Người châu Á thực hiện cuộc di cư tiền sử dài nhất lịch sử nhân loại

Một nghiên cứu di truyền học quốc tế do các nhà khoa học từ Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore (NTU Singapore) dẫn đầu đã tiết lộ rằng người châu Á cổ đại đã thực hiện cuộc di cư tiền sử dài nhất trong lịch sử loài người.

Những con người tiền sử này, sống cách đây hơn 100.000 năm, được cho là đã di chuyển hơn 20.000 km bằng đường bộ từ Bắc Á đến tận cùng Nam Mỹ.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, phân tích dữ liệu trình tự DNA từ 1.537 cá nhân đại diện cho 139 nhóm dân tộc khác nhau, với sự tham gia của 48 tác giả từ 22 tổ chức trên khắp châu Á, châu Âu và châu Mỹ.

Các nhà nghiên cứu đã truy tìm hành trình di cư cổ đại bắt đầu từ châu Phi, qua Bắc Á và kết thúc tại Tierra del Fuego (Vùng đất Lửa) ở Argentina ngày nay - được coi là ranh giới cuối cùng của sự di cư của con người trên Trái đất. Bằng cách so sánh các mẫu di truyền chung và biến đổi gen tích lũy theo thời gian, nhóm nghiên cứu đã tái tạo các tuyến đường di cư cổ đại và ước tính thời điểm các quần thể phân tách.

Những người di cư đầu tiên này đến mũi Tây Bắc của Nam Mỹ, nơi Panama hiện đại tiếp giáp Colombia, khoảng 14.000 năm trước. Từ điểm then chốt này, dân số phân chia thành bốn nhóm chính: một nhóm ở lại lưu vực Amazon, trong khi các nhóm khác di chuyển về phía Đông đến vùng Dry Chaco và về phía Nam đến các cánh đồng băng Patagonia.

Giáo sư Kim Hie Lim từ Trường Môi trường Châu Á NTU giải thích rằng hành trình gian khổ kéo dài hàng nghìn năm đã làm giảm đa dạng di truyền của quần thể di cư. "Điều này có thể giải thích tại sao một số cộng đồng bản địa dễ mắc bệnh tật hơn khi tiếp xúc với người nhập cư sau này, như thực dân châu Âu."

Nghiên cứu cũng cho thấy sự đa dạng di truyền lớn hơn được tìm thấy ở các quần thể châu Á, không phải châu Âu như giả định trước đây. Điều này đặt lại nền tảng cho nghiên cứu trong tương lai về sự tiến hóa của con người và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường đại diện của các quần thể châu Á trong nghiên cứu di truyền.

Những phát hiện này giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cấu trúc di truyền của người Mỹ bản địa và hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách bảo vệ và bảo tồn tốt hơn các cộng đồng bản địa. Nghiên cứu cũng chứng minh cách các công cụ gen học tiên tiến và hợp tác toàn cầu có thể làm sâu sắc thêm hiểu biết của nhân loại về sự tiến hóa và thúc đẩy các đột phá y học và khoa học trong tương lai.

Thanh Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/nguoi-chau-a-thuc-hien-cuoc-di-cu-tien-su-dai-nhat-lich-su-nhan-loai-20250519070307823.htm