Người bệnh chờ cả tháng để xạ trị: Bệnh viện Ung bướu TPHCM mở khám từ sáng sớm
Hơn 500 bệnh nhân chờ xạ trị
Ghi nhận tại khoa Khám bệnh của Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2, ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người bệnh đã ngồi ở sảnh chờ đến lượt thăm khám. Tình trạng quá tải cũng diễn ra ở cả khu khám bệnh Bảo hiểm y tế và khu dịch vụ.
Còn tại khu Xạ trị của bệnh viện này, người bệnh và thân nhân cũng ngồi đợi kín các hàng ghế chờ. Đáng nói hơn, có đến hàng trăm người bệnh xạ trị phải đợi đến một tháng mới tới lượt.
Trao đổi với KTSG Online, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Đặng Ngọc Linh, Trưởng khoa Xạ trị, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cho biết hiện bệnh viện có tổng cộng 13 máy xạ trị gồm các dòng máy từ đơn giản như xạ trị gia tốc một bước năng lượng đến những dòng máy cao cấp. Đa số các máy này đều hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, bệnh nhân ung thư là bệnh nhân mãn tính cần điều trị lâu dài. Số lưu trị ngày càng tích lũy lên thì nhu cầu điều trị xạ cũng tăng lên.
Thời gian vừa qua, các bác sĩ ở khoa đã cố gắng tiếp nhận bệnh nhân xạ trị 3 ca, trong đó ca ngoài hành chính kéo dài đến khoảng 21 giờ đêm. Thế nhưng, hiện vẫn còn khoảng 500-600 bệnh nhân đợi đến lượt xạ trị.
Nói về việc người bệnh chờ cả tháng để xạ trị, bác sĩ Linh cho biết, hiện nay bệnh viện có ba khoa xạ trị chính và thời gian chờ đợi trung bình là 4 tuần. Trước đây, có những thời điểm bệnh nhân phải chờ đợi lâu hơn rất nhiều. Trong 4 tuần chờ này, các bác sĩ phải mất một tuần để sắp xếp bệnh nhân. Bởi để chuẩn bị cho bệnh nhân xạ trị là tất cả mọi việc phải được lên kế hoạch chi tiết.
Bác sĩ Linh cũng nói thêm, trong thời gian tới, cơ sở 2 thuộc bệnh viện này sẽ được trang bị thêm 2 máy xạ trị hiện đại hơn. Công suất của máy hoạt động tốt hơn, góp phần kéo giảm số ngày chờ cho bệnh nhân.
Liên kết vùng về y tế: giảm tải chotuyến cuối
Theo thống kê của Bệnh viện Ung bướu TPHCM, mỗi ngày, cơ sở 2 của bệnh viện tiếp nhận 4.700-4.800 lượt khám, còn nội trú thường xuyên có khoảng 950 bệnh nhân. Con số này tăng hơn so với năm 2023 khoảng 10%.
Chỉ riêng khu vực xạ và hóa trị, mỗi ngày nhận hơn 1.000 bệnh nhân ngoại trú đến điều trị ngoại trú. Trong số bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Ung bướu thành phố, có hơn 80% tới từ các tỉnh thành trong khu vực. Trong khi trước đây, tỷ lệ này chỉ khoảng 75%, còn người dân ở TPHCM chỉ chiếm 16%.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Diệp Bảo Tuấn, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bệnh viện là đơn vị có số máy xạ trị nhiều nhất cả nước. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân đến khám là ở giai đoạn trễ – giai đoạn 3 và 4 là một trong những nguyên nhân khiến việc điều trị kéo dài; đồng thời làm tăng thêm tình trạng quá tải.
Trước tình hình này, bác sĩ Tuấn cho biết bệnh viện đã áp dụng công nghệ thông tin để hẹn lịch mổ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, tránh bệnh nhân lên mỗi tuần. Bệnh viện sắp xếp ưu tiên không cần theo thứ tự các trường hợp cần phải xạ gấp như những ca nặng, u ác tính. Đối với những trường hợp cần điều trị bổ túc sau mổ, lành tính hoặc chưa ảnh hưởng đến chất lượng điều trị thì bệnh nhân sẽ chờ lâu hơn.
Bệnh viện cũng sẽ đẩy mạnh công tác tầm soát để phát hiện bệnh sớm hơn cho người bệnh. Vị bác sĩ này cho rằng các bệnh nhân có khuynh hướng tập trung đến những cơ sở xạ trị, trung tâm ung thư có uy tín lâu năm. Trong khi đó, nhiều nơi lại vắng vẻ và chưa khai thác được hiệu quả nguồn lực. Vì vậy, ngành y tế phải tìm các giải pháp để “chia lửa” cho y tế tuyến cuối.
Bác sĩ Tuấn cho biết thêm vấn đề liên kết vùng trong lĩnh vực y tế sẽ góp phần rất lớn trong việc giảm tải cho tuyến cuối. Hiện nay, các bệnh viện tại TPHCM đang tích cực phối hợp với các bệnh viện thuộc 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 5 tỉnh miền Đông Nam Bộ và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên nhằm triển khai các hoạt động chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lực cho các tỉnh. Điều này giúp nâng cao năng lực điều trị bệnh lý ung thư nói riêng và các bệnh lý khác nói chung để có thể đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh của người dân tại các địa phương.
Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các bệnh viện có chuyên khoa ung thư đến bệnh viện tuyến quận, huyện trên địa bàn cũng góp phần giảm tình trạng bệnh nhân giai đoạn cuối đổ về Bệnh viện Ung bướu thành phố. Bởi các bệnh nhân có thể được đưa về các bệnh viện tuyến quận huyện, giúp cho việc điều trị thuận lợi hơn, lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TPHCM chia sẻ thêm.
Bệnh viện cũng tăng số ca xạ bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc khoảng 22 giờ. Đơn vị cũng tổ chức mổ ngoài giờ hành chánh và ngày thứ bảy. Vì vậy, thời gian chờ mổ giảm còn từ 1-3 tuần tùy theo từng tình trạng bệnh). Thời gian chờ xạ trị giảm trung bình khoảng 1-2 tuần so với trước đây theo từng loại bệnh lý.
Ngoài ra, ngành y tế thành phố còn tăng cường hoạt động tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý ung thư. Các hoạt động này giúp phát hiện sớm những trường hợp ung thư để điều trị hiệu quả với thời gian ngắn hơn. Hiện Sở Y tế TPHCM đang chuẩn bị kế hoạch xây dựng Trung tâm khám sức khỏe và phát hiện bệnh sớm bằng công nghệ cao của thành phố trình các cấp thẩm quyền phê duyệt.