Người chăn nuôi giảm tái đàn, kịch bản nào cho nguồn cung thịt heo cuối năm?
Mọi năm, quý IV là thời điểm người chăn nuôi tái đàn để kịp cung ứng thịt heo cho dịp cuối năm và Tết Nguyên Đán.
Nhiều hộ tạm dừng tái đàn
Tại Đồng Nai, thủ phủ chăn nuôi phía Nam, cũng là địa phương dẫn đầu cả nước với tổng đàn lợn khoảng 2,5 triệu con với gần 3.000 trại và nông hộ, hiện nay nhiều nông hộ đã tạm dừng chăn nuôi.
Nói về thực trạng này với Kinh tế đô thị, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho hay, hơn 2 tháng nay, giá heo hơi xuống rất thấp, duy trì ở mức dưới 54.000 đồng/kg, thậm chí chỉ bán được giá dao động 48.000 – 49.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi đang thua lỗ nặng.
“Hiện đang là thời điểm nhập heo chăn nuôi phục vụ dịp cuối năm và Tết nguyên đán, song do giá thấp nên bà con rất e dè nhập heo giống tái đàn. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh ở nguy cơ cao nên các hộ không mặn chăn nuôi”, ông Nguyễn Kim Đoán nói.
Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục (Hà Nam) - nơi nuôi lợn lớn nhất miền Bắc nay cũng rất ít người đưa con giống về. Trao đổi với Vneconomy, ông Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, cho biết giá lợn hơi đang giảm sâu nên người dân không tái đàn. “Hiện tổng đàn lợn toàn xã Ngọc Lũ có khoảng 12.000 – 13.000 con của hơn 300 trang trại, hộ gia đình chăn nuôi, giảm hơn 80% so với đầu năm. Nhiều gia đình đã đầu tư trang trại hàng trăm triệu, thậm chỉ hàng tỷ đồng giờ bỏ không đi làm công nhân các khu công nghiệp. Có những gia đình cộng từ số nợ cũ trước đây với nợ mới nên đã phải giao bán nhà, đất.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 9/2023, sản lượng thịt lợn hơi đạt trên 3,63 triệu tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Chăn nuôi, cho biết vào giữa năm, giá lợn hơi xuất chuồng tăng, có lúc vượt trên 65.000 đồng/kg. Thế nhưng từ cuối tháng 9 đến nay, giá lợn hơi xuất chuồng bất ngờ “quay đầu” giảm mạnh.
Giá lợn hơi trên cả nước giảm do tình hình dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở một số vùng khiến người dân bán lượng lợn lớn ra thị trường, nên giá có sự chênh lệch giữa các vùng. Trong khi đó, sức mua vẫn chưa có nhiều cải thiện do người dân tiết kiệm chi tiêu. Ngày 8/10, giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc dao động trong 48.000 - 53.000 đồng/kg; khu vực miền Trung có giá 51.000 - 53.000 đồng/kg; miền Nam giá từ 49.000 - 54.000 đồng/kg.
“Với giá quanh mốc 54.000 đồng/kg trở xuống thì người chăn nuôi không có lãi, nếu xuống dưới mốc 50.000 đồng/kg thì chắc chắn là người chăn nuôi thua lỗ. Tuy vậy, chúng ta phải chấp nhận khi thị trường lên thì chúng ta thắng lợi, khi thị trường xuống thì chúng ta cũng phải chấp nhận rủi ro. Ở góc độ quản lý Nhà nước, Cục Chăn nuôi chỉ kiểm soát về tổng đàn, tăng cường chất lượng, giám sát đầu vào, nguyên liệu, chứ không thể can thiệp vào giá bán các sản phẩm chăn nuôi”, ông Thắng chia sẻ.
Đảm bảo nguồn cung
Về việc người chăn nuôi giảm tái đàn vào thời điểm này, khiến dư luận lo ngại dịp Tết Nguyên đán 2024 tới sẽ thiếu thịt lợn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà quản lý nhận định, sẽ không tình trạng thiếu hụt thịt lợn cuối năm và dịp Tết 2024, bởi khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do với các nước trên thế giới và khu vực sẽ có sự trao đổi hàng hóa.
Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn đang giảm do thu nhập hạn chế, dẫn đến giá thịt lợn nhập về sẽ không quá cao, phù hợp với người tiêu dùng trong nước.
Ông Dương Tất Thắng phân tích, khi nền kinh tế hạn chế, chi tiêu sẽ cắt giảm theo. Trong khi đó, tổng đàn lợn cả nước hiện còn gần 27 triệu con, cùng với các loại thực phẩm khác như thịt gà, thịt bò, trứng, thủy, hải sản. Do vậy, tổng đàn lợn và các loại thực phẩm chắc chắn đảm bảo nguồn cung cho 100 triệu dân Việt Nam từ nay đến hết tháng 2/2024.
Để bảo đảm nguồn cung thịt lợn trong mọi tình huống, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương và các địa phương tăng cường theo sát diễn biến cung - cầu mặt hàng thịt lợn nhằm tránh xảy ra đột biến cục bộ về giá, theo dõi chất lượng và giá thức ăn chăn nuôi để có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khuyến cáo, để ổn định chăn nuôi lợn trong nước, nhất là từ nay đến cuối năm, các địa phương cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm, trong đó có mặt hàng lợn hơi thịt lợn; đặc biệt là tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới.
Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển nhập lậu sản phẩm động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật.
Hương Anh (t/h)