Người Bắc Ninh tri ân nghĩa cả
Chỉ 11 ngày sau Lễ Tuyên ngôn độc lập, ngày 13-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm làng Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh). Thắp hương tưởng niệm các vị vua triều Lý, trò chuyện thân mật với người dân, Người căn dặn, đồng bào phải hăng hái tăng gia, thực hành tiết kiệm, ra sức phát huy truyền thống cách mạng. Trước hết phải có nhiều biện pháp tích cực chấm dứt nạn đói nghèo…
Kể từ đó, vùng quê quan họ đã vinh dự 18 lần đón Bác về thăm. Tri ân nghĩa cả, Bắc Ninh đã từng bước hiện thực hóa tâm nguyện của Người, đưa vùng quê “địa linh, nhân kiệt” vươn tầm cao mới.
Niềm tự hào nhân thành động lực
Người cao tuổi ở Đình Bảng vẫn thường nói với con cháu rằng, mảnh đất làng mình mang niềm tự hào lớn. Địa danh này đã đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước cả nghìn năm, là nơi phát tích Vương triều nhà Lý, với Di tích cấp quốc gia Đền Đô. Trong thời kỳ vận động cách mạng, Đình Bảng là An toàn khu của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, chở che, nuôi giấu nhiều đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng ta như Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt… Và sau Ngày độc lập, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Đình Bảng đã vinh dự bốn lần được đón Bác về thăm. Mỗi lần về, ngoài việc nước, Bác luôn ân cần thăm hỏi bà con, chúc sức khỏe các cụ cao tuổi nhất làng. Bác luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải giúp nhau sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, lãnh đạo sản xuất nông nghiệp kiểu mẫu, đi sâu xét kỹ, tỉnh táo nắm vững chính sách, gần gũi quần chúng, thật thà ba cùng… Khắc ghi lời Bác, quân và dân Đình Bảng đã kiên cường, một lòng đi theo cách mạng, xứng đáng được trao tặng bằng “Có công với Nước” và danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng năm xưa được tặng Huân chương Chiến công hạng nhất.
Thăm lại Đình Bảng nay đã lên phố, lên phường, diện mạo một đô thị hiện đại đã hiện hữu. Đồng chí Nguyễn Tiến Doanh, Bí thư Đảng ủy phường cho biết, truyền thống tạo động lực nêu cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người trong thực hiện lời căn dặn của Bác trong công cuộc đổi mới của Đảng. Sau hơn 30 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đình Bảng đã đạt nhiều kết quả được ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực. Nhiều mô hình trang trại VAC hoạt động có hiệu quả, chuyển dần từ cấy lúa sang trồng hoa màu, cây cảnh và sản xuất rau an toàn, tăng giá trị bình quân lên khoảng 104 triệu đồng/ha đất canh tác/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 70 triệu đồng/năm. Hệ thống điện, đường, trường, trạm, các nhà văn hóa được đầu tư phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp nhân dân. Đảng bộ phường nhiều năm đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu.
Đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ, cơ bản các chỉ tiêu đều đạt, tuy nhiên dự báo thời gian tiếp theo, Đảng ủy phường nhận định, sự phát triển nhanh về công nghiệp gia tăng những nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội, khả năng tăng dân số cơ học lớn, tiềm ẩn tội phạm và ô nhiễm khí thải, nước thải, tiếng ồn; diện tích đất bỏ hoang còn nhiều… là những vấn đề địa phương phải đối mặt và tìm phương án giải quyết. Bên cạnh đó, cấp ủy quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ truyền thống quý báu của địa phương, làm tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng bộ và chính quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng quê hương Đình Bảng xứng với truyền thống anh hùng.
Sáng mãi phong trào nghìn việc tốt
Hơn nửa thế kỷ qua, ngọn lửa từ phong trào Thiếu niên Tam Sơn thi đua làm nghìn việc tốt thực hiện Năm điều Bác Hồ dạy, vẫn được thắp sáng, lan tỏa những hành động đẹp, việc làm hay. Anh hùng, NGND Nguyễn Đức Thìn, người thầy năm nào sáng lập phong trào Nghìn việc tốt, nay đã ở tuổi 80, nhưng chưa khi nào ông ngừng nhân rộng những việc làm ý nghĩa, khơi dậy trong thế hệ trẻ của Tam Sơn, thị xã Từ Sơn niềm tự hào và nỗ lực thực hiện lời căn dặn của Người. Trở về từ cuộc gặp gỡ, giao lưu các điển hình tiên tiến toàn quốc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa qua, ông chia sẻ cảm nhận chân thành khi được cùng đoàn đại biểu vào thăm miền nam, được nghe những người con phương nam bày tỏ tình cảm thiêng liêng, bao năm qua vẫn hướng về Hà Nội, với ước vọng một lần được ra thăm Thủ đô và vào Lăng viếng Bác… Cảm xúc đó càng nhân lên trong trái tim người thầy giáo già nhiệt tâm cống hiến, mong muốn giữ gìn và lan tỏa truyền thống nghìn việc tốt, học tập và làm theo Bác, trong cuộc sống hôm nay.
