Người bảo tồn, truyền dạy nhạc cụ Raglay ở Ma Nới
Trở lại xã vùng cao Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi tới thăm nhà Nghệ nhân Ưu tú Chamaleá Âu bên dòng sông Do thơ mộng, trữ tình. Ông nêu gương sáng về người cao tuổi gìn giữ và phát triển văn hóa đồng bào dân tộc Raglay, với việc góp sức lớn trong chế tác và truyền dạy cho thanh thiếu niên biểu diễn thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Raglay.
Đến thăm Nghệ nhân Ưu tú Chamaleá Âu vào một sáng giữa tháng Mười, chúng tôi gặp ông đang cần mẫn ngồi chế tác đàn chapi trước sân nhà ở đầu thôn Do. Có khách tới thăm, mắt nheo nheo nhận ra người quen cũ, ông chia sẻ niềm vui: Mình vừa hoàn thành chương trình truyền dạy biểu diễn mã la cho 50 thanh niên xã Ma Nới. Mừng lắm mới một tuần, mình hướng dẫn con cháu biết cách đánh mã la, với các bài cơ bản phục vụ hoạt động nghi lễ tộc họ và sinh hoạt văn nghệ cộng đồng. Lớp học được thực hiện theo Dự án 6 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Dự kiến đầu tháng 11 sắp tới, ngành Văn hóa huyện Ninh Sơn mời mình tiếp tục giảng dạy một lớp chế tác và biểu diễn nhạc cụ chapi cho 30 học viên là con em đồng bào Raglay xã Ma Nới.
Nghệ nhân Chamaleá Âu biểu diễn thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglay như: chapi, mã la, kèn bầu, tù và... Nhưng tiếng đàn chapi độc đáo của ông để lại ấn tượng sâu sắc cho người thưởng ngoạn. Bàn tay sần sùi của ông lướt khoan thai trên bốn phím đàn chapi, người nghe như có tiếng tự tình của đôi lứa yêu nhau, có tiếng thác đổ mưa nguồn, có tiếng các loài chim reo vang giữa núi đồi, có lời mời chào thân mật của bản làng trong những mùa lễ ăn đầu lúa mới.
Chapi là “vật bất ly thân” đã đồng hành cùng người Nghệ nhân cao niên của bản làng Ma Nới này ra Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố nhiều lần. Khán giả thích thú trực tiếp xem ông chế tác và biểu diễn chapi, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa của đồng bào Raglay.
Thực hiện Dự án 6, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), Nghệ nhân Ưu tú Chamaleá Âu, tiếp tục được mời đảm nhận vai trò “giảng viên chính” chương trình đào tạo chế tác, biểu diễn đàn chapi và các loại vật dụng mây tre đan phục vụ đời sống đồng bào Raglay, như gùi, nia, cà tăng cho thanh niên địa phương.
Dù đã bước qua tuổi 70, nhưng bước đi, dáng đứng của ông còn lanh lợi như con nai, con sóc giữa rừng già. Ông lặn lội lên núi cao tìm những cây tre già lên nước vàng óng, có đường kính 12-15cm, thân không tì vết, chặt về cưa ra để trong bếp hong vài tháng cho thật khô chuẩn bị làm “nguyên liệu” đưa ra dạy học viên chế tác đàn chapi.
Theo lời Nghệ nhân Chamaleá Âu, để chế tác đàn chapi, Nghệ nhân dùng cây mác sắc nhọn khoét vào cật tre bật lên thành 8 dây, mỗi dây cách nhau khoảng 2cm. Đặt chốt tre nhỏ ở hai đầu dây nâng cao hơn thân đàn. Vót mảnh tre cật rộng bằng đầu ngón tay cái khoét rảnh nối từng cặp dây lại với nhau tạo thành phím đàn, dưới phím đàn được dùi lỗ tạo âm vang cho tiếng chapi. Ở hai đầu thân đàn dùng dây mấu, dây mây bện chặt, có nhiệm vụ giữ căng dây đàn. Dùng dùi lửa khoét thủng hai mắc tre tạo âm vang cho thân đàn.
Sau khi cây đàn nên hình nên dáng, thì nghệ nhân phải biết cân chỉnh cho tiếng đàn chapi có hồn có vía. Khi đánh lên, lời ăn tiếng nói của nó mới đi qua tai nghe rồi ở lại mãi với lòng người.
Ông Cà Mau Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Ma Nới cho biết, Nghệ nhân Chamaleá Âu có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Ông rất tích cực tham gia chế tác và truyền dạy biểu diễn nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglay. Đồng thời, hướng dẫn con cháu đan lát dụng cụ mây tre phục vụ đời sống bà con bản làng. Nghệ nhân đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Ông còn được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tặng nhiều Bằng khen về thành tích xuất sắc góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; Người có công với cách mạng tiêu biểu.
“Cái bụng người Raglay biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ quan tâm chăm lo nâng cao đời sống cho bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng căn cứ kháng chiến cũ. Gần đây, mình cũng được biết, Chương trình MTQG 1719 đang phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn đầu tư, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, bản làng ngày càng phát triển no ấm. Do vậy, còn sức khỏe là mình còn hướng dẫn các cháu bản làng chế tác và biểu diễn các loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglay”, Nghệ nhân Ưu tú Chamaleá Âu bày tỏ.
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nguoi-bao-ton-truyen-day-nhac-cu-raglay-o-ma-noi-222465.htm