Người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam

Hội viên Phụ nữ tham gia đoàn diễu hành nhân kỷ niệm Quốc khánh 2/9. Ảnh: TƯ LIỆU

Đối với dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người cha kính yêu bởi cuộc đời Người đã dành trọn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc.

Một tình yêu bao la

Trong bài thơ “Quê hương Việt Bắc” viết năm 1950, nhà thơ Nguyễn Đình Thi ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam: “Nơi đây sống một người tóc bạc/ Người không con mà có triệu con/ Nhân dân ta gọi Người là Bác/ Cả đời người là của nước non”.

Trong bài thơ “Sáng tháng năm” viết vào năm 1951, nhà thơ Tố Hữu cũng đã viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng kính yêu người cha của dân tộc Việt Nam: “Bác Hồ đó, là lòng ta yên tĩnh/ Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao!/ Giọng của Người, không phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước/ Con nghe Bác, tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau...”.

Người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam có một tình yêu bao la đối với mọi kiếp người. Trong bài thơ “Bác ơi!” viết năm 1969, nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Bác ơi, tim Bác mênh mông thế/ Ôm cả non sông, mọi kiếp người”. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời công dân Vĩnh Thụy (cựu hoàng Bảo Đại) làm cố vấn cho Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Phạm Khắc Hòe, nguyên Đổng lý văn phòng triều đình nhà Nguyễn trong cuốn hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” đã nhận xét: “Sức cảm hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật là vĩ đại! Một ông vua bị cách mạng lật đổ mà không đầy một tháng sau đã viết thư khoe với mẹ là được người lãnh đạo cách mạng ấy “thương như con”. Chỉ có lòng nhân ái bao la “rộng hơn biển cả” của Hồ Chủ tịch mới có sức cảm hóa kỳ diệu như vậy”.

Tháng 1/1947, trong lá thư chia buồn gửi bác sĩ Vũ Đình Tụng vì người con trai út Vũ Văn Thành hy sinh trong chiến đấu, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt mất đoạn ruột”.

Tình thương của Người cha kính yêu của dân tộc thể hiện rõ nhất là Người thường xuyên nhớ đến nhân dân miền Nam đang rên xiết dưới gót giày đinh của lũ thực dân hung bạo và bọn tay sai đê hèn: “Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội/ Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười!.../ Bác nhớ miền Nam, nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác, nỗi mong cha”. Bởi vậy, ngay trong tháng 9/1969, sau khi được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người cha kính yêu của dân tộc Việt Nam qua đời, 5 tộc người dân tộc thiểu số, gồm: Cơ Tu, Tà Ôi, Pa Cô, Pa Hy, Bru - Vân Kiều ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên Huế đã đổi sang họ Bác Hồ.

Trong mắt bạn bè quốc tế

Không chỉ đối với dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người cha kính yêu của những người yêu chuộng hòa bình, tiến bộ xã hội trên thế giới.

Năm 1947, trong một cuộc viếng thăm Ấn Ðộ theo lời mời của Thủ tướng Jawaharlal Nehru, Chủ tịch Hồ Chí Minh được các nhà lãnh đạo và đông đảo các tầng lớp nhân dân nước này dành cho sự yêu mến và kính trọng đặc biệt. Tại cuộc đồng diễn của hơn 3.000 thiếu nhi Ấn Ðộ chào mừng Người, các em rầm rộ hô vang: “Chacha Hồ” (Bác Hồ). Thủ tướng Nehru ngồi cạnh Người sung sướng nói vui: “Ngài là “đối thủ” đáng yêu của tôi, vì được các em gọi là Bác”. Ở Ấn Ðộ, các em thiếu nhi chỉ gọi Nehru là Bác. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thứ hai được các em thiếu nhi Ấn Độ gọi như thế.

Bà Patricia Loseby, con gái luật sư Francis Loseby, người cứu Chủ tịch Hồ Chí Minh khỏi nhà tù thực dân Anh ở HongKong vào năm 1931, xúc động kể: “Tôi được nghe kể rất nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh qua bố mẹ tôi... Bố tôi thường nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người dũng cảm và rất thú vị... Tôi quý trọng Bác Hồ như phụ thân tôi. Từ những ngày thơ ấu, tôi đã có trong tim hình ảnh về Bác Hồ”.

Nói về tình cảm của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sử học người Pháp Alain Ruscio chia sẻ: “Đây không giống như sự tôn thờ một vị Chúa trời hay một thánh nhân không thể tiếp cận. Sự kính trọng và lòng ngưỡng mộ của tôi dành cho Bác giống như của những đứa con dành cho người cha kính yêu khi được chứng kiến cuộc đời và sự nghiệp tranh đấu của Người, từ đó Người trở thành nguồn cảm hứng của tôi”. Ông Alain Ruscio cũng nguyên là phóng viên Báo Nhân Đạo (L’Humanité) của Đảng Cộng sản Pháp.

Cảm phục về tinh thần quốc tế trong sáng, cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Quyền lợi đỏ của Tiệp Khắc ngày 9/9/1989 đăng bài viết về bản Di chúc lịch sử của Người, trong đó nhấn mạnh: “Bác Hồ cùng với bản Di chúc của Người thuộc về tất cả phong trào cộng sản, công nhân và cách mạng trên thế giới. Người được liệt vào những bậc mà thân thế và sự nghiệp đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của Tổ quốc mình”.

Tại hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, TS M.Ahmed, Giám đốc UNESCO phụ trách khu vực văn hóa châu Á - Thái Bình Dương nhận định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.

Bác Hồ cùng với bản Di chúc của Người thuộc về tất cả phong trào cộng sản, công nhân và cách mạng trên thế giới. Người được liệt vào những bậc mà thân thế và sự nghiệp đã vượt ra ngoài phạm vi biên giới của Tổ quốc mình.

NGUYỄN VĂN TOÀN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/245274/nguoi-cha-kinh-yeu-cua-dan-toc-viet-nam.html