Người bán vé số chỉ nhận được hỗ trợ một lần duy nhất
Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ, ngày 16-7-2021 UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 09/2021/QĐ-UBND (gọi tắt là Quyết định 09) về việc hỗ trợ người lao động (NLĐ) không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để hiểu thêm về gói hỗ trợ này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Ngọc Hằng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH).
Theo Quyết định 09 của UBND tỉnh, người bán vé số chỉ nhận được hỗ trợ duy nhất 1 lần
- Xin bà cho biết việc ban hành Quyết định 09 của UBND tỉnh đã mang lại ý nghĩa như thế nào đối với NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương?
- Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhiều người dân, trong đó có NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng khác. Việc ban hành Quyết định 09 đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ NLĐ vượt qua khó khăn, chung tay cùng nhau phòng chống, đẩy lùi dịch bệnh.
- Đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 09 gồm những đối tượng nào, thưa bà?
- Theo Quyết định 09, có 8 nhóm người lao động được hỗ trợ, cụ thể gồm: Người bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ trên lề đường không có điểm cố định; người thu gom rác, phế liệu, bốc vác; người vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện xe mô tô 2 bánh và các phương tiện khác có trọng lượng 500kg trở xuống, lái xe mô tô 2 bánh chở khách; người bán vé số lưu động; người lao động tay chân mang tính tự do trong lĩnh vực xây dựng; người tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú, ăn uống, du lịch, chăm sóc sức khỏe (bao gồm cả bảo vệ); người làm công việc thuộc một số lĩnh vực, ngành nghề phải tạm ngừng hoạt động theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 1954/UBND-VX ngày 10-5-2021; các đối tượng khác phải tạm dừng công việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19.
- Tại Điểm h Khoản 1 Điều 1 của Quyết định 09 quy định các đối tượng khác là gồm những đối tượng nào, thưa bà?
- Ở đây tôi xin được giải thích thêm về “đối tượng khác phải tạm dừng công việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19” bao gồm các đối tượng như: Người giúp việc nhà; người giữ trẻ theo nhóm trẻ gia đình; người đi cạo mủ cao su thuê; người sửa xe... những người bị giảm sâu thu nhập do phải thực hiện giãn cách để bảo đảm phòng chống dịch.
Tuy nhiên, quy trình hỗ trợ đối với nhóm đối tượng khác do UBND cấp huyện xét duyệt, sau đó gửi Sở LĐTB&XH thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt hỗ trợ.
- Có thông tin nói rằng người bán vé số lưu động sẽ nhận được 2 nguồn hỗ trợ (nguồn từ ngân sách theo Quyết định 09 và nguồn từ Công ty Xổ số Kiến thiết Bình Dương). Xin bà cho biết thêm về vấn đề này?
- Đối với người bán vé số lưu động, đây là nhóm đối tượng được hỗ trợ theo Quyết định 09 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, nguồn kinh phí thực hiện việc hỗ trợ cho người bán vé số lưu động được lấy từ Công ty Xổ số Kiến thiết Bình Dương. Do đó, đối với người bán vé số thì chỉ được nhận 1 lần hỗ trợ với mức hỗ trợ là 1.500.000 đồng/1 người.
- Sở LĐTB&XH đã có những hoạt động nào nhằm triển khai thực hiện Quyết định 09?
- Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định 09, cùng ngày LĐTB&XH cũng đã ban hành Văn bản số 4192/SLĐTBXH-CSLĐ hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện hỗ trợ các đối tượng theo Quyết định 09 của UBND tỉnh.
Song song với việc ban hành văn bản triển khai xuống các huyện, thị xã, thành phố, Sở LĐTB&XH đã đăng tải Quyết định 09 và văn bản hướng dẫn trên trang website của sở; đồng thời đề nghị UBND cấp huyện, xã nhanh chóng thực hiện việc thông báo trên đài truyền thanh địa phương và triển khai thực hiện tại các khu, ấp.
Kết quả, đã có nhiều NLĐ sau khi lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ, trong vòng 2 ngày làm việc địa phương đã thực hiện việc hỗ trợ đến với NLĐ.
Đã giải ngân trên 18,2 tỷ đồng cho các đối tượng
Kết quả thực hiện Quyết định 09 của UBND tỉnh về hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác đến ngày 29-7 như sau: Số hồ sơ tiếp nhận là 3.436 hồ sơ. Số lượng đối tượng được phê duyệt hỗ trợ 1.294 người, với số giải ngân là 1,94 tỷ đồng (trong đó đối tượng bán vé số lưu động đã tiếp nhận 371 hồ sơ và đã có 261 người lãnh tiền, tương ứng tổng số tiền gần 400 triệu đồng). Lũy kế đến nay, số lượng các đối tượng được duyệt lãnh là 12.168 người, số giải ngân là 18.252.000.000 đồng.
- Hiện nay, số lượng NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 hưởng chính sách hỗ trợ còn ít so với tổng số đối tượng này. Nguyên nhân của việc này là gì, thưa bà?
- Thứ nhất, hiện nay người dân trên địa bàn tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên NLĐ hầu hết không ra ngoài để đến UBND cấp xã để làm thủ tục đề nghị hỗ trợ.
Thứ hai, nhiều NLĐ nắm được thông tin việc hỗ trợ theo Quyết định 09 kéo dài đến hết ngày 31-12-2021, nên hầu hết NLĐ chờ đến khi dịch bệnh được kiểm soát mới đi làm các thủ tục nhận hỗ trợ để an toàn cho bản thân và gia đình.
Ba là, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến biến phức tạp, lãnh đạo, cán bộ cấp xã và lãnh đạo khu phố, ấp đều tham gia công tác phòng, chống dịch nên việc tuyên truyền thông báo cho người dân tại một số địa phương còn hạn chế (địa phương có nhiều người lao động tự do mất việc làm lại rơi vào những địa phương có tỷ lệ người nhiễm Covid - 19 cao như TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một.
- Xin cảm ơn bà!
Quang Tám (thực hiện)