Người cao tuổi thay đổi thói quen để thích nghi với giãn cách xã hội
Trong những ngày nghỉ dịch tại nhà, bà Huệ đã biết tự mở YouTube để 'cày phim,' tìm hiểu về cách đặt mua kính chống giọt bắn qua ứng dụng online - điều mà vốn bà cực kỳ dị ứng trước đây.
Dịch bệnh COVID-19 đã và đang tạo nên nhiều thay đổi trong nhịp sống của người cao tuổi. Không chỉ bỏ nhiều thói quen cũ như ra đường tập thể dục, gặp gỡ với hàng xóm và những người bạn già khác trong khu dân cư…, nhiều thói quen mới cũng được hình thành.
Kịp thời thích nghi
“Đợt này có các cháu ở nhà nên tôi tranh thủ bảo chúng nó dạy cách mở YouTube để ‘cày phim’ ‘Gạo nếp gạo tẻ’ đấy,” bà Nguyễn Thị Huệ (phường Trung Tự, quận Đống Đa) khoái chí kể rồi cầm điều khiển lên để minh chứng.
Đã 73 tuổi, bà Huệ từng ngần ngại trước những sự thay đổi của thời đại. Bà vẫn quen gọi điện thoại bàn, chỉ xem phim có sẵn trên truyền hình cáp và đặc biệt bài trừ chuyện mua hàng online.
“Trước kia tôi cực 'dị ứng' với hàng online. Nhỡ mua phải hàng vớ vẩn rồi biết tìm ai mà bắt đền...,” bà Huệ kể. Thế nhưng mới hồi tháng Bảy, bà được cháu trai Minh Lân đặt mua cho một chiếc phin để pha càphê xay. Dùng thử thấy tốt, dần xóa bỏ định kiến về hình thức mua hàng này.
Ở mặt tích cực, dịch bệnh đang giúp thu hẹp khoảng cách trong một gia đình đa thế hệ. Khối cản trở vô hình giữa nhiều người lớn tuổi với các kỹ năng công nghệ, các tiện ích mới cũng được xóa nhòa một cách đáng kể.
Vừa theo dõi bà tự mở YouTube, Lân vừa tự hào khoe “Bây giờ bà nội em đã biết gọi điện qua các ứng dụng miễn phí, tự vào được YouTube để tìm đúng tập phim đang xem dở. Bà còn chủ động tìm mua online một số mặt hàng ít rủi ro như kính chắn giọt bắn và mũ che mặt khi ra đường… để đặt về cho cả nhà nữa đấy!”
Vì nhà chỉ rộng chưa tới 20m2, lại ở đông người nên có nhiều đồ đạc, bà Huệ khăng khăng bảo con cháu không cần mua máy tập chạy tại chỗ. Thế nhưng thời gian này, bà Huệ lại cảm thấy mệt mỏi hơn trước khá nhiều. Bà tự lý giải và cho rằng nguyên nhân nằm ở nhịp sống mới và việc giảm vận động, ngồi một chỗ xem tivi quá lâu.
Hiểu rõ dịch bệnh là điều chẳng ai mong muốn, bà Thanh Mai, 68 tuổi (đường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng) quả quyết: “Chắc chắn ai cũng bức bối vì phải ở nhà quá lâu, nhưng thà rằng bây giờ, mỗi người cố gắng một chút thì xã hội mới sớm trở lại bình thường được!”
Trước sự quyết tâm của mẹ, hồi đầu tháng Bảy, anh Việt Anh đã tức tốc mua ngay cho bà một chiếc xe đạp máy. “Trước kia mẹ tôi thường dậy sớm và ra tập thể dục ở vườn hoa Pasteur. Dịch bệnh thế này, tôi phải sắm ngay cho bà tập tại nhà,” anh Việt Anh kể.
