Người bệnh ung thư phổi nên ăn và nên tránh thực phẩm gì?

Chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp nâng cao sức khỏe tổng thể, cải thiện mức năng lượng và giúp người bệnh ung thư phổi có thêm sức mạnh trong quá trình điều trị.

NỘI DUNG

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh ung thư phổi

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho người bệnh ung thư phổi

3. Thực phẩm người bệnh ung thư phổi nên ăn và nên tránh

Ung thư phổi và cách điều trị ung thư phổi đôi khi có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn, khiến người bệnh khó có được một chế độ ăn uống cân bằng.

Trong trường hợp nghiêm trọng, điều này dễ dẫn đến chứng suy nhược, một tình trạng liên quan đến sụt cân, teo cơ khiến sức khỏe của người bệnh trở nên tồi tệ hơn. Do đó, các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng khuyên người bệnh ung thư phổi lập một kế hoạch ăn uống cân bằng giúp duy trì cân nặng và sức khỏe trong quá trình điều trị.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bệnh ung thư phổi

Chế độ ăn uống của bệnh nhân ung thư phổi có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị, khả năng phục hồi.

Chế độ ăn uống của bệnh nhân ung thư phổi có thể ảnh hưởng đến quá trình điều trị, khả năng phục hồi.

Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp cải thiện chất lượng điều trị và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân ung thư phổi. Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân ung thư phổi vì những lý do:

Cung cấp dinh dưỡng thiết yếu

Giúp cơ thể chống lại tác dụng phụ của điều trị như mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy, táo bón.
Duy trì sức mạnh và thể trạng, giúp bệnh nhân phục hồi nhanh hơn sau khi điều trị.
Hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.

Cải thiện hiệu quả điều trị

Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt giúp cải thiện hiệu quả điều trị ung thư phổi.
Các thực phẩm này chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào khỏi tổn thương do ung thư gây ra.

Cải thiện chất lượng cuộc sống

Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng có thể giúp bệnh nhân ung thư phổi cảm thấy khỏe hơn, nhiều năng lượng hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Chế độ ăn uống tốt nhất cho bệnh nhân ung thư phổi sẽ phụ thuộc vào giai đoạn bệnh, tình trạng sức khỏe tổng thể và các tác dụng phụ mà bệnh nhân gặp phải.

Người bệnh ung thư phổi nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ ăn phù hợp nhất.

2. Các dưỡng chất thiết yếu cho người bệnh ung thư phổi

Không có dữ liệu nào chứng minh rằng ăn bất kỳ loại thực phẩm nào hoặc dùng bất kỳ chất bổ sung nào sẽ giúp chữa khỏi hoặc chống lại bệnh ung thư phổi. Tuy nhiên, chế độ ăn nhiều trái cây, rau giàu vitamin, khoáng chất, uống đủ nước, protein nạc, carbohydrate, ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp người bệnh ung thư phổi cảm thấy tốt nhất trong quá trình điều trị. Khi cảm thấy khỏe, việc dung nạp việc điều trị tốt hơn, tăng cơ hội tiếp tục điều trị để chống lại bệnh ung thư.

Một số bệnh nhân phải vật lộn với một số tác dụng phụ của điều trị như buồn nôn, nôn, kém ăn, thay đổi khẩu vị gây khó khăn cho việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh.

Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp điều chỉnh chế độ ăn uống nhằm giúp người bệnh ung thư phổi duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, kiểm soát các tác dụng phụ và giúp cảm thấy tốt hơn. Người bệnh, người chăm sóc cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung nào vì nó có thể ảnh hưởng đến việc điều trị.

3. Thực phẩm người bệnh ung thư phổi nên ăn và nên tránh

3.1. Thực phẩm nên ăn

Nhu cầu dinh dưỡng của mỗi người bệnh ung thư phổi trong thời gian bị ung thư phổi là khác nhau, dựa trên kế hoạch điều trị ung thư phổi và các tác dụng phụ, chiều cao, cân nặng hiện tại của người bệnh. Dưới đây là một số thực phẩm tốt cho người bệnh ung thư phổi:

Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt.

Ngũ cốc nguyên hạt.

Ngũ cốc nguyên hạt giàu chất xơ và chất dinh dưỡng hơn ngũ cốc tinh chế. Hơn nữa, các vitamin, khoáng chất, đặc biệt là chất chống oxy hóa trong ngũ cốc nguyên hạt đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ bệnh ung thư.

Ngoài ra, các loại ngũ cốc như gạo, gạo, lúa mạch, kê, ngô, yến mạch... cung cấp vitamin B và carbohydrate kích thích não sản sinh serotonin - một loại hormone giúp cơ thể giảm cảm giác thèm ăn, lo lắng, khó chịu.

Rau họ cải

Bông cải xanh, súp lơ trắng, bắp cải, cải chíp, cải Brussels chứa sulforaphane, một hợp chất giàu lưu huỳnh được cho là một trong những chất chống ung thư mạnh nhất được tìm thấy trong thực phẩm. Những thực phẩm giàu năng lượng này cũng chứa indole-3-carbinol, có thể giúp sửa chữa tổn thương tế bào do tiếp xúc với chất gây ung thư, loại bỏ tổn thương trước khi khiến tế bào biến đổi và trở thành ung thư.

