Người bệnh nặng 'thở phào' vì không phải xin giấy chuyển tuyến

Từ 1/1/2025, người mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo nằm trong danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được quy định tại Thông tư 01/2025/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành được lên thẳng tuyến trên mà không cần phải giấy chuyển tuyến, vẫn được hưởng 100% BHYT.

Sau 2 tháng thực hiện Thông tư 01, các bệnh viện tuyến trên tiếp nhận bệnh nhân dự kiến tăng nhẹ, người bệnh không còn lo lắng khi không phải xin giấy chuyển tuyến, tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền bạc, không bị gián đoạn trong điều trị.

Thủ tục thuận tiện, điều trị không gián đoạn

Tới Khoa Nội Hệ tạo huyết, Bệnh viện K, chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân mắc ung thư máu được lên thẳng tuyến trên mà không phải xin giấy chuyển tuyến như trước. Điều trị bệnh đa u tủy xương từ tháng 8/2024 tại Bệnh viện K, bà Vũ Thị Đ. (69 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết: “Nếu theo quy định cũ, tôi phải xin giấy chuyển tuyến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh lên Bệnh viện K. Nhưng rất may Thông tư của Bộ Y tế có hiệu lực từ 1/1, tôi không phải xin giấy chuyển tuyến nữa, mà bệnh của tôi được lên thẳng tuyến trên, hưởng 100% BHYT”.

Từ 1/1/2025, bệnh nhân mắc 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng tuyến trên.

Từ 1/1/2025, bệnh nhân mắc 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo được lên thẳng tuyến trên.

Theo TS.BS Đỗ Huyền Nga, Trưởng Khoa Nội hệ tạo huyết, Bệnh viện K, bệnh nhân Đ. có chỉ định điều trị hóa chất 8 đợt, đến nay đáp ứng tốt với thuốc. Với Thông tư mới, từ năm 2025, các trường hợp bệnh hiếm, trong đó có đa u tủy xương sẽ không cần giấy chuyển tuyến, có thể lên thẳng tuyến trung ương điều trị và được hưởng BHYT theo quy định, bệnh nhân sẽ được điều trị liên tục, không bị ngắt quãng ngày nào.

Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị L. (36 tuổi, Ninh Bình) kể, chị bị u lympho Huskin giai đoạn 2, nhập viện vào cuối tháng 12/2024. Nếu như trước kia, điều trị hết đợt 1 hóa chất vắt sang năm sau chị phải xin giấy chuyển tuyến. Nhưng theo Thông tư 01, chị không cần chuyển tuyến mà đúng 21 ngày chị lên điều trị hóa chất, chốt chu kỳ 2. Theo ThS.BS nội trú Lê Khánh Linh, chị L. đã truyền hóa chất kết hợp điều trị thuốc đích được 3 đợt, sẽ đánh giá lại, nhưng về lâm sàng, chị đáp ứng rất tốt với thuốc, đã hết khó thở, đi lại, nằm ngồi như người bình thường. “Rất may mắn cho bệnh nhân, nhờ Thông tư 01 có hiệu lực ngay ngày đầu năm 2025, bệnh nhân không phải mất thêm thời gian đi lại xin giấy chuyển tuyến, được điều trị đúng ngày, đúng chu kỳ và được có được kết quả điều trị tốt như vậy”, BS Linh cho biết.

Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, anh Nguyễn Văn H. (Nam Định) mắc u não ác tính chia sẻ, các năm trước anh phải xin giấy giới thiệu chuyển tuyến từ trạm y tế xã lên trung tâm y tế huyện, rồi từ huyện mới chuyển tuyến lên bệnh viện trung ương, rất vất vả và tốn kém. Năm nay, anh không phải xin giấy chuyển tuyến nữa, rất thuận tiện cho bệnh nhân trong quá trình điều trị.

Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, Thông tư 01 ban hành 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần phải giấy chuyển tuyến, giúp các nhân viên y tế không phải dồn dập bận rộn đầu năm với một số bệnh ác tính cần phải điều trị ngay ở tuyến chuyên sâu. Người bệnh được hưởng lợi, các bác sĩ lâm sàng cũng áp dụng hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Bệnh viện tuyến dưới phải có đủ thuốc mới chuyển bệnh nhân về

Theo TS.BS Đỗ Huyền Nga, hiện Khoa Nội hệ tạo huyết đang điều trị cho hơn 900 bệnh nhân, bỏ giấy chuyển tuyến dự kiến bệnh nhân tăng thêm khoảng 10-15%.

