Ngược dòng thách thức, TNG báo doanh thu quý I vượt 1.300 tỷ, tăng 6%
Trong khi kim ngạch xuất khẩu dệt may toàn ngành quý I ghi nhận con số giảm đáng kể, tình hình kinh doanh tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã: TNG) vẫn đạt kết quả khả quan trong quý với doanh thu và kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ.
Doanh thu quý I vẫn tăng trong bối cảnh nhiều thách thức
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), kim ngạch xuất khẩu dệt may trong quý I/2023 đạt 7,1 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức giảm sâu nhất trong quý I, xét trong giai đoạn 2009 đến nay.
Dù vậy, theo báo cáo tình hình kinh doanh quý I/2023 mới công bố, TNG 'ngược dòng' toàn ngành khi ghi nhận doanh thu tháng 3 đạt 561 tỷ đồng, tăng 149 tỷ đồng, tương đương 36% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, doanh thu tiêu thụ của TNG ước đạt 1.333 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu đạt 106 triệu USD (tăng 2%).
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của TNG là gia công may mặc theo 2 phương thức chủ yếu là FOB 1 (mua nguyên phụ liệu từ nhà cung cấp do bên đặt hàng chỉ định) và CMT (Cut – Make – Trim).
Với doanh thu xuất khẩu hiện chiếm 99%, Dệt may TNG tiếp tục tập trung vào các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Pháp, Canada với lần lượt 47,83%, 17,68% và 10,98% tổng kim ngạch xuất khẩu trong quý I.
Đầu năm 2023, để duy trì đà tăng trưởng, TNG đã đưa vào hoạt động Chi nhánh TOT (công nghệ tự động hóa TNG) và Trung tâm phát triển mẫu TNG tại Nhà máy TNG Sông Công 3.
Năm nay, TNG dự kiến trình cổ đông phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh đã được HĐQT thông qua với doanh thu 7.500 tỷ đồng và lợi nhuận đạt 337 tỷ đồng, lần lượt tăng 11% và 16% so với năm 2022. Doanh nghiệp dự kiến họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vào ngày 23/4 tại tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, TNG dự chia mức cổ tức tối thiểu cho cổ đông trong năm 2023 là 16%.
VCBS: Kịch bản thận trọng cho TNG trong 2023
Ở một góc nhìn thận trọng hơn, trong báo cáo triển vọng ngành dệt may năm 2023 mới công bố, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) dự phóng doanh thu của TNG sẽ tăng 5,7% so với năm 2022 lên 7.164 tỷ, nhưng lợi nhuận sau thuế sẽ giảm 4% xuống 281 tỷ. Sau đó sẽ hồi phục lên 7.999 tỷ doanh thu và 333 tỷ lợi nhuận trong năm 2024.
Như vậy, mức dự phóng của VCBS là thấp hơn tương đối so với kế hoạch kinh doanh mà HĐQT TNG đưa ra cho năm nay.
Theo nhận định của VCBS, năm nay, đơn hàng của TNG sẽ không bị giảm mạnh như các doanh nghiệp cùng ngành bởi người dân sẽ tập trung vào các sản phẩm giá rẻ với chất lượng cao, bao gồm có Decathlon (đối tác của TNG).
Tuy nhiên, khả năng cao biên lợi nhuận sẽ thu hẹp trong nửa đầu năm do các khách hàng chính của TNG tại EU hầu hết đều gặp phải tình trạng khó khăn. Trước tình hình đó, TNG đang ưu tiên hy sinh biên lợi nhuận để đảm bảo doanh thu bằng cách chấp nhận ký các đơn hàng với đơn giá thấp hơn, là 1 phương thức chia sẻ khó khăn và giữ lại các đối tác trong tương lai.
Về tình hình kinh doanh bất động sản, VCBS cho rằng TNG chưa ghi nhận doanh thu đáng kể trong lĩnh vực này. Hiện nay, TNG đang huy động chủ yếu qua trái phiếu để đầu tư vào xây dựng BĐS, nhờ có hoạt động may mặc duy trì được dòng tiền, nên lượng trái phiếu phát hành chưa có dấu hiệu bị chậm trả nhưng đây vẫn có thể là rủi ro trong thời điểm hiện tại nếu như thị trường EU diễn biến tiêu cực hơn dự kiến.
Trong một diễn biến khác, ngày 5/4 vừa qua, TNG đã nhận được đơn từ nhiệm của ông Lê Quang Vinh - thành viên HĐQT. Trong đơn xin từ nhiệm, ông Vinh cho biết "vì công việc cá nhân nên không thu xếp được thời gian tiếp tục đảm nhiệm chức vụ này tại nhiệm kỳ kế tiếp". Do đó ông xin từ nhiệm từ ngày 24/4/2023.
Theo tìm hiểu, ông Vinh được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT TNG từ ngày 23/4/2017. Như vậy, ông đã gắn bó với doanh nghiệp tròn 5 năm trước khi xin từ nhiệm.
Lãnh đạo TNG cho biết sẽ trình ĐHĐCĐ năm 2023 thông qua miễn nhiệm ông Vinh.