Người cán bộ trẻ tâm huyết với mô hình chuyển đổi số trong thiện nguyện

Nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025), phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Thượng úy Dương Hải Anh, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Sơn La, Trưởng Ban thanh niên Công an tỉnh Sơn La về hành trình chuyển đổi số trong công tác thiện nguyện.

Thưa đồng chí, công tác chuyển đổi số được chú trọng áp dụng vào hoạt động thiện nguyện tại tỉnh Sơn La như thế nào?

Sau vài năm triển khai dự án thiện nguyện “Nuôi em Mộc Châu”, chúng tôi đã đạt được những thành công nhất định; trở thành điểm tựa của 12.000 em nhỏ, thuộc 8 huyện của tỉnh Sơn La. Chỉ tính riêng dự án này ở huyện Mộc Châu đã nhận được tổng số tiền tài trợ khoảng 38 tỷ đồng.

Nhìn các con có những bữa trưa đầy đủ chất dinh dưỡng, những người làm công tác thiện nguyện trong ekip chúng tôi rất ấm lòng. Đây chính là nền tảng vững chắc để chúng tôi tiếp tục triển khai các dự án: “Hạnh phúc cho em”, “Máy tính cho tương lai”...

Thượng úy Dương Hải Anh trực tiếp triển khai Dự án "Máy tính cho tương lai" dành cho các em học sinh vùng cao ở huyện Thuận Châu, với mong muốn giúp đỡ các em tiếp cận với công nghệ thông tin và kiến thức, tạo ra cơ hội và tương lai tươi sáng hơn.

Thượng úy Dương Hải Anh trực tiếp triển khai Dự án "Máy tính cho tương lai" dành cho các em học sinh vùng cao ở huyện Thuận Châu, với mong muốn giúp đỡ các em tiếp cận với công nghệ thông tin và kiến thức, tạo ra cơ hội và tương lai tươi sáng hơn.

Ngay khi tiếp cận đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số, tôi đã nảy ra ý tưởng mới về xây dựng cơ sở dữ liệu số cho các dự án thiện nguyện. Ý tưởng này được các thành viên trong ekip dự án nhiệt liệt hưởng ứng và chung tay hoàn thiện. Nhưng cũng bắt đầu từ đây, khối lượng công việc ngày một nhiều; văn bản, giấy tờ, hồ sơ, dữ liệu hình ảnh liên quan… chồng chất.

Tháng 12/ 2021, Dự án "Hạnh phúc cho em" với mục tiêu xóa những điểm trường tạm, xây dựng những điểm trường còn thiếu, những nhà nội trú, nhà hạnh phúc cho các em nhỏ mồ côi – chính thức được sáng lập do Đoàn Thanh niên Công an tỉnh Sơn La điều hành. Điểm nhấn đặc biệt cho dự án này đó là tất cả dữ liệu đều được số hóa, triển khai trên nền tảng số.

Việc áp dụng chuyển đổi số, xây dựng nền tảng mạng xã hội thiện nguyện sẽ lan tỏa đến nhiều nhà hảo tâm, giúp bà con, các em học sinh vùng cao có hoàn cảnh khó khăn nhanh chóng, kịp thời được hỗ trợ… Mặt khác, việc số hóa các dự án thiện nguyện sẽ giúp xây dựng kho dữ liệu thiện nguyện trực tuyến, mang tính công khai, minh bạch.

Cuối năm 2024, dự án "Hạnh phúc cho em" đã chuyển 1,1 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm đến Huyện Đoàn và Phòng Giáo dục huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La), tổ chức Lễ khởi công xây dựng 3 công trình “Trường đẹp cho em” và các phòng máy tính.

Cuối năm 2024, dự án "Hạnh phúc cho em" đã chuyển 1,1 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm đến Huyện Đoàn và Phòng Giáo dục huyện Thuận Châu (tỉnh Sơn La), tổ chức Lễ khởi công xây dựng 3 công trình “Trường đẹp cho em” và các phòng máy tính.

Đồng chí có thể chia sẻ thêm điểm nhấn về chuyển đổi số trong các dự án thiện nguyện này?

Đối với dự án "Nuôi em Mộc Châu", chúng tôi áp dụng các tính năng tự động: Tự động làm ảnh thẻ, chatbox AI trả lời tin nhắn, tra soát dữ liệu… Đặc biệt, mỗi em nhỏ sẽ được cấp “Mã Em Nuôi”.

