Làn sóng biểu tình phản đối bạo lực của cảnh sát lan rộng trên khắp nước Mỹ và đã xuất hiện ở New York cuối tuần này. Mọi việc bắt đầu khi một người da đen ở Minneapolis là George Floyd bị viên cảnh sát Derek Chauvin đè gối lên gáy khiến anh này thiệt mạng. Ảnh: AP.
Nhiều người biểu tình tập trung phía trước Tháp Trump ở trung tâm Manhattan, giơ biểu ngữ "Black Lives Matter". Một số cửa hàng ở khu Manhattan đã bị đập phá cửa kính và đây được coi là tuần bạo lực nhất ở New York trong vòng thập kỷ qua. Ảnh: AP.
Phía trước Trung tâm Barclay ở khu Brooklyn là địa điểm khác nơi cảnh sát phải đối mặt với nhiều người biểu tình, và đụng độ đã xảy ra. Thị trưởng Bill de Blasio tuyên bố bất kỳ sĩ quan cảnh sát nào sử dụng vũ lực không cần thiết trong cuộc biểu tình sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Ảnh: AP.
Tại khu Harlem, trung tâm văn hóa của người da đen ở New York, nhiều người biểu tình cũng xuất hiện để lên án hành vi bạo lực mang tính phân biệt chủng tộc của cảnh sát, sĩ quan Chauvin đã đè gối lên gáy của George Floyd trong vòng hơn 7 phút, bất chấp anh này nói rằng mình không thở được. Ảnh: AP.
Người biểu tình tuần hành qua phía trước Bảo tàng Metropolitan (The Met) ở New York. Thị trưởng de Blasio cho biết ông "thông cảm" với những người biểu tình và chấp nhận việc tụ tập mà không có bạo lực - mặc dù thành phố vẫn đang trong thời gian phong tỏa vì Covid-19. Ảnh: AP.
Cảnh sát trưởng New York Dermot F. Shea cho biết nhiều người biểu tình xuất hiện với mục đích muốn đụng độ với lực lượng an ninh. Cảnh sát đã thu giữ một súng ngắn và một số vũ khí khác như bom xăng, theo New York Times. Ảnh: AP.
Cảnh sát bắt giữ một số người biểu tình bên ngoài Tháp Trump ở khu Manhattan, tính từ thứ sáu đã có khoảng 200 người biểu tình bị bắt giữ. Một số cảnh sát cũng bị thương, trong đó có người bị gãy răng, theo ông Shermot. Ảnh: AP.
Mặc dù vậy một số đoạn băng trên mạng xã hội cho thấy nhiều cảnh sát đã dùng dùi cui với người biểu tình ôn hòa trên đường phố, cũng như một trường hợp xe cảnh sát lao vào đám đông người biểu tình. Hình ảnh này được chụp ở khu Brooklyn với nhiều cảnh sát sẵn sàng sử dụng hơi cay với đám đông. Ảnh: AP.
Xe cảnh sát bị ném pháo vào tối ngày 30/5 ở Brooklyn. Ảnh: New York Times.
Lính cứu hỏa xuất hiện để dập lửa cho một chiếc xe cảnh sát bốc cháy trên Đại lộ Church ở Brooklyn. Nhiều cửa hàng ở khu Brooklyn cũng bị đập phá. Ảnh: New York Times.
Một người biểu tình được giúp đỡ sau khi bị cảnh sát xịt hơi cay vào mặt. Ảnh: New York Times.
Một phụ nữ 25 tuổi bị thương ở đầu vì dùi cui của cảnh sát trong vụ đụng độ ở Brooklyn. Ảnh: New York Times.
Làn sóng phẫn nộ lan khắp Mỹ sau cái chết của người da màu Sự việc cảnh sát đè cổ người đàn ông da màu đến chết đã tạo nên một làn sóng phẫn nộ đỉnh điểm tại Mỹ. Hàng loạt các thành phố lớn tại các bang đều xảy ra bạo loạn.
Sơn Trần
(Ảnh: AP, New York Times)