Người chăn nuôi e dè với vắc xin dịch tả lợn châu Phi

Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã tái bùng phát và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi. Để kiểm soát dịch bệnh, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp tiêu độc khử trùng và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, người chăn nuôi được khuyến cáo tiêm vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi vẫn còn dè dặt và thận trọng về loại vắc xin này vì nhiều lý do.

Tái phát dịch tả lợn châu Phi

Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi tái xuất hiện, bùng phát và lây lan nhanh với hàng trăm ổ dịch tại nhiều địa bàn, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Tính đến hết tháng 11/2024, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 337 hộ; 110 thôn, bản của 34 xã thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy là 1.409 con với trọng lượng 69.934kg. Các huyện có dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và thiệt hại lớn như: Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Nhé, Mường Chà và TX. Mường Lay.

Lực lượng chức năng tiêu hủy lợn chết do dịch tả lợn châu Phi tại xã Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ).

Lực lượng chức năng tiêu hủy lợn chết do dịch tả lợn châu Phi tại xã Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ).

Tại xã Thanh Luông (huyện Điện Biên) xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên vào ngày 20/4, chỉ trong thời gian ngắn, dịch bệnh đã lây lan nhanh chóng tại 50 hộ thuộc 15 bản trên địa bàn. Tính đến ngày 2/12, xã Thanh Luông đã tiêu hủy 136 con lợn (43 lợn nái, 52 lợn thịt và 41 lợn con) với tổng trọng lượng 8.138kg.

Cuối tháng 4/2024, trong đàn lợn gần 70 con của hộ ông Vũ Văn Trung, bản Thanh Bình A (xã Thanh Luông) có vài con bỏ ăn, xuất hiện mụn đỏ toàn thân. Sau đó vài hôm lợn chết. Những ngày tiếp theo, số lợn chết tăng nhanh. Nhận thấy dấu hiệu dịch bệnh, ông Trung cách ly những con lợn khỏe mạnh, tiến hành tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại và thông báo cho thú y xã xuống kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, xác định đàn lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

“Gia đình tôi đã tiêu hủy 2 con lợn nái và 8 con lợn thịt với tổng trọng lượng 932kg. Thiệt hại khoảng gần 70 triệu đồng” - ông Trung cho biết.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát, lây lan nhanh.

Chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học là nguyên nhân khiến dịch bệnh bùng phát, lây lan nhanh.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 14/8, UBND huyện Điện Biên đã ban hành Quyết định số 2320/QĐ-UBND công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Đến ngày 2/12, dịch tả lợn châu Phi đã tái phát tại 166 hộ chăn nuôi thuộc 61 bản của 13 xã. Tổng số lợn tiêu hủy là 696 con, với tổng trọng lượng 37.584kg.

Ông Vừ A Chía, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên cho biết: Đến nay, 12/13 xã đã qua 21 ngày kể từ khi có ca tiêu hủy cuối cùng; 1 xã mới qua 15 ngày chưa có thêm ca mới. Trên địa bàn xã Pa Thơm mới phát sinh 1 ổ dịch nghi là bệnh dịch tả lợn châu Phi tại bản Pa Xa Lào. Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo các xã tập trung công tác dập dịch và phòng chống dịch bệnh bùng phát dịp cuối năm.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên kiểm tra tình hình dịch tả lợn châu Phi tại xã Thanh Luông.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên kiểm tra tình hình dịch tả lợn châu Phi tại xã Thanh Luông.

Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y - Chăn nuôi và Thủy sản cho biết: Mặc dù tình hình dịch bệnh tại các huyện đã cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh thời gian tới rất cao do 95% hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là chăn nuôi nhỏ lẻ, khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Biện pháp tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi vẫn còn rất hạn chế.

E dè với vắc xin mới

Để kiểm soát dịch bệnh, cơ quan chuyên môn khuyến cáo tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn. Tuy nhiên, kể từ khi vắc xin được phép sử dụng rộng rãi đến nay, số lợn được tiêm vắc xin còn khá khiêm tốn. Người dân vẫn e dè về loại vắc xin này.

Người dân xã Thanh Luông tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại.

Người dân xã Thanh Luông tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng trại.

Nguyên nhân chính khiến nhiều hộ chăn nuôi băn khoăn là vì nhiều hộ đã tiêm phòng vắc xin nhưng lợn vẫn mắc bệnh và chết.

Cuối tháng 6/2024, hộ ông Hoàng Huy Hoàng, thôn Thanh Hòa (xã Thanh Hưng) có 30 con lợn bị chết và tiêu hủy vì dịch tả lợn châu Phi. Ông Hoàng cho biết: “Ngay từ khi mua lợn giống về nuôi (trọng lượng khoảng 10 - 12kg/con), tôi đã mua vắc xin dịch tả lợn châu Phi tiêm cho đàn lợn. Tuy nhiên, một thời gian sau, lợn vẫn bị chết vì dịch. Đến nay, mặc dù đã tái đàn mới song tôi không tiêm vắc xin vì sợ rủi ro như lần trước”.

Tương tự, hộ bà Ngô Thị Bích, thôn Việt Thanh (xã Thanh Hưng) cũng có 10 con lợn bị mắc dịch tả lợn châu Phi dù đã được tiêm phòng trước đó.

Bà Bích cho biết: “Do là vắc xin mới, tôi đã cẩn thận nhờ cán bộ thú y đến tiêm phòng song đàn lợn vẫn chết vì dịch tả lợn châu Phi. Tôi cũng không hiểu nguyên nhân tại sao?”.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên trao đổi với hộ chăn nuôi tại xã Thanh Hưng về hiệu quả tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên trao đổi với hộ chăn nuôi tại xã Thanh Hưng về hiệu quả tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi.

