Người chăn nuôi cẩn trọng tái đàn sau tết

Người chăn nuôi bò bổ sung thức ăn nâng cao sức khỏe cho đàn bò để phòng dịch. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Đối mặt với nhiều khó khăn về giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đầu ra sản phẩm không ổn định, dịch bệnh diễn biến phức tạp… nên người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh rất cẩn trọng tái đàn sản xuất sau vụ tết.

Dè dặt tái đàn

Từ khi xuất bán hết lứa heo tết vừa rồi, gia đình bà Võ Thị Tuyết ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An) để chuồng trống gần 1 tháng mà chưa thả lứa mới. Bà Tuyết cho biết: Mọi năm, ngay sau khi xuất bán hết lứa heo tết, tôi cho nghỉ chuồng khoảng 5-7 ngày là thả lứa mới, thường thả luôn trước tết. Nhưng năm nay, giá cả bấp bênh trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt. Nuôi nguyên lứa heo tết, chăm sóc gần 4 tháng ròng, bán lỗ gần chục triệu đồng. Hiện nay heo hơi chỉ 54.000 đồng/kg, nên tôi vẫn chưa thả nuôi lứa mới.

Trong khi đó, gia đình ông Hồ Văn Tâm ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa) lại tính toán khác. Ông Tâm cho biết: Từ khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, tôi chọn cách thay đổi khẩu phần ăn cho heo. Từ nuôi bằng cám công nghiệp, tôi chuyển sang nấu cháo cho heo ăn. Tranh thủ sau giờ làm, tôi đi thu gom thức ăn thừa tại các hàng quán, nhà dân ở TP Tuy Hòa về trộn thêm rau muống, chuối cây và cám gạo nấu cháo cho heo ăn, chỉ thỉnh thoảng mới bổ sung cám tổng hợp.

Gia đình còn nuôi heo nái, tự cung cấp được con giống nên cũng tiết kiệm được khá nhiều, nhờ vậy chi phí chăn nuôi giảm đáng kể. Lứa heo tết vừa rồi, mặc dù giá bán thấp nhưng gia đình lãi được vài triệu đồng, coi như đủ ngày công lao động. “Hiện nay, gia đình tôi có 2 lứa heo tiếp vụ, một lứa đã được hơn 2 tháng, một lứa mới vào giống hơn 1 tuần. Tôi vẫn duy trì cách nuôi này, mặc dù mất nhiều thời gian và vất vả hơn, nhưng sẽ giúp mình có lãi”, ông Tâm nói.

Tương tự, hiện cũng là thời điểm các hộ nuôi gà chuồng vào giống để tái sản xuất. Sau đợt tiêu thụ mạnh dịp tết vừa qua, đàn gà giảm mạnh nên giá gà đã tăng trở lại. Hiện gà được bán với giá 75.000 đồng/kg (gà nuôi bán thả vườn), 115.000 đồng/kg (gà ta thả vườn). Đây là mức giá mơ ước của những người nuôi gà nhưng hiện nhiều người vẫn còn dè dặt tái đàn.

Theo ông Trần Văn Đoan ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), sở dĩ giá gà tăng như vậy là do đàn gà không còn nhiều, trong khi nhu cầu chơi xuân của người dân còn cao, dịch vụ ăn uống tăng mạnh. Khoảng vài tháng nữa, khi lứa gà tiếp theo đến kỳ xuất chuồng, sản lượng gà tăng cao chưa chắc còn giữ được giá này. Năm nay, ông Đoan không vào giống đồng loạt nữa mà chia nhỏ thành nhiều lứa để giảm áp lực tiêu thụ, hạn chế rủi ro.

Ông Đoan cho hay: Bình thường mỗi lứa tôi sẽ thả từ 500-700 con giống tùy thời điểm. Năm nay, tôi sẽ thả giống ít lại, mỗi lứa chỉ thả 100 con, nhưng tháng nào cũng thả. Cách làm này sẽ khiến việc chăm sóc, phân ngăn khu chuồng nuôi khó khăn và vất vả hơn rất nhiều, nhưng đổi lại, thời điểm nào cũng có gà xuất bán, được giá thì lời ít, mất giá thì cũng không thua lỗ nhiều.

Chú trọng phòng dịch

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời điểm người chăn nuôi tái đàn sản xuất cũng là lúc thời tiết trên địa bàn tỉnh có nhiều biến đổi. Nắng, mưa xen kẽ, độ ẩm tăng cao… là điều kiện thuận lợi để vi rút gây bệnh ở vật nuôi phát triển, bùng phát thành dịch gây hại đàn vật nuôi. Đặc biệt, đây là thời điểm rất thường xảy ra các loại bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả heo châu Phi… nên người chăn nuôi phải chủ động triển khai các biện pháp phòng dịch.

Bà Nguyễn Thị Tâm ở xã Hòa Thắng cho hay: Năm ngoái, ngay sau tết, đàn bò của gia đình tôi nhiễm bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng, làm 2 trong số 3 con chết, mất mấy chục triệu đồng. Để hạn chế rủi ro dịch bệnh, từ cuối tháng 9 năm ngoái, tôi đã tiêm phòng đầy đủ 3 loại vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng và viêm da nổi cục cho đàn bò, hy vọng bò có đủ miễn dịch để phòng bệnh. Ngoài ra, định kỳ mỗi tuần 2 lần, tôi sẽ phun thuốc sát trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh, cho uống bổ sung muối khoáng, vitamin và cho ăn đủ chất xơ để giúp bò nâng cao sức khỏe.

Để phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi, người chăn nuôi cần chủ động triển khai các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Trong thời điểm nhiều hộ đang tái đàn, bà con cần chú trọng đến việc lựa chọn con giống, đảm bảo con giống được chủng ngừa đầy đủ, chọn mua giống ở những trang trại giống uy tín, cần nuôi cách ly theo quy định trước khi nhập đàn…

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/293022/nguoi-chan-nuoi-can-trong-tai-dan-sau-tet.html