“Bệnh viện đã dự trù bệnh nhân tăng và chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, giường bệnh, thuốc… Việc bỏ giấy chuyển tuyến đã tạo điều kiện lớn nhất với bệnh nhân đã được chẩn đoán khẳng định là một trong những bệnh lý hiếm theo quy định của Bộ Y tế vì được điều trị liên tục, đúng hẹn, đúng chu kỳ. Với bệnh nhân chưa được chẩn đoán cần giấy chuyển tuyến, bệnh nhân thường vào viện muộn vì đợi chờ chuyển tuyến. Với đặc thù điều trị ung thư, luôn phải sử dụng các kỹ thuật cao, tốn nhiều chi phí, chúng tôi thường khuyên người bệnh nên có giấy chuyển tuyến để giảm bớt chi phí điều trị, giảm bớt khó khăn”, BS Nga chia sẻ.

Theo ThS.BS Chử Quốc Hoàn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện K, do tiêu chí lựa chọn bệnh nhân được vượt tuyến là các bệnh hiếm gặp, cần sử dụng kỹ thuật cao, chỉ có thể điều trị được tại các cơ sở chuyên sâu, căn cứ lựa chọn theo dữ liệu khám chữa bệnh BHYT, tỷ lệ người dân thuộc 1 trong 10 nhóm bệnh ung thư được khám chữa bệnh vượt tuyến thấp, chiếm dưới 10% bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện K. Số lượng người bệnh nhóm bệnh lý nêu trên ít, hầu hết được điều trị tại các tuyến trung ương từ trước khi Thông tư có hiệu lực, do đó, việc thay đổi quy định bệnh được thông tuyến giúp đơn giản thủ tục hành chính cho người bệnh không phải đi xin giấy chuyển viện, nhưng ít tăng gánh nặng và không gây quá tải cho các cơ sở y tế cấp chuyên sâu.

BS Hoàn cũng cho biết thêm, ngay từ khi có Thông tư 01, sau khi có tập huấn của Bộ Y tế, Bệnh viện K cũng đã tổ chức tập huấn triển khai thực hiện. Cho đến nay công tác thực hiện chính sách tương đối tốt, đúng quy định Thông tư và đảm bảo quyền lợi người bệnh.

Một số ý kiến cho rằng, sau điều trị bệnh ổn định, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân về tuyến dưới điều trị tiếp, còn e ngại việc điều trị của tuyến dưới chưa thể đáp ứng nối tiếp quá trình điều trị ở tuyến trên, vì tuyến dưới thiếu thiết bị, thuốc, trình độ y bác sĩ…Về vấn đề này, BS Hoàn cho hay, người bệnh sau điều trị ổn định hoặc chăm sóc giảm nhẹ giai đoạn cuối được chuyển về cấp cơ bản để theo dõi sau điều trị. Tạm thời với những người có chỉ định đặc hiệu như phẫu thuật, hóa chất, xạ trị, sử dụng thuốc điều trị đích, điều trị miễn dịch hoặc điều trị bằng liệu pháp hormone, Bệnh viện K và cơ quan BHYT vẫn thống nhất tiếp nhận điều trị tại cơ sở chuyên sâu hoặc có thể chuyển về cấp cơ bản nếu như năng lực cấp cơ bản có khả năng tiếp nhận. Trong trường hợp cấp cơ bản không đủ năng lực, không có thuốc… các cơ sở cấp chuyên sâu vẫn tiếp nhận và giải quyết quyền lợi hưởng BHYT cho người bệnh.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay, khi chuyển bệnh nhân về tuyến dưới, các bác sĩ sẽ trao đổi với đồng nghiệp tuyến dưới xem khả năng sẵn có thuốc, vật tư chưa để có chuyển điều trị hay không. Bệnh viện không chuyển thẳng khiến bệnh viện tuyến dưới bị động, không kịp đủ thời gian đấu thầu, mua sắm vật tư.

Còn theo bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), bệnh nhân sau khi chuyển về tuyến dưới, cơ bản vẫn được bảo đảm quyền lợi như khi điều trị tại tuyến chuyên sâu. Với các bệnh mãn tính, bệnh nhân vẫn tiếp tục được sử dụng thuốc tương tự như ở tuyến trên. Trong trường hợp tuyến cơ bản chưa kịp mua sắm hoặc đấu thầu, thuốc có thể được chuyển từ cơ sở chuyên sâu về theo hướng dẫn. Ngoài ra, các cơ sở tuyến dưới cũng có thể thực hiện hội chẩn và khám chữa bệnh từ xa, đảm bảo điều trị hiệu quả và vẫn được BHYT thanh toán theo quy định sắp ban hành của Bộ Y tế.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/nguoi-benh-nang-tho-phao-vi-khong-phai-xin-giay-chuyen-tuyen-i760056/