Người cao tuổi nêu gương sáng làm kinh tế giỏi

Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh có trên 467.000 hội viên, sinh hoạt ở 4.393 chi hội. Trong những năm qua, hưởng ứng phong trào thi đua 'NCT làm kinh tế giỏi' do Trung ương Hội NCT Việt Nam phát động, các cấp hội NCT trong tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia. Nhiều cán bộ, hội viên NCT năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, cống hiến trí tuệ, sức lực làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương.

Kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống người cao tuổi Việt Nam (6-6-1941 - 6-6-2023):

Mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Lê Khắc Kim, xã Đông Minh (Đông Sơn) mang lại hiệu quả kinh tế.

Phát huy tinh thần “Tuổi cao - gương sáng”, những năm qua, ông Đào Trọng Lương ở thôn 1, xã Thọ Thanh (Thường Xuân) đã không ngừng nỗ lực, gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế cũng như tích cực tham gia các hoạt động của địa phương. Ông Lương cho biết: Nhận thấy tiềm năng đất đai tại địa phương, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả, huy động nguồn vốn tại chỗ cùng nguồn vốn vay ưu đãi của các ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất, phát triển mô hình nuôi trùn quế. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật nên trùn quế phát triển mạnh, từ nguồn giống ban đầu, gia đình ông đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất.

Theo ông Lương, trong các loại phân hữu cơ thì phân trùn quế được nông dân ưa chuộng nhất, bởi giàu dinh dưỡng, kích thích tăng trưởng của cây trồng. Phân được hấp thụ ngay một cách dễ dàng và tăng khả năng giữ nước trong đất, ngăn ngừa các bệnh về rễ. Hiện nay với diện tích 1.100m2, mỗi năm mô hình nuôi trùn quế của gia đình ông Lương cung cấp ra thị trường 200 - 250 tấn phân vi sinh. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm mang về thu nhập cho gia đình hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông Lương trồng 1,6 ha cây sả; gần 1.000 gốc bưởi Diễn, bưởi hồng... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Về phường Quảng Phú (TP Thanh Hóa) hỏi thăm ông Hoàng Như Đốc hầu như ai cũng biết, bởi ông là tấm gương NCT tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế giỏi của địa phương. Ông Đốc cho biết: Sau khi tìm hiểu thực tế tại một số địa phương, năm 2017, ông đầu tư nuôi ếch bằng lồng lưới kết hợp nuôi cá trắm, cá rô phi đầu vuông. Mô hình nuôi ếch trong lồng lưới kết hợp nuôi cá tận dụng được diện tích mặt nước sông, hồ, giảm thiểu thất thoát do ngập lụt và giải quyết được khó khăn trong khâu thu hoạch; thời gian nuôi ếch ngắn, trong vòng 2 tháng đã cho thu hoạch nên có khả năng quay vòng vốn nhanh... Với 16 ô lồng, mỗi lồng có diện tích 10m2, mỗi năm ông Đốc nuôi 5 lứa ếch thương phẩm, mỗi lứa hơn 20 nghìn con giống. Bình quân hàng năm nuôi gần 200 nghìn con ếch thịt, xuất bán 36 tấn, thu lãi hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn thu hoạch 10 tấn cá trắm, cá rô phi đầu vuông, thu lãi hơn 120 triệu đồng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, trong cuộc sống đời thường, ông luôn gương mẫu, vận động con cháu chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ông còn tích cực đóng góp nguồn lực phục vụ xây dựng các công trình công cộng ở địa phương và các phong trào do chính quyền, đoàn thể phát động; hỗ trợ, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho bà con.

Với phương châm hội viên còn sức khỏe, có điều kiện thì trực tiếp tham gia sản xuất, kinh doanh, phát triển ngành nghề, dịch vụ để tăng thu nhập cho bản thân và gia đình; hội viên sức khỏe yếu thì hướng dẫn cho con cháu về kiến thức, kinh nghiệm để phát triển kinh tế gia đình, ổn định và cải thiện cuộc sống, những năm qua, các cấp hội NCT trong tỉnh đã chủ động triển khai, phát động sâu rộng trong toàn thể cán bộ, hội viên phong trào NCT làm kinh tế giỏi. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, khai thác và phát huy thế mạnh của từng vùng sản xuất nhằm thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó giúp NCT thay đổi tập quán canh tác cũ, mạnh dạn bỏ vốn tự có hoặc vay vốn ngân hàng để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh; lựa chọn được các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng, mùa vụ, thị hiếu người tiêu dùng để đưa vào sản xuất.

Với ý chí tự lực, tự cường, bằng những kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống, NCT đã trực tiếp tham gia lao động sản xuất, động viên con cháu đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao, góp phần ổn định và nâng cao đời sống gia đình. Toàn tỉnh hiện có gần 300.000 NCT đang trực tiếp lao động sản xuất, kinh doanh với nhiều mô hình kinh tế trang trại, sản xuất vật liệu xây dựng, chế tác đá mỹ nghệ, làm đồ gốm, sản xuất đồ mộc. Qua tổng hợp, toàn tỉnh có 8.140 NCT là chủ trang trại, 14.971 người đạt danh hiệu sản xuất giỏi, thu hút hàng chục nghìn lao động có việc làm, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, NCT luôn gương mẫu đi đầu trong công tác dồn điền, đổi thửa, hiến đất làm đường giao thông và các công trình phúc lợi ở thôn, xóm, khu dân cư. Đến nay, NCT đã hiến hàng chục nghìn m2 đất, 264.989 ngày công, đóng góp 50,429 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới.

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào “NCT làm kinh tế giỏi”, trong thời gian tới, các cấp hội NCT tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm làm kinh tế; kịp thời biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình NCT làm kinh tế giỏi. Đồng thời, phát huy vai trò tổ chức hội trong chăm sóc NCT; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền chỉ đạo thực hiện tốt chế độ, chính sách của Nhà nước đối với NCT. Qua đó khuyến khích, động viên NCT phát huy trí tuệ, kinh nghiệm NCT sản xuất, kinh doanh, góp phần làm giàu cho gia đình, xã hội.

Bài và ảnh: Thanh Huê

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/nguoi-cao-tuoi-neu-guong-sang-lam-kinh-te-gioi/187665.htm