Người Ấn Độ chạy đua để 'giàu trước khi già'
Ấn Độ sắp tiến tới mốc lịch sử vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.
Dấu mốc mới về dân số
Ký ức về tối 8/3 sẽ không bao giờ phai nhạt trong tâm trí Nikita Punjabi. Đó là hình ảnh bác sĩ bế con gái cô sau quá trình vượt cạn thành công. Chồng của Nikita Punjabi đã khóc khi y tá nói anh đã trở thành cha của một bé gái.
Con gái của họ, cô bé Prisha, là một trong hàng triệu em bé được sinh ra tại Ấn Độ tính đến nay. Các em bé này đã góp phần giúp Ấn Độ trên đường tiến tới mốc lịch sử vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Điều này chỉ diễn ra vài năm sau khi Ấn Độ soán ngôi Trung Quốc để trở thành nền kinh tế lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) ước tính đến giữa năm nay, dân số Ấn Độ sẽ nhiều hơn 2,9 triệu người so với Trung Quốc. Theo dữ liệu UNFPA công bố ngày 19/4, dân số Ấn Độ đến giữa năm 2023 sẽ rơi vào khoảng 1,4286 tỷ người, trong khi Trung Quốc có 1,4257 tỷ người. Vị trí thứ ba thuộc về Mỹ với khoảng 340 triệu người.
Các chuyên gia từng sử dụng dữ liệu trước đó từ Liên hợp quốc và dự đoán dân số Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trong tháng 4 này. Nhưng báo cáo mới nhất từ UNFPA không nói cụ thể thời điểm thay đổi sẽ diễn ra.
Liên hợp quốc cho biết không thể đưa ra ngày cụ thể do “chưa chắc chắn” về dữ liệu từ Ấn Độ và Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi cuộc điều tra dân số gần đây nhất của Ấn Độ được tiến hành vào năm 2011 và cuộc điều tra tiếp theo dự kiến vào năm 2021 lại bị trì hoãn do dịch COVID-19.
Mặc dù Ấn Độ và Trung Quốc sẽ chiếm hơn một phần ba dân số toàn cầu, nhưng tốc độ tăng dân số ở cả hai nước châu Á này đang chậm lại, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Năm 2022, dân số Trung Quốc ghi nhận giảm lần đầu tiên trong 6 thập niên. Tăng trưởng dân số hàng năm tại Ấn Độ đạt trung bình 1,2% kể từ năm 2011, trong khi 10 năm trước đó thường ở mức 1,7%. Liên hợp quốc ước tính dân số Ấn Độ có thể giảm từ năm 2047 và rơi xuống mức 1 tỷ người vào năm 2100.
Nỗ lực giàu trước khi già
Các nhà kinh tế học đánh giá Ấn Độ cần đẩy mạnh các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, đô thị hóa, nâng cao năng lực và mở rộng lực lượng lao động cũng như thúc đẩy sản xuất để có thể tận dụng lợi thế về nhân khẩu học.
Nhà kinh tế học cấp cao Abhishek Gupta tại Bloomberg Economics nhấn mạnh: “Đất nước vẫn trẻ, lực lượng lao động ngày càng tăng và nói tiếng Anh đã góp phần đẩy mạnh sáng kiến ‘Make in India’ của chính phủ. Làn gió địa chính trị cũng góp phần hỗ trợ”.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), đến năm 2040, Ấn Độ sẽ có thêm 270 triệu cư dân thành thị. Xu hướng này đã bộc lộ rõ tại các thành phố lớn của Ấn Độ. Những căn hộ mới mọc lên tại thủ đô New Delhi khi tầng lớp giàu có mới đẩy mạnh đầu tư bất động sản. Một nhà phát triển bất động sản hàng đầu gần đây đã bán hết các căn hộ hạng sang trị giá 1 tỷ USD tại thành phố vệ tinh của thủ đô là Gurugram chỉ trong 1 ngày.
Tuy nhiên, dịch vụ công vẫn có nhiều hạn chế. Tòa án Tối cao Ấn Độ thậm chí cảnh báo rằng đơn vị kiểm soát không lưu có thể buộc phải điều chuyển hướng của các máy bay vòng qua các núi rác khổng lồ tại ngoại ô Delhi nếu chúng tiếp tục phình to.
Ông Yukon Huang tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế nhận định Ấn Độ cần đi theo con đường của Trung Quốc và Hàn Quốc để xây dựng các thành phố hiện đại và hiệu quả.
Để đô thị hóa tạo lợi thế kinh tế, cần có đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Theo Bloomberg, kể từ khi Thủ tướng Narendra Modi lên nắm quyền vào năm 2014, mạng lưới đường cao tốc quốc gia mở rộng hơn 50% và hành khách hàng không nội địa tăng gấp đôi.
Về mảng công nghệ, Ấn Độ là một trong những quốc gia có cơ sở hạ tầng kỹ thuật số tiên tiến nhất trên thế giới. Chỉ trong một vài năm, gần như mọi người dân Ấn Độ đều đã sở hữu thẻ định danh cá nhân được gọi là Aadhaar, tích hợp mọi thứ từ thẻ ngân hàng cho đến phúc lợi xã hội.
Một trong những thành tựu đáng kể nhất của Thủ tướng Modi và đảng Bharatiya Janata là tinh chỉnh thuế quan phức tạp của liên bang và bang. Điều này hỗ trợ việc thu thuế, giúp đạt mức cao trong năm 2022, cung cấp thêm nguồn vốn để xây sân bay, đường sá mới.
Ấn Độ cũng đã đẩy mạnh tăng 13% ngân sách cho giáo dục trong năm 2023, mức cao nhất từ trước đến nay. Nước này cũng đặt mục tiêu nâng cấp giáo dục điện tử và xử lý tình trạng thiếu hụt trong giáo dục.
Cách đây 4 thập niên, Trung Quốc và Ấn Độ đều là nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Nhưng khi các doanh nghiệp phương Tây đưa hoạt động sản xuất ra nước ngoài, từ đồ chơi cho đến Tivi, Trung Quốc đã nắm lấy cơ hội này. Ngày nay, việc sản xuất chiếm 1/4 nền kinh tế Trung Quốc, trong khi Ấn Độ chỉ là 14%.
Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung đang tạo cơ hội để chính phủ Thủ tướng Modi đẩy mạnh đóng góp từ sản xuất vào GDP của nước này.
Tăng tốc trong đô thị hóa, cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực và sản xuất sẽ là điều cần thiết trong nhiều thập niên thay vì chỉ vài năm, bởi dân số Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng. Dự kiến đến năm 2050, nước này sẽ có 1,67 tỷ người.
Chăm sóc sức khỏe cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Ngày nay Ấn Độ chỉ đạt tỷ lệ 5 giường bệnh/10.000 người dân. Cố vấn kinh tế của Thủ tướng Modi, ông Sanjeev Sanyal nhấn mạnh không chỉ vì thứ hạng, cuối cùng điều quan trọng là nâng cao chất lượng sống của mọi người dân Ấn Độ và tạo một hệ thống tạo điều kiện cho cải cách, chấp nhận rủi ro và khởi nghiệp.
Cha mẹ của cô bé Prisha khá lạc quan. Cha của cô bé nói: “Đất nước của chúng tôi đang tăng trưởng nhanh. Prisha được sinh ra ở một thời kỳ tuyệt vời”.