Người chăn nuôi mòn mỏi chờ nhận tiền hỗ trợ sau dịch bệnh

Đã là năm thứ 4 kể từ khi dịch bệnh xảy ra, đến nay người chăn nuôi ở Nghệ An vẫn mỏi mòn chờ tiền hỗ trợ sau dịch bệnh. Nhiều hộ đã buộc phải để trống chuồng.

“Trắng tay” do dịch

Trước Tết Nguyên đán 2023, ông Nguyễn Văn Phúc ở xóm Trung Long, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương vội vàng làm đơn sau khi nghe nói sẽ được nhận tiền hỗ trợ đàn lợn đã bị tiêu hủy của gia đình.

Những năm qua, người chăn nuôi ở xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương đã chịu nhiều thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Phú Hương

Những năm qua, người chăn nuôi ở xã Thanh Lĩnh, Thanh Chương đã chịu nhiều thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: Phú Hương

Năm 2021, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã làm 4 con lợn đực giống và 1 con lợn mẹ, trị giá hơn 200 triệu đồng của gia đình ông bị dịch và buộc phải tiêu hủy. Một năm sau ông vay mượn 50 triệu đồng tái lại đàn lợn thịt. Thế nhưng, nuôi được 6 tháng, đến tháng 7/2023 khi đàn lợn đã chuẩn bị cho xuất chuồng, gia đình ông lại tiếp tục “trắng tay” cũng do dịch tả lợn châu Phi.

Giá lợn đang đà tăng mạnh, tôi cũng muốn nuôi lắm nhưng đã sạch vốn, chỉ trong thời gian ngắn mất trắng mấy trăm triệu đồng, nhà nông như vậy là kiệt sức rồi.

Ông Nguyễn Văn Phúc, xóm Trung Long, xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương

Chỉ trong 3 năm 2021- 2023, huyện Thanh Chương đã buộc phải tiêu hủy đàn lợn có tổng trọng lượng lên tới trên 587.666kg và số tiền được hỗ trợ, theo thống kê, lên tới hơn 22,330 tỷ đồng. Trong năm 2021, trên địa bàn huyện cũng có 467 con trâu, bò phải tiêu hủy do bệnh viêm da nổi cục.

Theo ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện, hiện dịch bệnh cơ bản đã được khống chế nhưng hậu quả để lại quá nặng nề. Việc tái đàn rất khó khăn trong bối cảnh thu nhập của nông dân chủ yếu nhờ vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi.

“Huyện đã chỉ đạo các xã, các hộ dân bị thiệt hại do bệnh dịch hoàn thiện hồ sơ để sớm được phân bổ kinh phí, tạo điều kiện đầu tư tái sản xuất”, ông Lê Đình Thanh cho biết.

Tại huyện Hưng Nguyên, theo bà Bá Thị Dung - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trong 2 năm 2021- 2022, trên địa bàn có 1.493 con lợn phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổng trọng lượng hơn 97.000 kg. Tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 3,786 tỷ đồng, trong đó hơn 3,711 tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại và 74,6 triệu đồng hỗ trợ kinh phí tiêu hủy.

Người chăn nuôi tập trung các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn. Ảnh: Phú Hương

Người chăn nuôi tập trung các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn. Ảnh: Phú Hương

Cũng như tại các địa phương khác, đến nay sau 4 năm bị dịch bệnh, người chăn nuôi trên địa bàn huyện Hưng Nguyên vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ.

“Đó cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến tổng đàn vật nuôi bị giảm khá mạnh. Năm 2020, tổng đàn lợn của huyện là 13.806 con thì hiện tại chỉ còn 8.400 con, mặc dù giá lợn hơi thời gian qua biến động tăng nhưng người dân vẫn bỏ chuồng nhiều”, bà Bá Thị Dung chia sẻ.

Bao giờ người chăn nuôi sẽ được hỗ trợ?

Bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi là những loại bệnh mới xuất hiện trên địa bàn tỉnh ta những năm gần đây, trong đó bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện từ năm 2019 và gây những thiệt hại quá nặng nề.

Ngay trong 2 năm 2019 và 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có 2 quyết định đặc thù, quy định về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Từ đó, Nghệ An đã chi trả 100% kinh phí hỗ trợ cho các chủ hộ chăn nuôi có lợn bị bệnh phải tiêu hủy, với số tiền hơn 150 tỷ đồng.

