Ngược ngàn thăm Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng chùa Vọng
Vùng đất Cẩm Thủy vốn có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng, trong đó, không thể không nhắc đến Di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng chùa Vọng, tọa lạc tại thôn Vọng, xã Cẩm Giang. Đến với nơi đây, du khách được thưởng ngoạn nhiều phong cảnh nên thơ, sơn thủy hữu tình.
Một góc của Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng chùa Vọng.
Chùa Vọng còn có tên là Vĩnh Châu Tự, nằm trong hang đá dưới chân núi Cổ Đang, cạnh bờ sông Mã. Theo các cụ cao niên trong thôn, chùa Vọng được người dân nơi đây gọi là hang Chùa. Hang có 3 cửa tự nhiên, các cửa hang có dạng cuốn vòm. Hang có chiều dài hơn 30m, rộng hơn 10m và vòm hang cao hơn 5m. Trong hang có những thạch nhũ đẹp, như có bàn tay khéo léo sắp đặt của tạo hóa, làm nên vẻ đẹp lộng lẫy, thu hút khách tham quan khi đến nơi đây. Nhiều nhũ đá tự nhiên mang nhiều hình thù phong phú, đẹp mắt, được Nhân dân trong vùng đặt tên theo trí tưởng tượng như: tượng "ông hộ pháp”, tượng “hổ phục”, tượng “voi chầu”...
Theo tài liệu về di tích lịch sử - văn hóa và thắng cảnh của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, chùa Vọng được khởi dựng và hoàn thành vào năm 1379 đời vua Trần Phế Đế (đời vua thứ 47 triều Trần) được đặt tên là Vĩnh Châu Tự (chùa Vĩnh Châu). Căn cứ vào các hiện vật trong chùa, chùa Vọng được Nhân dân dựng lên để thờ Phật và thờ Mẫu - hệ thống thờ tự tiêu biểu của Phật giáo Việt Nam. Theo khảo tả di tích của tiến sĩ Phạm Văn Tuấn và ông Nguyễn Hữu Toản (Ban Quản lý Di tích và danh thắng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì năm 1424 chính nơi đây Lê Lợi đại thắng trận Bồ Mộng, tiêu diệt giặc Minh.
Ngày 17-1-2011, UBND tỉnh công nhận nơi đây là di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh cấp tỉnh. Hàng năm cứ vào ngày 8 tháng Giêng, xã Cẩm Giang tổ chức dâng hương, rước kiệu và các trò chơi, trò diễn như: đẩy gậy, tung còn, nhảy sạp, múa cây bông, đánh mảng...
Lễ hội Di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng chùa Vọng là dịp để mọi người tụ hội, gặp gỡ chúc phúc, cùng nhau cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi nhà được bình an, hạnh phúc. Ngày nay, dù mức độ có khác nhau nhưng lễ hội chùa Vọng vẫn được Nhân dân duy trì và phát huy. Trong lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng được tổ chức trang trọng trong niềm vui phấn khởi của người dân trong và ngoài huyện.
Mặc dù là di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng cấp tỉnh nhưng kết cấu hạ tầng cũng như các công trình phụ trợ đang thiếu thốn, chưa xứng tầm với giá trị vốn có của nó. Để di tích này không bị con người xâm lấn làm biến dạng, phá vỡ cảnh quan môi trường, xã Cẩm Giang đã cử người trông coi, làm vệ sinh môi trường xung quanh khu di tích. Ông Phạm Phúc Tiến, thôn Giang Hồng 1, xã Cẩm Giang, cho biết: Di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng chùa Vọng là niềm tự hào của người dân địa phương chúng tôi. Đây là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong và ngoài xã; thu hút nhiều khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm, cầu an, cầu phúc. Tuy nhiên, hiện di tích này chưa được đầu tư tương xứng khiến cho các hoạt động của người dân khi về với nơi đây gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với chúng tôi ông Cao Anh Vũ, Chủ tịch UBND xã Cẩm Giang cho biết: Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng chùa Vọng được xác định là một trong những điểm du lịch tâm linh của huyện Cẩm Thủy. Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của di tích này, xã đang tích cực tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, con người Cẩm Giang để du khách biết tới tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng, các công trình phụ trợ của khu di tích còn nhiều khó khăn, vì vậy rất cần sự quan tâm của huyện, của tỉnh và các ngành chức năng. Qua đó, góp phần bảo vệ, gìn giữ cảnh quan, môi trường và phát huy các giá trị vốn có của Di tích lịch sử văn hóa và danh thắng chùa Vọng.