tầng hai, người xưa trang trí hoa văn đầy đủ và phong phú để thuận lợi cho người xem. Từ tầng thứ ba trở lên, người ta trang trí thưa dần với những họa tiết chủ yếu là hoa chanh, hoa cúc đủ để tạo nên vẻ đẹp thanh thoát, bay bổng của tòa tháp.

Ngắm nhìn tòa tháp, chúng tôi thấy đây quả là một công trình độc đáo của mỹ thuật thời Lý - Trần. Nó là sự kết tinh về văn hóa và đôi bàn tay tài hoa của những người thợ thời xưa. Quả thực tòa tháp không hổ danh là đệ nhất bảo tháp đất nung Bắc Kỳ. Ngọn tháp không chỉ là niềm tự hào của người Sông Lô mà còn của cả người dân Việt.

Tòa tháp Bình Sơn đẹp như thế bảo sao người dân Tam Sơn không khỏi tự hào để cất lời truyền tụng: “Hỡi ai qua bến đò Then/ Dừng chân mà ngắm tháp tiên bên đường”.

Tiếc rằng quần thể khu di tích chùa Vĩnh Khánh chưa tương xứng với giá trị của viên ngọc báu. Ngôi chùa chưa được đầu tư tương xứng với tầm vóc của một di tích quốc gia đặc biệt. Cảnh vật còn hoang sơ tiêu điều. Cây cỏ lau lách đìu hiu càng khiến cho cảnh quan bảo tháp thâm trầm, u tịch giữa phố huyện tấp nập, phồn hoa. Dường như du khách còn chưa có nhiều người biết đến chốn này.

Tạm biệt vùng đất lắng đọng những trầm tích từ ngàn xưa bên dòng Lô giang chúng tôi đi về thành Tuyên, vốn một thời là thủ đô gió ngàn. Tất nhiên, trong lòng không khỏi đan xen những nỗi niềm tâm trạng. Có sự ngưỡng vọng, kính phục xen những nỗi xót xa, thương cảm. Có niềm tự hào, cảm kích xen lẫn trạng thái bâng khuâng, mong đợi.

Tiết trời cuối năm giá lạnh đang chuyển dần sang mùa Xuân ấm áp, liệu có còn “ai tìm về bên ai”? Còn ta “ta tìm về bên” sông để được ngắm nhìn “dòng sông Lô trôi, dòng sông Lô trôi… Mùa Xuân tới, nước băng qua ngàn, nước in ven bờ xanh ôm bóng tre …”, để thấy được bóng hình đất Tổ hiện lên trong câu thơ “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi/ Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt/ Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát/ Chuyến phà dào dạt, bến nước Bình Ca"…

Thu Hiền – Phan Anh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoc-dong-lo-giang-a27640.html