Chẳng hạn bắt đầu cấp từ điểm trường Phiêng Luông, trường có 300 bé sẽ tương ứng mã từ 01 đến mã 300. Chuyển sang điểm trường tiếp theo, mã sẽ bắt đầu từ 301 cho đến hết số lượng bé ở điểm trường đó. Mã Em Nuôi sẽ được gửi lần lượt đến các bố mẹ, anh chị nuôi theo thứ tự để tránh sự nhầm lẫn, trùng lặp hay thiếu xót. Ngoài ra, còn đảm bảo tính công bằng cho các bé, đảm bảo cho bé nào cũng được nhận nuôi, không bé nào bị bỏ rơi, không phân biệt giới tính, dân tộc…

Đối với dự án “Hạnh phúc cho em”-là dự án thiện nguyện đầu tiên trên cả nước Việt Nam có "Bản đồ thiện số trên nền tảng website", nhờ vào bản đồ số này, các mạnh thường quân có thể truy cập để lựa chọn tài trợ theo hạng mục. Ví dụ, tài trợ 20 triệu đồng sẽ giúp xây dựng nhà vệ sinh, 30 triệu đồng cho giếng nước, 50 triệu đồng cho phòng tin học, 80 triệu đồng cho nhà ở và 200 triệu đồng cho trường học”, Chủ nhiệm dự án chia sẻ.

Website https://hanhphucchoem.vn/ đã nhận được số tiền ủng hộ rất lớn từ cộng đồng.

Website https://hanhphucchoem.vn/ đã nhận được số tiền ủng hộ rất lớn từ cộng đồng.

Dự án “Máy tính cho tương lai” thuộc hệ sinh thái dự án "Nuôi em Mộc Châu" và "Hạnh phúc cho em" đã trao tặng 3 phòng tin học tại các điểm trường trên địa bàn huyện Thuận Châu vào tháng 8/2024.

Dự án “Máy tính cho tương lai” thuộc hệ sinh thái dự án "Nuôi em Mộc Châu" và "Hạnh phúc cho em" đã trao tặng 3 phòng tin học tại các điểm trường trên địa bàn huyện Thuận Châu vào tháng 8/2024.

Bản đồ số này có công nghệ dẫn đường, cung cấp địa chỉ và thông tin chính xác cho các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm đến nơi cần thiện nguyện. Bên cạnh đó, các hình ảnh, video, clip và thông tin về các chuyến thiện nguyện được đăng tải công khai; chi tiết và lưu trữ trên nền tảng số; đảm bảo tính minh bạch, bền vững và đáp ứng kịp thời nhu cầu thiện nguyện.

Đáng chú ý, dự án cũng áp dụng công nghệ AI trong truyền thông, hỗ trợ viết bài và lan tỏa thông tin trên mạng xã hội, giúp tăng tính tự động hóa và thu hút được nhiều đồng hành từ cộng đồng mạnh quân quân.

Từ 3 điểm trường được xây dựng năm 2021, mỗi năm Dự án “Hạnh phúc cho em” đã tăng trưởng khoảng từ 520-1.200%, cho tới thời điểm hiện tại là 58 điểm trường, 8 nhà nội trú, 8 nhà hạnh phúc, 12 phòng máy tính cho tương lai được xây dựng, giúp đỡ cho hơn 12.000 học sinh vùng cao. Trong năm 2024, dự án “Hạnh phúc cho em” là mô hình Dân vận khéo được Bộ Công an và tỉnh Sơn La thông báo nhân rộng ra phạm vi toàn lực lượng Công an nhân dân và cấp tỉnh.

Cũng trong năm 2024, cùng với hàng trăm hồ sơ của các dự án thiện nguyện trên khắp cả nước gửi tới Ban tổ chức Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize năm 2024, dự án “Hạnh phúc cho em” vinh dự là dự án duy nhất của lực lượng Công an nhân dân lọt vào vòng chung kết và được trao giải “Dự án triển vọng” cho giải thưởng của năm.

Có thể khẳng định thành công từ áp dụng chuyển đổi số đã tạo nên những thay đổi tích cực và bền vững trong các dự án thiện nguyện ở tỉnh Sơn La.

Thượng úy Dương Hải Ảnh (thứ hai từ trái sang) và các thành viên dự án “Hạnh phúc cho em” nhận giải thưởng Hành động vì cộng đồng năm 2024.

Thượng úy Dương Hải Ảnh (thứ hai từ trái sang) và các thành viên dự án “Hạnh phúc cho em” nhận giải thưởng Hành động vì cộng đồng năm 2024.

Trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của cách mạng số, những kế hoạch, dự định nào đang được ấp ủ triển khai, thưa đồng chí?

Tôi muốn gửi gắm tới các thanh niên trẻ, các tổ chức Đoàn, nên định hướng làm thiện nguyện theo tính bền vững, lựa chọn những mô hình đem lại giá trị, hiệu quả cho giáo dục, những công trình bền vững sử dụng được lâu dài, nhiều người thụ hưởng như những công trình trường lớp, nhà nội trú, nhà vệ sinh, sân chơi, máy tính...sau đó mới đến các chương trình, phong trào quà tặng, bánh… Hơn hết, tôi mong muốn các thanh niên trẻ sẽ ứng dụng những khoa học kỹ thuật, công nghệ vào các dự án thiện nguyện để quá trình thực hiện dự án, quản lý dự án bài bản, khoa học, đặc biệt là xây dựng được kho dữ liệu thiện nguyện xác thực tại địa bàn của mình…

Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Trung Nguyên-Hồng Phượng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nguoi-can-bo-tre-tam-huyet-voi-mo-hinh-chuyen-doi-so-trong-thien-nguyen-20250202165537367.htm