Người chăn nuôi lợn ở Hà Nam kêu cứu

Do giá lợn hơi giảm mạnh khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng, nhiều hộ không có khả năng trả nợ ngân hàng và các đại lý thức ăn, tại Hà Nam, nơi được coi là thủ phủ ngành chăn nuôi lợn phía bắc, hơn 10% số hộ chăn nuôi đã phải bỏ chuồng, phá sản, kêu cứu…

Hằng ngày, tại chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam (Bình Lục - Hà Nam), lợn được thu mua với số lượng ít để mang đi các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh.

Hằng ngày, tại chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam (Bình Lục - Hà Nam), lợn được thu mua với số lượng ít để mang đi các tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh.

Giá lợn chạm đáy

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hà Nam, hiện toàn tỉnh có hơn 281 nghìn hộ chăn nuôi lợn với hơn 507 nghìn con lợn thịt. Tại Lý Nhân, một trong hai huyện có số lượng đàn lợn lớn nhất tỉnh, tỷ lệ hộ chăn nuôi chiếm khoảng 80%. Hiện tổng đàn lợn của huyện có khoảng 354 nghìn con, trong đó lợn thịt chiếm khoảng 208 nghìn con. Với giá lợn thịt xuất chuồng như hiện nay, khoảng 15 nghìn đồng/kg, mỗi con lợn người dân chịu lỗ trung bình 1,8 đến 2 triệu đồng. Nhiều hộ dân xót của trực tiếp mổ lợn mang ra chợ, hoặc bày ven đường nơi đông dân cư bán, tăng thêm được vài nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được như thế, phần lớn các hộ chọn cách giảm khẩu phần ăn của lợn còn 50% so với mức cũ, hoặc bán rẻ cho tư thương, chấp nhận lỗ.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ giữa xóm 2, xã Nhân Khang (Lý Nhân), ông Ðỗ Hữu Thăng lắc đầu: Chưa bao giờ người nuôi lợn lâm vào tình cảnh bi đát này. Nhà tôi mới xuất chuồng 20 con lợn thịt, trọng lượng 120 kg/con với giá 15 nghìn đồng/kg, lỗ
20 triệu đồng. Ðó là do nhà tôi tự túc được lợn giống, chứ như nhiều hộ khác, nuôi hàng trăm con, mua giống bên ngoài, giờ bán lỗ không dưới hai triệu đồng/con. Ông Hoàng Văn Hùng ở xóm 2, nuôi 100 con lợn thịt, mới bán được 50 con, chịu lỗ gần trăm triệu đồng; anh Nguyễn Thành Nam ở xóm 5, bán cả đàn, lỗ hơn hai triệu đồng/con; anh Nguyễn Văn Thưởng ở xã Nhân Bình, mua 30 con loại 42 kg/con để vỗ béo với giá 3,2 triệu đồng/con, sau hơn bốn tháng, lợn đạt trọng lượng 150 kg, thương lái mua mỗi con bằng giá 3,2 triệu đồng, lỗ 2,5 triệu đồng/con… Theo ông Thăng, đây đã là lứa lợn thứ hai các hộ dân chịu lỗ kể từ tháng 10-2016. Cứ đà này, hộ nuôi từ 100 con trở lên chắc chắn sẽ phá sản. Ðã có nhà bỏ cả đàn lợn, giao khóa nhà cho chủ đại lý cám rồi kéo nhau vào các tỉnh phía nam làm ăn vì không có tiền trả nợ. Các hộ mua bán lợn giống trước đây ra giá mỗi con lợn 10 kg gần hai triệu đồng, nay năn nỉ người nuôi với giá 100 nghìn đồng mà không ai mua. Ở nhiều vùng, đã xuất hiện xác lợn chết trôi nổi trên sông gây ô nhiễm môi trường, làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh cho người và gia súc…