Sau khi tiếp nhận phản ánh của một số hộ chăn nuôi về việc tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi nhưng lợn vẫn chết do dịch bệnh, ông Vừ A Chía, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Điện Biên đã trực tiếp đến kiểm tra.

Ông Chía cho biết: “Sau khi kiểm tra tại hộ chăn nuôi Ngô Thị Bích, chúng tôi kết luận nguyên nhân lợn chết là do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Về việc tiêm phòng vắc xin, chúng tôi đã hỏi song hộ chăn nuôi không đưa ra bất cứ thông tin nào về loại vắc xin đã sử dụng. Do đó, chúng tôi đánh giá nguyên nhân dẫn đến việc tiêm phòng không hiệu quả có thể là do chất lượng vắc xin không đảm bảo hoặc công tác bảo quản vắc xin không tốt; kỹ thuật tiêm và thời điểm tiêm phòng chưa phù hợp”.

Theo khuyến cáo, vắc xin dịch tả lợn châu Phi phát huy hiệu quả với lợn thịt khi được tiêm ở giai đoạn lợn từ 4 đến 10 tuần tuổi và khi tiêm lợn phải đảm bảo hoàn toàn khỏe mạnh.

“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở cung cấp lợn giống đảm bảo chất lượng. Phần lớn người chăn nuôi mua giống lợn tại địa bàn do đó việc theo dõi tình hình sức khỏe lợn giống và tiến hành tiêm đúng tuần tuổi gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hiệu quả chưa cao” - ông Vừ A Chía chia sẻ.

Tính hiệu quả của vắc xin được xác định dựa trên độ phủ vắc xin cho tất cả đối tượng tiêm phòng và tỷ lệ tiêm phòng trên tổng đàn phải đủ lớn. Tuy nhiên, vắc xin dịch tả lợn châu Phi mới chỉ tiêm phòng được cho lợn thịt (chưa tiêm cho lợn nái và lợn đực giống - là đối tượng mang trùng bệnh chủ yếu). Đồng thời, tỷ lệ lợn được tiêm phòng rất ít. Hiện nay, mặc dù đưa ra khuyến cáo cho người chăn nuôi song Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa đưa vắc xin dịch tả lợn châu Phi vào chương trình tiêm phòng hàng năm.

Chuồng trại chăn nuôi lợn cách xa khu dân cư của hộ anh Nguyễn Thành Chung, bản Lé, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên).

Chuồng trại chăn nuôi lợn cách xa khu dân cư của hộ anh Nguyễn Thành Chung, bản Lé, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên).

Song song với lo ngại về tính hiệu quả, đa số hộ chăn nuôi đều cho rằng giá vắc xin dịch tả lợn châu Phi quá cao. Đây cũng là trở ngại lớn khiến loại vắc xin này khó được sử dụng rộng rãi.

Hiện nay, giá vắc xin dịch tả lợn châu Phi dao động từ 60.000 – 80.000 đồng/liều, cao hơn nhiều so với giá thành các loại vắc xin sử dụng cho đàn lợn. Như vậy, đối với hộ chăn nuôi từ 10 con lợn, chi phí tiêm vắc xin dịch tả lợn cũng gần 1 triệu đồng, còn với hộ chăn nuôi quy mô lớn thì hàng chục triệu đồng.

Bà Ngô Thị Bích, thôn Việt Thanh (xã Thanh Hưng) cho biết: “Gia đình tôi thường duy trì tổng đàn lợn khoảng 20 con/lứa. Chi phí tiêm vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi khoảng 1,2 – 1,6 triệu đồng/lứa. Nếu tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo thì chi phí còn nhiều hơn”.

Thực tế, để đàn lợn khỏe mạnh, chất lượng, kể từ khi bắt đầu nuôi đến khi xuất chuồng, đa phần người chăn nuôi phải tiêm nhiều loại vắc xin như: Lở mồm long móng, tụ huyết trùng, dịch tả lợn cổ điển, phòng suyễn, bệnh tai xanh, viêm da… Ước tính trung bình, chi phí vắc xin cho mỗi con lợn sẽ khoảng 200.000 đồng. Đây là khoản chi phí khá lớn trong bối cảnh từ năm 2019 đến nay, dịch bệnh liên tiếp xảy ra, người chăn nuôi liên tục thua lỗ.

Các hộ chăn nuôi tái đàn lợn phục vụ nhu cầu thịt lợn tăng cao dịp cuối năm.

Các hộ chăn nuôi tái đàn lợn phục vụ nhu cầu thịt lợn tăng cao dịp cuối năm.

Thời điểm cuối năm, trong bối cảnh dịch bệnh đã từng bước được kiểm soát và giá thịt lợn hơi đang ở mức cao (65.000 đồng/kg) thì nhu cầu tái đàn, gây đàn lợn phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Do đó, các địa phương đang có dịch xảy ra cần tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn. Đối với các xã đã qua 21 ngày không phát hiện ca mới, người dân chủ động biện pháp phòng dịch, tổ chức tái đàn an toàn, trong đó đặc biệt chú trọng việc xây dựng, bố trí chuồng trại đảm bảo điều kiện an toàn sinh học và thực hiện nghiêm việc tiêu độc khử trùng.

Bài, ảnh: Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/nguoi-chan-nuoi-e-de-voi-vac-xin-dich-ta-lon-chau-phi