Ngược miền Tam Cửu
PTĐT - Tam Cửu - cách gọi tắt của đồng bào vùng cao với 3 xã đặc biệt khó khăn huyện Thanh Sơn là: Khả Cửu, Thượng Cửu và Đông Cửu. Vẫn đó, dòng suối Dân bắt nguồn từ Thượng Cửu...
PTĐT - Tam Cửu - cách gọi tắt của đồng bào vùng cao với 3 xã đặc biệt khó khăn huyện Thanh Sơn là: Khả Cửu, Thượng Cửu và Đông Cửu. Vẫn đó, dòng suối Dân bắt nguồn từ Thượng Cửu, suối Dấu bắt nguồn từ Đông Cửu uốn lượn dưới tán rừng Lo Vôi, Quèn Măng, Cởi Khuôn, Mẻ Răng… Nhưng cuộc sống đồng bào dân tộc Mường, Dao nơi đây đang khởi sắc từng ngày.
Gặp lại anh Hà Văn Quý trên cương vị Bí thư Đảng ủy xã Khả Cửu, chúng tôi ôn lại những khó khăn thiếu thốn của địa phương năm xưa với nhiều cái không như: Không đường, không điện, không sóng di động; cư dân sống trong vùng “lõm” canh tác nông nghiệp manh mún nhỏ lẻ, mang nặng tính tự cung tự cấp… Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ đồng bộ của Đảng, Nhà nước với nhiều chương trình hỗ trợ an sinh xã hội cùng quyết tâm, nỗ lực vượt khó của người dân đã dần tạo nên sự chuyển biến tích cực, cuộc sống ngày càng được cải thiện, nâng cao… Xã đã đạt 9/19 tiêu chí nông thôn mới; bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng thực tế và áp dụng tốt những tiến bộ của khoa học - kỹ thuật vào canh tác nông nghiệp. Nhờ vậy, việc sản xuất gặp nhiều thuận lợi, năng suất, hiệu quả kinh tế từ cây trồng mỗi năm một tăng, kinh tế người dân tiến triển tốt. Các tuyến đường giao thông nông thôn vào bản vùng cao của xã như: Tầm, Vạch, Sinh Dưới, Sinh Trên dần được đầu tư xây mới; đường điện hạ thế đang được kéo đến bản sẽ xua đi bóng tối ảm đạm, khi màn đêm buông xuống. Anh Hà Văn Nước- Bí thư chi bộ Sinh Trên nói: Có điện không chỉ đem lại nguồn thắp sáng mà còn giúp chúng tôi nắm bắt được thông tin, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, biết được những tiến bộ khoa học - kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất; thấy được những mô hình hay, cách làm hiệu quả của các địa phương khác để làm theo.
Ngược lên xã Thượng Cửu vào bản Sinh Tàn nơi bắt nguồn của dòng suối Dân, anh Phùng Đình Kiên- cán bộ văn hóa xã Thượng Cửu đón chúng tôi bằng nụ cười tưới rói, cái bắt tay thật chặt và hồ hởi đưa khách lên thăm đỉnh Èn Choong. Những ngôi nhà khang trang bên con đường bê tông uốn lượn men theo những quả đồi xanh ngát của núi rừng như minh chứng cho cuộc sống ấm no, sung túc đang dần hiện hữu… Anh Kiên chia sẻ: “10 năm trước chưa có con đường này, từ trung tâm xã lên đây phải mất cả tiếng đồng hồ đi xe máy. Giờ đây đường liên thôn nối liền bản với trung tâm xã được hoàn thành, nhiều gia đình trong bản đã mạnh dạn đầu tư máy xay xát, ô tô tải làm dịch vụ phục vụ bà con…”.Chẳng có gì vui hơn khi đời sống của bà con nơi đây từng ngày được cải thiện. