'Ngược xuôi' vay vốn nghìn tỉ trong cuộc đua tham vọng năng lượng tái tạo của Trung Nam Group
Là một trong những tập đoàn đa ngành quy mô lớn nhưng nguồn vốn phát triển mảng năng lượng tái tạo của Trung Nam Group hiện phụ thuộc phần lớn vào vốn vay trái phiếu.
Bài liên quan
Thấy gì ở lợi nhuận "mong manh" của nhiều doanh nghiệp thuộc Trung Nam Group?
Trải qua hơn 16 năm hoạt động, Trung Nam Group đã xây dựng “hệ sinh thái” lên đến hàng chục công ty thành viên, mở rộng quy mô hoạt động trải dài từ Bắc vào Nam. Trong đó, đóng vai trò hạt nhân là Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group).
Nhưng gần đây, tập đoàn này nổi lên là nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời.
"Tay chơi" khét tiếng trên thị trường năng lượng
Trungnam Group bắt đầu đầu tư vào điện mặt trời từ tháng 7/2018, khi khởi công xây dựng “siêu dự án” Nhà máy điện mặt trời Trung Nam tại tỉnh Ninh Thuận với diện tích 264 ha, tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng. Dự án này có công suất thiết kế 204 MW, sản lượng điện tối đa khoảng 450 triệu kWh/năm.
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Trà Vinh. Nguồn: Trungnam Group
Được biết, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam (TN Solar Power) – một thành viên của Trungnam Group. Doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 28/6/2017, với vốn điều lệ ban đầu đạt 10 tỷ đồng, trong đó Trungnam Group góp 7 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ sở hữu 70% vốn. Phần vốn còn lại được chia đều cho 2 pháp nhân thành viên khác là Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam Krông Nô và Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam, mỗi pháp nhân nắm giữ 15% vốn.
Đến ngày 18/6/2018, TN Solar Power nâng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không thay đổi. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tâm Thịnh. Đến cuối năm 2019, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 4.840 tỷ đồng, cao gấp 2,8 lần so với thời điểm đầu năm, vốn chủ sở hữu tăng từ 1.000 tỷ lên 1.131 tỷ đồng.
Dự án điện mặt trời tiếp theo của Trungnam Group là Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Trà Vinh được khởi công vào ngày 19/1/2019 tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh với quy mô 171,17 ha. Dự án này có công suất thiết kế 140 MW, sản lượng điện trung bình dự kiến đạt 250 triệu kWh/năm.
Đến ngày 15/5/2020, Trungnam Group tiếp tục khởi công dự án Trạm biến áp và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, với quy mô 557 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng.
Nguồn lực chạy đua chỉ bằng vốn đi vay
Để trợ lực cho tham vọng lớn với mảng năng lượng tái tạo, các công ty thành viên quan trọng của Trung Nam đều hoạt động tích cực trên thị trường trái phiếu. Cập nhật số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), trong vài tháng giữa năm 2020, đã có tổng cộng 5.300 tỷ đồng trái phiếu chảy về dự án này thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (TNTNSP). Tất cả đều được thu xếp bởi Công ty cổ phần Chứng khoán MB và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank).
Trong đó, ngày 29/5/2020, TNTNSP phát hành 3.300 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có kỳ hạn 9 năm, được bảo đảm bằng tài sản. Trái chủ nhận được trái tức 3 tháng/lần.
Tháng 8/2019, MBBank cũng đã thu xếp 2 lô trái phiếu cho nhóm thành viên thuộc Trung Nam Group, bao gồm 2.100 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 9 năm cho Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam (Trung Nam SPC) và 945 tỷ đồng kỳ hạn 5 năm cho Công ty cổ phần Trung Nam (Trung Nam Land). Đến tháng 12/2019, nhà băng này tiếp tục được nhắc đến trong thương vụ phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu của Trung Nam SPC.
Trước khi làm điện mặt trời, Trungnam Group cũng lấn sân mảng năng lượng với việc đầu tư hàng loạt dự án nhà máy thủy điện như: Nhà máy thủy điện Đồng Nai 2 (có công suất 70 MW, diện tích hồ chứa rộng 1.065,9 ha tại tỉnh Lâm Đồng); Nhà máy thủy điện Krông Nô 2 (công suất 30 MW, diện tích hồ chứa rộng 108 ha tại tỉnh Đắk Lắk); Nhà máy thủy điện K rông Nô 3 (công suất 18 MW, diện tích hồ chứa rộng 198 ha tại tỉnh Đắk Lắk).
Trong đó, chủ đầu tư dự án Nhà máy điện Đồng Nai 2 là Công ty cổ phần Thủy điện Trung Nam (Trungnam Power).
Công ty này được thành lập vào tháng 8/2007, gồm 8 cổ đông sáng lập. Tại ngày 28/7/2014, Trungnam Power có vốn điều lệ đạt gần 1.300 tỷ đồng, trong đó Trungnam Group nắm giữ 96,49% vốn. Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Đặng Công Chuẩn (SN 1974).
Ngoài các dự án kể trên, tháng 8/2016, Trungnam Group còn thông qua thành viên Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam (Trungnam Wind Power) nhằm phát triển dự án Nhà máy điện gió Trung Nam có công suất gần 152 MW, tại xã Lợi Hải và Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận.
Trái ngược với thủy điện và điện mặt trời, tuy đã phát sinh doanh thu nhưng Trungnam Wind Power lại báo lỗ. Cụ thể, năm 2019, Trungnam Wind Power ghi nhận doanh thu thuần đạt 120,5 tỷ đồng, báo lỗ thuần ở mức 17,55 tỷ đồng.