Người bị kiện trốn tránh không ra tòa thì giải quyết thế nào?

Hỏi: Tôi kiện bà V. để đòi nợ, tòa án (TA) triệu tập nhiều lần nhưng bà V. luôn trốn tránh không đến làm việc khiến vụ án kéo dài. Xin hỏi nếu bà V. cố tình vắng mặt thì sẽ xử lý thế nào, vụ án có xét xử được không? (Mỹ Linh, TP.Thủ Đức, TPHCM).

Trả lời: Trong vụ án dân sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (QL, NVLQ) được gọi là đương sự (ĐS).

Khoản 2 Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ 2, ĐS hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ĐS phải có mặt tại tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng (SKBKK) hoặc trở ngại khách quan (TNKQ) thì TA có thể hoãn phiên xử, nếu không vì SKBKK hoặc TNKQ thì xử lý như sau:

a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và TA ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định pháp luật;

b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có QL, NVLQ không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì TA tiến hành xét xử vắng mặt họ;

c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và TA quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định pháp luật;

d) Người có QL, NVLQ có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và TA quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó. Người có QL, NVLQ có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định pháp luật;

đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ĐS vắng mặt thì TA vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.

Như vậy, khi ĐS được triệu tập hợp lệ lần thứ 2 mà có đơn đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vắng mặt tại phiên tòa nhưng có người đại diện tham gia thì TA vẫn tiến hành xét xử bình thường; nếu vắng mặt vì SKBKK hoặc TNKQ thì TA có thể hoãn phiên xử.

Trong vụ án của bạn, bà V. bị kiện là bị đơn thì áp dụng theo Điểm b Khoản 2 Điều 227 nêu trên.

Luật gia ĐẶNG THU HIỀN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/song-theo-phap-luat/nguoi-bi-kien-tron-tranh-khong-ra-toa-thi-giai-quyet-the-nao_168830.html