Rau bina, cải xoăn, bông cải xanh, rau diếp đều là những nguồn cung cấp folate dồi dào, một loại vitamin B thiết yếu đóng vai trò chính trong việc sửa chữa tế bào. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng folate có thể bảo vệ tế bào khỏi các chất gây ung thư trong thuốc lá; như vậy, lượng folate có lợi trong việc giảm nguy cơ ung thư phổi ở những người đang và đã từng hút thuốc. Hơn nữa, việc hút thuốc cũng như uống rượu làm tiêu hao folate khỏi cơ thể.

Trái cây, củ quả màu cam

Cam, quýt, đào, đu đủ, ớt chuông đỏ, cà rốt đều chứa sắc tố carotenoid tự nhiên gọi là beta-cryptoxanthin, có tác dụng bảo vệ giúp ngăn ngừa ung thư. Cụ thể, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàm lượng beta-cryptoxanthin cao có thể làm giảm nguy cơ phát triển ung thư phổi.

Quả mọng

Quả mọng.

Quả mọng.

Các loại quả mọng như nho, quả việt quất, quả mâm xôi, dâu tây chứa nhiều hợp chất được gọi là anthocyanidins. Chất delphinidin trong chế độ ăn uống ức chế sự phát triển của các khối u. Chúng hạn chế sự phát triển của các khối u bằng cách cản trở tạo ra các mạch máu mới và ảnh hưởng tới lập trình chết tế bào của các tế bào ung thư.

Trà xanh

Trà xanh không chỉ được phát hiện có vai trò ngăn ngừa sự phát triển của bệnh ung thư phổi mà còn có lợi cho những người đã sống chung với căn bệnh này.

Đối với bệnh nhân ung thư phổi, uống 2 tách trà xanh mỗi ngày có thể giúp cơ thể hấp thụ các chất polyphenol có trong trà xanh, góp phần phát huy tác dụng chống oxy hóa, ngăn ngừa ung thư. Lưu ý rằng trà xanh đóng chai được quảng cáo chứa hợp chất như ECGC nhưng có hàm lượng rất thấp. Hơn nữa một số loại còn chứa đường và các chất bảo quản khác không tốt cho cơ thể.

Các sản phẩm từ sữa

Các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai, sữa chua cung cấp lượng canxi, protein dồi dào cho cơ thể, giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể. Bệnh nhân ung thư phổi thường mệt mỏi, chán ăn nên thường được khuyến khích dùng sữa trong các bữa ăn phụ để cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.

Chất béo thực vật

Đây là nguồn chất béo có lợi cho cơ thể, giúp thúc đẩy quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng và ngăn ngừa tình trạng sụt cân bất thường ở bệnh nhân ung thư phổi. Ngoài ra, người bệnh nên dùng thêm các loại ngũ cốc, bơ đậu phộng, trộn với salad, ngũ cốc, sữa chua. Một số nguồn chất béo thực vật rất dồi dào như: dầu ô liu, dầu hạt cải, dầu lạc, dầu bơ...

Cá béo và hàu

Cá hồi, cá thu và các loại cá béo là nguồn cung cấp vitamin D tự nhiên. Vitamin D có ích cho bệnh nhân ung thư phổi, lượng vitamin D cao còn làm tăng hiệu quả trong việc giảm thiểu sự phát triển của tế bào ung thư trong phổi.

Hàu chứa lượng kẽm cao, từ đó làm cho việc hóa trị ung thư phổi hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần đảm bảo rằng cơ thể không bị thiếu kẽm vì nó có thể dẫn đến hệ thống miễn dịch yếu.

Giữ nước

Nên uống đủ nước trong khi điều trị ung thư, giúp cơ thể khỏi tình trạng mất nước và ảnh hưởng hệ thống miễn dịch. Người bệnh nên uống khoảng 2000ml nước mỗi ngày. Tuyệt đối tránh uống đồ uống có chứa caffeine. Uống quá nhiều caffeine có thể dẫn đến mất nước.

3.2. Thực phẩm nên tránh

Người bị ung thư phổi nên hạn chế các loại thịt đỏ, chất béo bão hòa, đồ ăn cay.

Người bị ung thư phổi nên hạn chế các loại thịt đỏ, chất béo bão hòa, đồ ăn cay.

Ăn một chế độ ăn ít thịt đỏ, thịt chế biến sẵn, đường đã qua chế biến có thể giúp người bệnh ung thư phổi duy trì trọng lượng cơ thể và lượng đường trong máu khỏe mạnh. Cả hai đều quan trọng để ngăn ngừa và chống lại bệnh ung thư.

Tốt nhất nên kiêng đồ uống có cồn trong khi điều trị ung thư phổi. Đồ uống có cồn như rượu có thể dẫn đến mất nước, làm giảm hiệu quả của hệ thống miễn dịch của cơ thể.

Người bệnh ung thư phổi không nên ăn đồ ăn cay, vì một trong những triệu chứng phổ biến nhất của ung thư phổi là khó nuốt. Đồ ăn cay nên được loại bỏ ngay khỏi chế độ ăn uống vì nó dễ làm tăng cảm giác buồn nôn và viêm họng. Do đó, đồ ăn cay không phù hợp với cổ họng nhạy cảm của bệnh nhân ung thư phổi.

TS. BSCKII Nguyễn Văn Hùng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-benh-ung-thu-phoi-nen-an-va-nen-tranh-thuc-pham-gi-169240522120200223.htm