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 của xã ước đạt trên 72 tỷ đồng; bình quân lương thực đạt trên 391kg; thu nhập gần 20 triệu đồng/người/năm; gần 70% đường giao thông được cứng hóa. Năm 2020 xã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình như: Nhà lớp học trường THCS, nhà công vụ trường mầm non; cải tạo nâng cấp đường Sinh Tàn, Mu; điện lưới quốc gia đã đến Sinh tàn...Có điện, đường và nguồn nước ổn định từ dòng suối Dân bà con thâm canh tăng vụ, xen kẽ giữa trồng lúa, trồng ngô cho năng suất đạt 40 đến 46 tạ/ha, gấp gần 4 lần so với làm lúa nương nên càng tin tưởng vào cái lợi do cây lúa nước mang lại, dần dần từ bỏ thói quen phá rừng làm nương rẫy. Anh Phùng Đình Huy ở bản Mu phấn khởi: “Làm lúa nước đồng bào mình thấy được nhiều cái lợi, trước tiên là không còn phải đi làm xa như trước đây, không còn phải lo thiếu ăn, vất vả nữa rồi”.Nếu như trước đây, người dân ở Thượng Cửu quen với tập quán thả rông gia súc, nay dân bản thống nhất đưa xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu bò... vào hương ước. Chính nhờ sự chuyển đổi tập quán chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm của xã ngày một phát triển. Đến nay xã có gần 1.300 con gia súc, trên 18 nghìn con gia cầm. Để có nguồn thức ăn dồi dào, xã đã trồng trên 8ha cỏ VA06 cho đàn trâu, bò, dê ăn. Nguồn thu từ chăn nuôi hàng năm mang lại giá trị kinh tế không nhỏ, góp phần tăng thêm thu nhập cho các gia đình trong xã.
Vui chuyện làm đường giao thông nông thôn ở xã vùng cao, đưa chúng tôi đến thăm công trình đường dẫn vào khu Vừn Muỗng, dài trên 1,3km đang được đẩy nhanh tiến độ thi công, Chủ tịch xã Đông Cửu, Hà Văn Cách nói: Một suất đầu tư cho giao thông vùng cao gấp vài lần ở vùng ngoài. Những năm trước, đường vào khu, trời nắng thì bụi, trời mưa thì lũ suối, trơn trượt không qua lại được. Xác định phát triển giao thông nông thôn là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, tạo diện mạo nông thôn mới, Đảng ủy, UBND xã đã vận động hiến đất để làm đường. Sau nhiều lần tuyên truyền, 25 hộ có diện tích đất dọc hai bên đường đều nhất trí, sẵn sàng chặt cây, san lấp ao, nhường 8.000m2 đất để làm đường. Điển hình như gia đình ông Trần Văn Tạc đã hiến gần 300m2. Ông Tạc cho hay: “Nhà nước đã cho bản mình cái xi măng thì mình cũng phải nhường cái đất để làm đường chứ. Có đường sẽ mang lại lợi ích cho chính mình và những người dân sống ở đây đi lại được thuận tiện hơn, mưa lũ không phải lo nữa”.Giao thông thuận lợi, Đảng ủy, chính quyền xã Đông Cửu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tìm hướng phát triển kinh tế mới để nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó mô hình nuôi gà thả vườn bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế ổn định. Hiện nay xã có 3 trang trại chăn nuôi gà thả vườn với tổng số khoảng 8.000 con. Các hộ liên kết giảm chi phí đầu tư và đảm bảo đầu ra sản phẩm. Trải qua bao khó khăn, vất vả, người dân ở các bản động vùng tam cửu sống rải rác bên những dãy núi cao, nhiều đời leo lét bên ánh đèn dầu nay đã quần tụ thành bản thành khu quây quần xây dựng đời sống ấm no. Bản xa như Sinh Tàn, Sinh Trên, Dấu Cỏ… đã bừng lên sức sống từ nỗ lực của người dân; đồng thời khẳng định sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền, đảng viên đưa chủ trương, chính sách, nghị quyết phát triển kinh tế- xã hội “bám rễ” nơi đất khó.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202101/nguoc-mien-tam-cuu-174684