Người cha của tôi

Khi má sắp từ giã cuộc đời nắm tay tôi và nói: Con không phải con đẻ của ba! Má xin lỗi!

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giọt nước mắt của má chảy ở hai bên khóe mắt. Ba tôi cúi xuống thì thầm vào tai má. Mắt má ánh lên nụ cười rồi trút hơi thở cuối cùng.

Tôi, thằng con trai ngoài ba mươi gào lên như đứa trẻ vì thương má, quá bất ngờ trước lời trăng trối của má. Tôi khuỵu hai đầu gối xuống, đất trời như quay cuồng, đảo lộn. Chuyện gì đang xảy ra với tôi trong suốt mấy mươi năm qua. Người cha đã yêu thương săn sóc tôi từ tấm bé đến giờ tại sao không phải cha tôi…

Ba tôi nhè nhẹ vuốt mắt cho má. Ông ôm ngực và không khóc nổi trước sự ra đi của người vợ mà ông thương yêu. Ba tôi quá đau đớn trước sự mất mát quá lớn với mình…Ba lo tang lễ cho má chu toàn. Hằng ngày, ba tôi đứng lặng trước tấm hình của má. Vài hôm, ông lại đặt bó hoa hồng trên mộ của người vợ của mình. Ông thì thầm trò chuyện như lúc má tôi còn sống. Trái tim tôi dường như bị ai bóp nghẹt, nước mắt cứ chực trào ra. Có lẽ, cả cuộc đời này không ai yêu má bằng ba. Má đã sống những năm tháng rất hạnh phúc bên người chồng của mình.

Má mất, tôi hụt hẫng chơi vơi. Tại sao má lại nói cái điều mà tôi không muốn biết với tôi. Cái thằng hàng ngày sôi nổi, bông đùa như tôi bỗng dưng như câm nín. Đất dưới chán như vỡ toạc thành từng mảnh. Bầu trời trong xanh trong tôi từ lúc thơ dại cũng loang lổ các mảng màu.

Cúng cơm cho má tròn 49 ngày, ba mới rủ tôi đến một nơi mà tôi chưa hề đặt chân đến. Đó là một vùng sông nước mênh mông toàn rừng tràm, rừng đước. Suốt dọc đường đi ba chỉ kể cho tôi nghe tình yêu của má dành cho ba. Đơn vị của ba là bộ đội chủ lực, còn má là dân quân du kích địa phương. Ba nhớ gặp má khi hai chiếc xuồng ngược chiều nhau, do có con rắn bơi ngang dòng ba mải nhìn nên chạm nhẹ vào xuồng của má. Lúc đó má mới 17 tuổi theo cha vô cứ. ..

Trong dòng hồi tưởng của người lính không bao giờ quên tiếng cười khúc khích của cô gái đã để lại ấn tượng trong anh. Tiếng cười thật hồn nhiên, trong trẻo. Sau đó, anh biết là con của chú Sáu cùng đơn vị anh mới năn nỉ cho làm quen con gái của ổng. Hai người vừa yêu nhau thì đơn vị chia một nửa tăng cường cho đơn vị bạn. Chú Sáu (ông ngoại tôi) và ba là những người trong số quân tăng cường đó.

Họ chia tay đầy bịn rịn, cô gái đã quàng chiếc khăn rằn vào cổ chàng trai có thêu chữ T (tên chữ cái đầu của má). Người lính đó ôm choàng lấy cô gái và hẹn ngày gặp lại. Cô gái bật khóc:

- Anh đi nghe!

- Anh Năm! Nhớ trở lại nghe anh!

Hai người chia tay nhau trong lưu luyến như vậy đó. Chiều hoàng hôn mặt trời đỏ rực xuyên ánh nắng qua kẽ lá xuống dòng kinh thật đẹp.

...Ba ngồi trên đầu mũi xuồng trầm ngâm. Hình như mỗi lần kể ông lại đau ở vết thương cũ. Đường gân ở thái dương giật mạnh. Tôi vội vàng tới bên cạnh và bảo:

- Thôi, ba đừng kể nữa!

Ông xua tay:

- Con cứ để ba kể. Nghe xong chuyện con sẽ thương má hơn.

