Người chăn nuôi nhận thức hạn chế, công tác chống dịch chưa quyết liệt

Sau mấy năm bệnh dịch tả lợn châu Phi ở nước ta được khống chế, ngăn chặn hiệu quả, thế nhưng giờ đây lại đang đứng trước nguy cơ bùng phát, lây lan diện rộng. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Dịch đang diễn biến trầm trọng

Bà Chu Thị Thê - một hộ chăn nuôi ở thôn Nà Cưởm, xã Dương Quang, TP Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn nặng trĩu nỗi buồn. Hơn 20 con lợn trị giá hàng chục triệu đồng của gia đình buộc phải tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Không riêng gia đình bà Thê, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở tỉnh Bắc Kạn cũng buộc phải tiêu hủy lợn do mắc bệnh.

"Cơn bão" bệnh dịch tả lợn châu Phi quét qua tỉnh Bắc Kạn khiến nhiều hộ chăn nuôi ở nơi đây lâm vào cảnh khốn đốn. Các hộ chăn nuôi đều bày tỏ mong muốn được Nhà nước hỗ trợ phần nào để giảm bớt khó khăn, thiệt hại, khi dịch bệnh qua đi sẽ có được một phần vốn để tái chăn nuôi.

 Tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi ở xã Dương Sơn, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Báo Bắc Kạn

Tiêu hủy lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi ở xã Dương Sơn, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Báo Bắc Kạn

Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại ở nhiều địa phương thuộc 21 tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt diễn biến phức tạp và trầm trọng ở 4 tỉnh: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình. Chỉ tính riêng ở 4 tỉnh trên, từ đầu năm 2024 đến nay đã buộc phải tiêu hủy 18.200 con lợn do mắc bệnh. Dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng nhất tại tỉnh Bắc Kạn. Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh xảy ra ở hơn 90% địa phương cấp xã của tất cả 8/8 địa bàn huyện, thành phố của tỉnh, buộc tiêu hủy gần 11.300 con lợn, chiếm hơn 40% số lợn bị tiêu hủy của cả nước.

Ông Phan Quang Minh, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm diễn biến khá phức tạp, số ổ dịch và số gia súc mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có chiều hướng gia tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2023, riêng bệnh dịch tả lợn châu Phí, số ổ dịch tăng 2,4 lần. Trước tình hình dịch bệnh có nguy cơ lây lan rộng, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn khẩn gửi các địa phương trên đề nghị tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Vì sao dịch lây lan nhanh và ngày càng rộng?

Câu hỏi đặt ra lúc này là vì sao đã có vaccine mà bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn bùng phát ở một số địa phương và có nguy cơ lan rộng?

Theo các chuyên gia thú y, có nhiều nguyên nhân khiến bệnh lây lan ngày càng rộng, nguyên nhân đầu tiên phải kể tới là việc công bố dịch và tổ chức chống dịch ở các địa phương nêu trên chưa tuân thủ đúng quy định. Tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, nghi mắc bệnh, người mua lợn và phương tiện vận chuyển lợn làm dịch bệnh lây lan diện rộng. Cùng với đó, nhiều người chăn nuôi chưa áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, sát trùng, tiêu độc và thực hành chăn nuôi an toàn sinh học.

Hệ thống thú y từ cấp huyện đến cấp xã đều đang rất thiếu, yếu, do đó dẫn đến tình trạng công tác giám sát, phát hiện, báo cáo dịch bệnh chưa kịp thời. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ thú y ở cơ sở, đặc biệt ở cấp xã vừa yếu, vừa thiếu, dẫn đến việc lấy mẫu xét nghiệm để giết mổ, quản lý giết mổ, kiểm dịch vận chuyển trong vùng dịch chưa thực hiện đúng quy định. Cũng do vừa yếu và thiếu sự tham mưu của ngành thú y ở địa phương, đặc biệt ở cấp xã càng khiến chính quyền địa phương lúng túng, thiếu kiên quyết trong triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, phòng, chống dịch bệnh...

Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y thẳng thắn nhận xét: Bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh ở các địa phương có nguyên nhân chính là do người chăn nuôi chủ quan, không tiêm phòng vaccine cho lợn, trong khi đó chính quyền địa phương lại chưa thực sự quan tâm đến công tác phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Vì vậy, mặc dù đã có vaccine phòng bệnh và một số địa phương trong cả nước đã sử dụng, cho kết quả tốt, bảo vệ được đàn lợn, nhưng người chăn nuôi ở nhiều địa phương vẫn chưa hiểu được ý nghĩa và hiệu quả của việc tiêm phòng vaccine cho đàn lợn nên vẫn thờ ơ, chưa mặn mà.

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bùng phát ra các địa phương khác, bảo vệ ngành chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong thời gian tới rất cần chính quyền ở các địa phương đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi tập trung nguồn lực kịp thời hỗ trợ, bố trí kinh phí cho chính quyền cấp xã xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổng vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc (bằng vôi bột, hóa chất...).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, chính quyền các địa phương đang xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp bán chạy, buôn bán, vận chuyển lợn bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác lợn chết ra môi trường làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường; kiểm tra, giám sát việc giết mổ, kiểm dịch vận chuyển lợn trong vùng dịch theo đúng quy định. Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất chuồng nuôi và khu vực xung quanh.

Riêng đối với chủ hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy do dịch bệnh, yêu cầu phải thực hiện đầy đủ việc sát trùng, vệ sinh, tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh, không để phát tán làm lây lan dịch bệnh. Rà soát, yêu cầu các lực lượng tham gia chống dịch áp dụng nghiêm các biện pháp bảo hộ cá nhân, vệ sinh, sát trùng, tiêu độc để không làm lây lan dịch bệnh trong quá trình xử lý, vận chuyển, tiêu hủy lợn bệnh; có biện pháp xử lý các hố chôn lợn bệnh, không để ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, thực hiện tiêm phòng vaccine cho đàn lợn được xem là giải pháp hữu hiệu phòng, chống, ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát, lây lan rộng, bảo vệ chăn nuôi phát triển.

NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nguoi-chan-nuoi-nhan-thuc-han-che-cong-tac-chong-dich-chua-quyet-liet-783788