Tại xã Ngọc Lũ (Bình Lục), một trong những trung tâm chăn nuôi lợn lớn nhất tỉnh Hà Nam, những năm trước khi giá lợn cao, nhiều gia đình đã giàu lên nhanh chóng, thì nay nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Lợn xuất chuồng không bán được, các khoản nợ ngân hàng, nợ đại lý cám cứ ngày một nhiều. Cũng do giá lợn hơi xuống quá thấp, các đại lý thức ăn gia súc đều từ chối xuất hàng nếu hộ chăn nuôi không thanh toán ngay. Nhiều đại lý cũng phải nợ nhà sản xuất hoặc không còn vốn để nhập thức ăn về bán, do các hộ chăn nuôi nợ tiền. Nhiều đàn lợn bị giảm phần ăn đến mức thấp nhất có thể để giảm chi phí. Một số thương lái đã lợi dụng tình hình, tìm mọi cách ép giá, buộc các hộ dân bán với giá rẻ mạt. Ước tính trong đợt giảm giá này, các hộ chăn nuôi lợn ở Ngọc Lũ thất thu ít nhất gần 200 tỷ đồng. Nhiều hộ chăn nuôi số lượng lớn hầu như không còn khả năng tái tổ chức chăn nuôi do thua lỗ, nợ nần.

Tình trạng đìu hiu, vắng vẻ tại chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam ở xã Bối Cầu (Bình Lục) phản ánh rõ nhất tình cảnh của ngành chăn nuôi nơi đây. Vào thời điểm lợn được giá, tại đây mỗi ngày có khoảng ba nghìn con được tư thương chở đi, nay chỉ còn khoảng ba trăm con/ngày, chủ yếu là người buôn bán nhỏ mang đi phân phối ở các tỉnh lân cận.

Sớm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người chăn nuôi

Theo đồng chí Cao Ðình Ðoàn, Trưởng phòng NN và PTNT huyện Lý Nhân, hiện nay, huyện chưa có giải pháp nào để hỗ trợ người dân ngoài việc tăng cường vận động, tuyên truyền các hộ giảm đàn lợn; các gia trại và trang trại cố gắng duy trì hoặc giảm nhẹ quy mô đàn với hy vọng giá lợn sẽ tăng trong thời gian tới. Phòng NN và PTNT huyện tham mưu cho UBND huyện nhanh chóng triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể ngành chăn nuôi, phát triển chăn nuôi tập trung, xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ, tránh tình trạng chăn nuôi phát triển ồ ạt. Các đại lý thức ăn chăn nuôi trong huyện cũng khuyến mại tặng lợn giống cho các hộ muốn tái đàn, nhưng phải cam kết lấy cám lâu dài.

Việc giá lợn xuống thấp kỷ lục như hiện nay có nguyên nhân chính là phía đối tác dừng nhập khẩu. Do hầu hết thương lái xuất lợn theo đường tiểu ngạch cho nên việc can thiệp ở tầm vĩ mô là rất hạn chế. Tuy nhiên, cũng phải kể đến nguyên nhân về quản lý, định hướng, quy hoạch ngành nghề của ngành nông nghiệp cũng như các địa phương. Riêng với Hà Nam, phần lớn người chăn nuôi tự phát, phát triển thiếu chiều sâu, không có thị trường ổn định, thiếu giải pháp thay thế… cho nên khi đối tác dừng nhập khẩu đã làm hàng trăm nghìn hộ dân điêu đứng, cả ngành chăn nuôi chủ lực của địa phương có nguy cơ "vỡ trận".

Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Hà Nam Nguyễn Mạnh Hùng khuyến cáo: Người chăn nuôi cần bình tĩnh, tìm giải pháp về nguồn thức ăn để duy trì đàn lợn. Ngoài ra, các hộ nên giảm đầu lợn nái để hạn chế giống. Khuyến khích, kích cầu người tiêu dùng tiêu thụ lợn ngay trong nội địa. Về lâu dài, Sở NN và PTNT tỉnh Hà Nam đã xây dựng xong quy hoạch phát triển nông nghiệp nhằm cân đối, phát triển đàn lợn phù hợp, không để phát triển nóng như thời gian vừa qua. Bài học rút ra cho người chăn nuôi trong thời điểm này là trong quy trình sản xuất cũng như kinh doanh, người dân cần cân đối được ít nhất 50% nguồn vốn để hạn chế được những rủi ro khi giá cả thị trường bấp bênh.

"Ðể chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, trước mắt cần hạ ngay các yếu tố đầu vào như: cám, thuốc thú y… Phải tổ chức lại ngành hàng sản xuất, mở rộng chăn nuôi tập trung. Chăn nuôi nông hộ phải được tổ chức lại dưới dạng tổ, đội, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ… giảm đầu vào, có kế hoạch đầu ra, củng cố kỹ thuật".

NGUYỄN XUÂN CƯỜNG

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bài, ảnh: THƯỜNG HIẾU và ĐÀO PHƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/32756502-nguoi-chan-nuoi-lon-o-ha-nam-keu-cuu.html