Ba chậm rãi kể tiếp câu chuyện dở dang...Một thời gian sau, có tin anh đã hy sinh nhưng chưa tìm thấy xác vì tiểu đội của anh rơi vào ổ phục kích của địch. Chị ba cùng đơn vị đã báo cho cô biết. Cô quay mặt đi và khóc. Cô không muốn ai nhìn thấy mình buồn trong hoàn cảnh này. Nhiều đêm cứ khóc thầm một mình nhưng vẫn hy vọng là anh còn sống. Cô luôn cầu mong điều đó…

Nửa năm sau, trận đánh dữ dội quân ta và quân Mỹ ngụy. Máy bay rượt đi rượt lại trên một vùng. Tiếng súng nổ chói tai. Hình như cô bị ai đó đẩy ra khỏi tầm đạn của giặc. Khi ngót tiếng súng, cô hỏi mọi người nhưng không ai biết. Riêng chú Tám thì bảo:

- Hình như là Bảy Sang thì phải!

- Anh Bảy Sang du kích hả chú!

- Có lẽ thế!

Theo lời chú Tám, cô tìm Bảy Sang để cảm ơn. Anh ta cười cười:

- Không có chi.

Sau buổi gặp gỡ trò chuyện đó, thỉnh thoảng Bảy Sang ghé lại thăm cô. Rồi tình cảm của hai người dần dần thân thiết...Có lẽ cô cảm kích người cứu mình nên khi Bảy Sang ngỏ lời yêu nên cô đã đồng ý ( thực ra người cứu cô là người khác không phải anh ta). Và chuyện không mong muốn đã xảy ra. Đó là khi cô có thai thì anh ta bắt đầu lảng tránh. Cô không hiểu lí do gì mà hắn như kẻ trốn chạy. Đau khổ và tự trách bản thân mình. Cô nín lặng không nói với ai .. Trong lúc cô buồn khổ nhất thì bất ngờ anh Năm trở lại đơn vị. Anh chỉ bị thương chứ không phải hy sinh như tin đồn.

Gặp nhau mừng mừng tủi tủi nhưng cô lại giữ khoảng cách với anh. Anh gặng hỏi mãi thì cô mới nói thật. Giận Bảy Sang tím mặt nhưng anh kiềm chế. Đơn vị bắt đầu nhận nhiệm vụ mới, chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975.

Trước khi vào trận đánh lớn, anh báo cáo với đơn vị chuyện anh và cô yêu nhau, cả chuyện sắp có con nữa. Mọi người vui mừng. Anh ném về phía Bảy Sang cái nhìn khinh bỉ. ..

May mắn hai người đã được gặp lại nhau sau chiến tranh. Cô đã sinh một bé trai kháu khỉnh. Theo địa chỉ, anh về vùng sông nước đón cô lên Lâm Đồng sinh sống.

Những năm tháng sau chiến tranh, cuộc sống rất vất vả nhưng hai vợ chồng nuôi dạy con trai chu đáo, đặc biệt người cha thương con hết lòng.

Khi nghe ba kể xong câu chuyện mà cả ba và má giữ kín bấy lâu nay, tôi vừa thương má, vừa kính ba và giận người đó. Bây giờ, ba tôi cũng biết ông ta làm gì ở đâu. Ông ta từ chối má tôi vì đã yêu một người khác trước khi gặp má tôi. Nhờ gia đình nhà vợ mà ông làm giám đốc một công ty nhà nước. Nhưng cuộc sống gia đình thì không được như mong muốn. Ông ta sống với người vợ không hề hạnh phúc. ..Và ông ta cũng không bao giờ biết là chiến tranh ác liệt như thế má vẫn che chở bảo vệ tôi đến cùng.

Ba cho tôi cái quyền lựa chọn. Tôi rất muốn tung hê hết tất cả. Nhưng tôi kiềm lòng vì rất thương ba, thương người mẹ đã phải chịu bao cay đắng. Thôi, mọi thứ cứ để yên, ngủ cùng quá khứ. Đêm đó, tôi vẫn có thói quen nằm sát vào ba, nắm bàn tay gầy guộc của ông, nước mắt ứa ra.

Trở về nhà, tôi ôm bó hoa cúc đặt trên mộ má và thì thầm:

- Con chỉ có một người cha duy nhất là ba! Má yên lòng nghe!

Tháng 2- 2021

Theo Chuyện làng quê

Phạm Thúy Hậu

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-cha-cua-toi-a7893.html