'Người cần quên phải nhớ' và phép thử mới cho điện ảnh Việt
Là phim điện ảnh Việt hiếm hoi được ghi hình, hậu kì và khởi chiếu trong năm 2020, 'Người cần quên phải nhớ' tựa như lời kết, khép lại 366 ngày gian khó vừa qua bằng câu chuyện ấm áp, chạm tới trái tim khán giả.
“Tôi luôn bị trăn trở bởi việc làm thế nào để đem đến làn gió mới cho đề tài rom – com (tình cảm – hài hước), một thể loại cực kì quen thuộc và cũng là điểm mạnh xưa giờ của tôi lẫn Đức Thịnh. Thế rồi, "Người cần quên phải nhớ"đã giúp tôi tìm ra câu trả lời nhờ khai thác khía cạnh lãng mạn, khôi hài dựa trên chất liệu trinh thám, giật gân”, Charlie Nguyễn chia sẻ về nguyên cớ khiến anh bắt tay thực hiện dự án này.
Đạo diễn Đỗ Đức Thịnh tiết lộ: "Tôi rất thích cái cách mà biên kịch George Ding gửi gắm bài học ý nghĩa vào từng tuyến truyện lẫn nhân vật. Đơn cử như nữ chính Loan (Hoàng Yến Chibi), nàng phóng viên nổi tiếng lăn xả, liều lĩnh sống cùng người cha tâm thần (NSƯT Đức Hải) và thường xuyên xảy ra mâu thuẫn với ông. Trải qua hành trình điều tra cái chết đột ngột của cha, Loan mới thấm thía được bài học đắt giá: hãy quan tâm, chăm sóc người mình yêu thương trước khi quá muộn."
Ở độ tuổi tràn trề nhiệt huyết lẫn khao khát khẳng định cái tôi, không ít bạn trẻ đã miệt mài “cày ngày cày đêm”, mải đeo đuổi những giá trị phù phiếm (Bình mơ ước trở thành đại ca giang hồ) mà vô tình quên mất gia đình, quên mất việc hưởng thụ cuộc sống.
Theo năm tháng, khoảng cách vô hình giữa họ và cha mẹ, bạn bè cứ ngày càng lớn dần, tới lúc nhận ra thì chẳng còn cơ hội nào để kịp hàn gắn nữa. Sở hữu nội dung tuy nhẹ nhàng nhưng cũng hết sức gần gũi, đạo diễn Đỗ Đức Thịnh tin rằng, khán giả chắc chắn sẽ nhìn thấy bản thân mình đâu đó xuyên suốt 110 phút thời lượng.
Chưa kể, khi đã thưởng thức xong Người cần quên phải nhớ, người xem sẽ hiểu rõ rằng, tại sao bộ phim lại có cái tựa “kì lạ” như thế. Bởi lẽ trên bước đường đời, chúng ta đều bắt gặp ít nhất một hoặc vài người mà ban đầu, bản thân chỉ muốn xóa khỏi tâm trí ngay tức khắc. Tuy nhiên càng về sau, ta mới nhận ra các gương mặt ấy thực chất chẳng hề đáng ghét và khó ưa. Thậm chí, họ còn có thể đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nên những bước ngoặt cuộc sống khó thể nào quên.
Bên cạnh phần thông điệp giàu cảm xúc, Người cần quên phải nhớcòn là phim điện ảnh Việt Nam hiếm hoi lấy bệnh viện tâm thần làm trung tâm câu chuyện. Biên kịch George Ding bật mí: "Thực chất, viện tâm thần Đức Châu vốn lấy cảm hứng từ kiệt tác điện ảnh Bay qua tổ chim cúc cu (One Flew Over the Cuckoo's Nest)".
Cụ thể nếu quan sát kỹ, bạn sẽ thấy gã bệnh nhân lém lỉnh, thích nổi loạn James Bô (Thái Hòa) gợi nhớ đến tên tội phạm McMurphy, trong lúc chàng thanh niên Cao Kều trông không khác nào tay “thủ lĩnh da đỏ” Bromden luôn giả câm giả điếc.
“Sau khi khảo sát nhiều bối cảnh thật ngoài đời, chúng tôi đã chọn Bảo tàng TP. HCM làm bối cảnh bệnh viện tâm thần cho dự án. Với kiến trúc Đông Dương hoài cổ, đậm chất nghệ thuật, nơi đây vừa tạo được không khí giật gân, ly kỳ nhưng cũng vừa mang màu sắc vui nhộn, hóm hỉnh. Tôi muốn khắc họa địa điểm này như một “nhà trẻ đặc biệt”, chuyên coi sóc các bệnh nhân tâm thần thay vì một nhà giam lạnh lẽo, xám xịt giống bao tác phẩm khác”, đạo diễn Đỗ Đức Thịnh giải thích.
Hiện tại, Người cần quên phải nhớ đang được khán giả đón nhận vô cùng tích cực. Nhìn chung, các bài bình luận đều đánh giá cao về mặt kỹ thuật (màu phim, góc quay, âm nhạc) và chuyện tình sâu lắng, ngọt ngào giữa cặp đôi chính Loan – Bình.
“Nghĩ lại những thách thức tưởng chừng bất khả thi mà anh em ekip từng phải đương đầu, tôi thấy "Người cần quên phải nhớ" giống như một bộ phim định mệnh dành riêng cho cột mốc lịch sử 2020. Là dự án hiếm hoi được thực hiện xuyên suốt mùa dịch, tôi tin việc công chiếu tác phẩm mang ý nghĩa tinh thần rất lớn với ekip. Chỉ cần đồng sức đồng lòng, chúng ta có thể chiến thắng mọi khó khăn nhằm tiếp tục theo đuổi đam mê điện ảnh”, Charlie Nguyễn xúc động.