Tiêu hủy dịch tả lợn châu Phi tại Đô Lương. Ảnh tư liệu: Quang An

Tiêu hủy dịch tả lợn châu Phi tại Đô Lương. Ảnh tư liệu: Quang An

Trong 2 năm 2021- 2022, Nghệ An đã có 2.400 con trâu, bò buộc phải tiêu hủy vì bệnh viêm da nổi cục. Bên cạnh đó, từ năm 2021- 2023, toàn tỉnh cũng xảy ra 707 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 21 huyện, thành, thị; có 53.386 con lợn phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 3.046.971 kg. Theo đơn giá hỗ trợ được quy định tại Nghị định 02 năm 2017 của Chính phủ thì tổng kinh phí hỗ trợ lên tới hơn 115,784 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Văn Minh, Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh: Từ năm 2021 trở đi, không chỉ Nghệ An mà trên địa bàn cả nước, tiền hỗ trợ chưa đến được tay người chăn nuôi. Nguyên nhân do một số quy định tại Nghị định 02 chưa được sửa đổi, 2 loại bệnh mới này chưa được đưa vào danh mục các đối tượng được hỗ trợ tại nghị định. Cộng thêm việc cả nước phải tập trung mọi nguồn lực, gồng mình chống dịch Covid-19 nên chính sách vẫn chưa được thông qua để thực hiện. Bước sang năm 2023, rất nhiều địa phương đã có kiến nghị về vấn đề này, đây cũng là nội dung được đưa ra bàn bạc tại các diễn đàn của Quốc hội.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh dịch tả lợn châu Phi và bệnh viêm da nổi cục, ngày 3/11/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 9496 chỉ đạo triển khai thực hiện hoàn tất hồ sơ nhằm chi trả số tiền hỗ trợ đến tay người chăn nuôi.

Theo đó, sẽ tổ chức hỗ trợ trực tiếp cho các hộ chăn nuôi có gia súc phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch và bắt buộc phải tiêu hủy.

Chăn nuôi tập trung, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ là biện pháp quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn. Ảnh: Phú Hương

Chăn nuôi tập trung, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ là biện pháp quan trọng hàng đầu trong phòng, chống dịch bệnh trên đàn lợn. Ảnh: Phú Hương

Ông Đặng Văn Minh cho biết: Những đối tượng nằm trong diện được hỗ trợ là lợn bị bệnh dịch tả lợn châu Phi từ ngày 01/01/2021, trâu, bò bị bệnh viêm da nổi cục từ ngày 27/9/2021 đến nay. Mức giá hỗ trợ là 38.000 đồng/kg hơi đối với lợn; 45.000 đồng/kg hơi đối với trâu, bò. Trong đó, 90% kinh phí do Trung ương hỗ trợ, 10% còn lại từ ngân sách địa phương.

Tổng kinh phí hỗ trợ thiệt hại do người chăn nuôi lên tới 11.784 tỷ đồng. Đồ họa: Hữu Quân

Tổng kinh phí hỗ trợ thiệt hại do người chăn nuôi lên tới 11.784 tỷ đồng. Đồ họa: Hữu Quân

Đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kiểm tra xong hồ sơ và đã trình được 12 đơn vị gồm: Thị xã Thái Hòa, Nghĩa Đàn, thị xã Cửa lò, thị xã Hoàng Mai, Quỳ Châu, Nam Đàn, thành phố Vinh, Tương Dương, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Quỳ Hợp và Tân Kỳ. Có 8 huyện đã nộp hồ sơ và đang kiểm tra tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y là Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc, Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn, Quế Phong, Kỳ Sơn và Con Cuông.

Ngoài khó khăn cho người dân trong đầu tư tái đàn, chính sách thực hiện chậm còn ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch bệnh do người chăn nuôi sẽ dễ giấu dịch, bán chạy, làm mầm bệnh phát tán trên diện rộng. Nguồn hỗ trợ không kịp thời cũng làm hạn chế hiệu quả, ý nghĩa của chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất sau dịch bệnh. Vì thế, khi chính sách được triển khai, sẽ là động lực, hỗ trợ người dân có điều kiện tái đàn, phát triển chăn nuôi trên địa bàn.

Ông Đặng Văn Minh - Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An

Phú Hương

Nguồn Nghệ An: https://baonghean.vn/nguoi-chan-nuoi-mon-moi-cho-nhan-tien-ho-tro-sau-dich-benh-10273600.html