Tại ngôi Trường THCS Tam Sơn, nơi Bác Hồ đã về thăm dịp Tết Nguyên đán Đinh Mùi (9-2-1967), cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, những nội dung của phong trào Nghìn việc tốt năm xưa vẫn được nhà trường duy trì và nhân rộng. Nhà trường quan tâm giáo dục và hướng dẫn các em làm theo Năm điều Bác Hồ dạy, bằng những việc cụ thể, dễ nhớ, dễ thực hiện, như xây dựng nền nếp học tập, giữ gìn vệ sinh trường lớp, sạch làng, sạch ngõ, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người già cô đơn, lao động giúp gia đình, bảo vệ của công, làm kế hoạch nhỏ, chăm đọc sách báo, rèn luyện thể dục thể thao... Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương cho học sinh noi theo. Mỗi học sinh có thể chọn những việc mình có khả năng thực hiện hoặc cố gắng là có thể thực hiện được ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Phát huy truyền thống hiếu học, phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của nhà trường luôn là điểm sáng của thị xã Từ Sơn. Năm học vừa qua, nhà trường xếp thứ hai trong số 14 trường cùng cấp của thị xã tham gia thi học sinh giỏi, với 11 giải cấp tỉnh, 32 giải cấp thị xã.
Theo Thị ủy Từ Sơn, truyền thống quê hương và niềm vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh bảy lần về thăm đã hun đúc ý chí và khát vọng vươn lên. Chọn thế mạnh, khâu đột phá để đưa thị xã trở thành một trong những đơn vị đi đầu tỉnh trong phát triển công nghiệp, với 10 cụm công nghiệp làng nghề và đa nghề, chín khu thương mại dịch vụ, làng nghề. Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội có sự thay đổi vượt bậc. Nhiều công trình, dự án góp phần thay đổi diện mạo và tạo động lực phát triển như hệ thống hạ tầng khu trung tâm huyện, quần thể lưu niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, đồng chí Ngô Gia Tự, các công trình đường giao thông, bệnh viện, trường học… Hiện nay, tất cả 12 xã, phường đã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, có đường ống cung cấp nước sạch... Các hoạt động bảo vệ môi trường được triển khai hiệu quả, chung tay cùng cả tỉnh thực hiện chủ đề năm 2019 - hành động vì môi trường sạch.
Tạo đà vươn tới Dịp kỷ niệm 129 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2019) cũng là tròn 50 năm Ngày Bác Hồ gửi thư khen Hợp tác xã Măng non thôn Phú Mẫn (nay thuộc thị trấn Chờ, huyện Yên Phong). Bức thư chỉ khoảng 250 chữ nhưng chất chứa tình cảm trìu mến và mong ước của Người dành cho thế hệ măng non. Nửa thế kỷ đi qua, giá trị lý luận và thực tiễn trong những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có sức lan tỏa. Lớp lớp măng non Phú Mẫn đã nỗ lực và trưởng thành. Nhiều người trở thành các nhà khoa học, bác sĩ, kỹ sư, cán bộ công an, quân đội, các doanh nhân, có đóng góp xuất sắc trong từng vị trí, lĩnh vực hoạt động trên khắp mọi miền Tổ quốc. Với Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Phong, những lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ động viên thi đua học tập, lao động, sản xuất đối với thế hệ trẻ, mà còn là động lực to lớn để cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn huyện chung tay xây dựng quê hương.
Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Phong Nguyễn Chí Cường, nêu cao tính tự lực, tự cường, sáng tạo, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy, Yên Phong đạt nhiều thành tích trong phát triển kinh tế, xã hội, GRDP năm 2018 tăng 9,1% so cùng kỳ. Việc chuyển đổi mô hình hợp tác xã nông nghiệp sang hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp với mô hình sản xuất trang trại, sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa từng bước được hình thành, bước đầu có kết quả. Đến nay, có 10 trong số 13 xã được công nhận nông thôn mới, ba xã Trung Nghĩa, Dũng Liệt và Văn Môn đạt 15 đến 16 tiêu chí. Yên Phong tiếp tục phấn đấu trở thành quận theo chương trình, kế hoạch đến năm 2022, Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Khắc ghi ân tình và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19. Đồng chí Nguyễn Hữu Quất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Ninh cho biết, Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2018 tăng 12,6%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Nông nghiệp, nông thôn có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...
Bắc Ninh là một trong những tỉnh có nhiều chính sách an sinh xã hội đi trước và cao hơn mức bình quân của cả nước, như mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi từ đủ 65 tuổi đến dưới 80 tuổi, trợ cấp người cao tuổi từ đủ 70 tuổi đến dưới 80 tuổi; thực hiện chương trình sữa học đường cho 100% trẻ mầm non và học sinh lớp 1, 2. Việc hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, người có công hoàn thành sớm hơn ba năm so với kế hoạch cả nước… Tuy nhiên, tỉnh cũng còn một số hạn chế, trong đó có tình trạng ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự xã hội ảnh hưởng tiêu cực bởi quá trình phát triển công nghiệp... Đây sẽ là những vấn đề cần được tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo khắc phục, nhằm hoàn thành các mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022, theo hướng “hiện đại, văn hóa, sinh thái, tri thức và đô thị thông minh”.