Người chăn nuôi gà gặp khó

Thịt nhập khẩu giá rẻ, nguồn cung tăng giá lại giảm, đây là những nguyên nhân cơ bản làm cho ngành công nghiệp chăn nuôi gà của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó không ít hộ chăn nuôi đã tính đến giải pháp 'gác chuồng' để thoát cảnh lỗ vốn.

Theo Tổng cục Hải quan, chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã nhập khẩu tới 142.190 tấn thịt gà, trị giá hơn 120 triệu USD. Số lượng thịt gà nhập khẩu này nhiều hơn 128.000 tấn, trị giá 116 triệu USD so với lượng thịt gà nhập khẩu cả năm 2018. Trong năm 2019, Việt Nam nhập khẩu thịt gà chủ yếu từ các nước như Hoa Kỳ, Hà Lan, Ba Lan, Hàn Quốc, Nga, Brazil. Riêng thịt gà từ thị trường Hoa Kỳ là cánh gà, đùi, chân và thịt gà xay vào Việt Nam nhiều nhất với trên 62.400 tấn (48,6 triệu USD). Giá nhập khẩu đùi gà đông lạnh từ Hoa Kỳ vào thị trường Việt Nam bình quân 16.428 đồng/kg; thịt gà xay 26.180 đồng/kg, chân gà là 28.651 đồng/kg, mức giá này rẻ hơn nhiều so với giá thành của gà chăn nuôi trong nước .

Theo các chuyên gia, thịt gà nhập khẩu vào thị trường Việt Nam gần đây với số lượng lớn và giá rẻ chủ yếu là cánh, đùi, chân, gà xay và những sản phẩm này được xem là sản phẩm phụ của họ. Cũng có thể những mặt hàng này là hàng hóa đã tồn kho cần phải bán dù giá rẻ. Mặt khác, do nhiều doanh nghiệp đã nhập khẩu loại gà bị cắt chân, đầu để được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 20%, thay vì 40% như nhập khẩu gà nguyên con.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, sản lượng thịt gia cầm nước ta sản xuất trong năm 2018 ước tính trên 2 triệu tấn và hơn 15 tỷ quả trứng, đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Từ nguồn nhập khẩu thị gà giá rẻ và nguồn cung dồi dào;, giá gà, trứng gà giảm sâu đã gây ra lỗ vốn cho người chăn nuôi.

Đơn cử, tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 15,5 triệu con gia cầm, chủ yếu là gà; trong đó có 464 trang trại, chiếm 87% trên tổng đàn. Cho đến nay, ngành công nghiệp chăn nuôi gà ở Đồng Nai đã hình thành được các chuỗi liên kết khép kín từ con giống, thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Nhưng nhiều trang trại, nhất là hộ chăn gà quy mô nhỏ hiện đang đối mặt rất nhiều khó khăn, dù giá bán sản phẩm đã có nhích lên những vẫn còn thấp hơn so với giá thành sản xuất.

Theo chủ các trang trại nuôi gà công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trước đây không lâu, giá gà công nghiệp ở mức 20.000 đồng/kg, hiện nay đã lên khoảng 29.500 đồng/kg, tăng 3.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 8, mức giá này vẫn chưa có lãi. Nguyên nhân giá gà công nghiệp tăng dần lên là do từ khoảng từ đầu tháng 8 trở lại đây, lượng thịt gà nhập khẩu từ các nước đã giảm, một phần là do dịch tả lợn châu Phi kéo dài khiến cho nguồn cung của thịt lợn giảm, người tiêu dùng chuyển qua sử dụng thịt gà.

Ông Trần Bá Hạc (chủ trại chăn nuôi gia cầm ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) cho biết, hiện nay chi phí chăn nuôi một con gà tại Việt Nam vào khoảng 1,2 USD/kg, trong khi giá gà nhập khẩu từ thị trường Hoa Kỳ khoảng 1 USD/kg, như vậy người chăn nuôi trong nước khó mà cạnh tranh được nếu lượng thịt ngoại tiếp tục đổ bộ số lượng vào thị trường trong nước. Ông Huỳnh Đức Phú - chủ trại chăn nuôi gia cầm ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai - chia sẻ, ngoại trừ các doanh nghiệp FDI, trang trại chăn nuôi lớn thực hiện quy trình chăn nuôi khép kín, số còn lại vẫn chăn nuôi theo tập quán truyền thống. Không ít trại chăn nuôi gà hiện nay chưa tính toán được nhu cầu của thị trường, nhiều lúc đã tăng đàn không đúng thời vụ dẫn đến nguồn cung tăng, giá thành hạ càng tạo thêm áp lực và gây khó cho cả ngành chăn nuôi.

Trần Thế

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nguoi-chan-nuoi-ga-gap-kho-124352.html