Nhờ thế mà sáng nào, bà Mai cũng đạp máy để thay cho việc ra công viên tập. Tuy nhiên, người khó chiều lòng hơn là ông Tuấn, bố anh Việt Anh. Trước những ngày dịch bệnh, ông thường ngồi với nhiều bạn cao niên hàng xóm để đánh cờ tướng, uống nước và nói chuyện mỗi buổi sáng và chiều.
“Giờ phải ở nhà thường xuyên, lại chỉ có hai người già với nhau nên không xem tivi thì lại xem điện thoại chứ chẳng biết làm gì,” ông Tuấn cho biết, dường như có phần khó tính và hay gắt gỏng hơn so với trước kia.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc (khu dịch vụ Hàng Bè, Kiến Hưng, Hà Đông) lại chọn cho mình cách 'tập thể dục' bằng việc trồng rau trên sân thượng. Với ông, việc này không chỉ rèn luyện sức khỏe, giúp thư giãn trong cuộc sống mà còn tăng nguồn rau xanh, sạch cho gia đình.
Gia đình cần đồng hành với người cao tuổi
Từ thực trạng của người cao tuổi phải liên tục ở nhà như hiện nay, các chuyên gia nhận định cần có những phương pháp giải tỏa về thể chất cũng như sức khỏe tinh thần cho đối tượng này.
Tiến sỹ, chuyên gia tâm lý Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển xã hội khẳng định tầm quan trọng của sự đồng hành gia đình.
Bà phân tích người lớn tuổi vốn rất khó để thay đổi thói quen. Việc đột ngột ngừng tập thể dục là bỏ đi thói quen tích cực, xem tivi quá nhiều... sẽ dẫn đến tâm thế nóng nảy, bực bội, có thể thấy cả nhức, nặng đầu, cơ thể uể oải, bứt rứt....
“Chính vì vậy, con cháu cần động viên, hỏi thăm và giúp người già hình thành thói quen mới như đọc sách, gọi điện, nói chuyện và chia sẻ nhiều hơn hay cùng tập thể dục, giúp đấm lưng, bóp chân, tay... để làm dịu giảm cảm giác khó chịu của ông bà,” bà Hồng phân tích.
Bên cạnh đó, vấn đề thể chất cũng rất quan trọng và cần được duy trì nghiêm túc. Đối với trường hợp nhà chật như bà Huệ hoặc không có điều kiện mua thiết bị tập, bà Đặng Thị Tuyết với kinh nghiệm gần 40 làm trưởng trạm y tế phường Vĩnh Tuy và Lương Yên (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng không chỉ người cao tuổi, mà bất cứ độ tuổi nào cũng nên cố gắng giữ thói quen tập thể dục trong khả năng của mình.
“Về phía người cao tuổi, các ông bà nên duy trì những động tác như quay đầu, xoay người, vẩy tay… từ 100-500 lần để duy trì sức bền và sự dẻo dai cho các cơ, xương, khớp liên quan,” bà Tuyết khái quát.
Cụ thể, người cao tuổi nên tập các động tác ngả đầu sang trái, phải để khắc phục tình trạng mỏi vai, gáy; vừa xoay người, vừa vỗ tay hay vẩy tay ra phía sau là để kích thích thần kinh, tăng cường lưu thông máu tới các chi làm giảm tê bì và tỉnh cơ thể; các động tác gập bụng và xoay nửa người sẽ giúp khắc bụng một số vấn đề đau mỏi lưng…
Bà Tuyết cũng nhấn mạnh rằng khi tập thì phải đếm, nếu việc xem tivi khiến đầu óc bị phân tán và không tập trung đếm được, người tập không nên kết hợp hai việc này với nhau.
“Đếm khi tập là một thao tác hết sức đơn giản nhưng không kém phần quan trọng. Nó sẽ giúp đầu óc minh mẫn trong khi cả cơ thể được rèn luyện đồng thời kiểm soát khối lượng động tác, thời gian phù hợp với mỗi thể trạng từng người để có sự tăng giảm cho phù hợp,” bà Tuyết nhấn mạnh./.