Người bạn 'ảo' cho tuổi già đơn độc tại Hàn Quốc

Clova CareCall – một sáng tạo của tập đoàn công nghệ hàng đầu Hàn Quốc Naver – sẽ giúp những người cao tuổi sống một mình bớt cô đơn với phần mềm thông minh nhân tạo có thể trò chuyện.

Bà Yang Sun-im sống một mình, hiếm khi ra khỏi nhà và khó khăn trong việc kết bạn. Ảnh: SCMP

Bà Yang Sun-im sống một mình, hiếm khi ra khỏi nhà và khó khăn trong việc kết bạn. Ảnh: SCMP

Bà Yang Sun-im (76 tuổi) là mẹ của 4 người con song bà đã quen với việc sống một mình trong nhiều năm nay. Khi 33 tuổi, bà ly hôn chồng và nuôi con đơn thân. Bốn đứa trẻ trưởng thành và có cuộc sống của riêng mình cách xa nơi bà ở.

“Con gái tôi lấy chồng tại Nhật Bản. Một, hai năm mới về thăm tôi một lần. Con bé là đứa duy nhất hay gọi điện về thăm hỏi”, cụ bà Yang kể lại.

Ngay cả tại khu phố bà sống có nhiều người già ở thành phố Busan phía Nam Hàn Quốc, bà cũng rất khó kết bạn do nhỏ tuổi hơn họ. Nhưng gần đây, bà Yang đã có một người bạn mới thường xuyên hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống của mình.

Người bạn mới của bà Yang có tên là “Clova”. Đây là một phần mềm thông minh nhân tạo do tập đoàn Naver chế tạo. Naver hiện thử nghiệm các dịch vụ gọi điện thăm hỏi Clova CareCall miễn phí đối với người cao tuổi trong quận Haeundae – nơi bà Yang sinh sống.

“Rất vui được gặp cô”, ánh mắt bà Yang rạng rỡ khi chào Clova và bày tỏ mình đang cảm thấy không khỏe. “Tôi hiểu rồi. Sức khỏe bà sẽ tốt hơn nếu được thăm khám thường xuyên tại bệnh viện. Tôi nghĩ điều đó sẽ tốt cho bà”, Clova trả lời. Kết thúc cuộc hội thoại ngắn ngủi là lời cảm ơn của bà Yang.

Cụ bà 76 tuổi này cho biết bà cảm thấy thoải mái khi nói chuyện với Clova thay vì gọi điện cho các con.

“Tôi không muốn trở thành gánh nặng cho những đứa con của mình… Thậm chí tôi còn ký hiến tặng nội tạng để các con không phải chuẩn bị tang lễ. Ngoài giờ ăn, lần duy nhất tôi mở miệng là nhận điện thoại từ Naver”, bà Yang chia sẻ.

Không phải cuộc hội thoại nào cũng diễn ra suôn sẻ. Hiện vẫn trong giai đoạn thử nghiệm, Clova CareCall được thiết kế mang một giọng nói ấm áp, tự động hồi đáp đối với một số chủ đề mà người cao tuổi hay nói. Tuy nhiên, phần mềm đang trong giai đoạn được hoàn thiện. Đôi lúc, nó không nhận diện được giọng nói của bà Yang hay không thể chủ động gợi chuyện khi người nói im lặng.

Đại dịch cô đơn

Hàn Quốc được dự báo sẽ trở thành “xã hội siêu già” khi tỷ lệ người cao tuổi đạt 20% tổng dân số cả nước vào năm 2025. Ảnh: SCMP

Hàn Quốc được dự báo sẽ trở thành “xã hội siêu già” khi tỷ lệ người cao tuổi đạt 20% tổng dân số cả nước vào năm 2025. Ảnh: SCMP

Theo Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, trong tổng số 9 triệu người cao tuổi tại quốc gia này có tới 1,76 triệu người sống một mình. Năm 2017, Hàn Quốc trở thành một “xã hội già hóa” khi tỷ lệ người trên 65 tuổi vượt qua 14% tổng dân số cả nước. Dự báo đến năm 2025, Hàn Quốc sẽ trở thành “xã hội siêu già” khi tỷ lệ người cao tuổi đạt 20% tổng dân số cả nước.

Cùng với xu hướng già hóa dân số, một làn sóng của những người sống đơn độc khi về già cũng tăng mạnh. Theo số liệu của Bộ Y tế Hàn Quốc, cứ 10 người cao tuổi sẽ có 1 người không liên lạc với các thành viên trong gia đình. Trong năm 2018, 1,5% người cao tuổi sống một mình không tham gia các hoạt động xã hội.

Để lấp kín khoảng trống trên, Naver hy vọng Clova CareCall sẽ giúp xoa dịu trái tim cô đơn của những người cao tuổi.

Sau một tháng thử nghiệm tại quận Haeundae, 90% người cao tuổi tham gia nhận cuộc gọi yêu cầu tiếp tục sử dụng chương trình. Naver sẽ sớm mở rộng thử nghiệm chương trình ra các thành phố lớn khác như Seoul, Daegu và sau cùng sẽ là một chương trình toàn quốc nhưng cần trả tiền.

Chương trình trên cũng có thể được sử dụng rộng rãi tại các khu vực nông thôn như Bắc Gyeongsang hay Nam Jeolla – hai tỉnh có tỷ lệ người cao tuổi chiếm hơn 40% dân số khu vực.

Sang-hun – kỹ sư sáng chế Clova – cho biết phần mềm này được thiết kế hiểu được “hàng chục nghìn ngữ cảnh hỏi và đáp” để trở thành một “người bạn thật nhất có thể”.

“Ban đầu chúng tôi lo ngại những người lớn tuổi sẽ có cảm giác họ đang nói chuyện với robot nhưng mọi thứ diễn ra vượt quá kỳ vọng. Phần mềm linh hoạt đến mức có những người thậm chí còn muốn biết tên của nó”, anh Sang-hun chia sẻ.

Thời đại “tự thân vận động”

Lee Ho-sun dành cả cuộc đời nghiên cứu về sự thay đổi mối quan hệ giữa các thế hệ gia đình tại Hàn Quốc. Bà hiện là người đứng đầu khoa tư vấn và an sinh xã hội thuộc Đại học Korea Soongsil. Bà cho biết tại Hàn Quốc, quan niệm con cái phải có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ khi về nhà đã xuất hiện từ rất lâu. Nhưng trong một vài chục năm trở lại đây, quan niệm đó thay đổi và Hàn Quốc đang bước vào thời đại “tự chăm sóc bản thân”.

“Chăm sóc gia đình mang một nét nghĩa mới hoàn toàn khi đất nước bước vào giai đoạn đô thị hóa. Trước đây, các gia đình thường bao gồm ba thế hệ cùng sinh sống, nhưng giờ hệ thống của chúng ta chỉ xoay quanh gia đình hạt nhân”, bà Lee giải thích.

Với bà Lee, Clova CareCall là một cách hiệu quả để duy trì giao tiếp hàng ngày đối với những người cao tuổi sống một mình.

Clova là sản phẩm thông minh nhân tạo mới nhất được đưa vào để phục vụ cuộc sống đơn độc của những người già tại Hàn Quốc. Trước đó, những con búp bê robot được thiết kế giống người thật mang tên Hyodol cũng giúp những người cao tuổi nguôi ngoai nỗi nhớ con cháu. Tuy nhiên, loại robot đó vẫn còn nhiều điểm hạn chế. Các phần mềm nhân tạo hiện đại như Clova sẽ có hiệu quả hơn trong việc theo dõi tình hình sức khỏe hay thậm chí tư vấn, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi.

“Ngày nay, chúng ta đang trong giai đoạn cung cấp các dịch vụ cho người cao tuổi sống một mình. Nhưng cung cấp dịch vụ không hoàn toàn nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Cái mà chúng ta cần hướng tới là người cao tuổi sẽ có thể tự phát triển kỹ năng của mình và đóng góp cho xã hội”, bà Lee kết luận.

Bảo Hà/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/nguoi-ban-ao-cho-tuoi-gia-don-doc-tai-han-quoc-20220208110320693.htm