Người chế tác những sa bàn độc đáo
Từ những bức vẽ trên giấy, họa sĩ Lê Xuân Giang, 36 tuổi, đã tái hiện sinh động những cuộc hành quân của đoàn quân giải phóng; khắc họa con người ở đất nước hình chữ S ở bất cứ hoàn cảnh nào vẫn mạnh mẽ, kiên cường và đầy tình yêu thương qua các tác phẩm sa bàn độc đáo...
Từ những bức vẽ trên giấy, họa sĩ Lê Xuân Giang, 36 tuổi, đã tái hiện sinh động những cuộc hành quân của đoàn quân giải phóng; khắc họa con người ở đất nước hình chữ S ở bất cứ hoàn cảnh nào vẫn mạnh mẽ, kiên cường và đầy tình yêu thương qua các tác phẩm sa bàn độc đáo...
Xưởng sa bàn của họa sĩ Lê Xuân Giang là căn phòng rộng chừng 15 m2 nằm trên đường Vạn Kiếp (quận Bình Thạnh) chứa đầy các công cụ, mô hình sa bàn do chính anh tạo nên. Tỷ mẩn, cẩn thận chỉnh sửa từng chi tiết cho nhân vật anh Bộ đội Cụ Hồ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, anh Giang bộc bạch, chính sa bàn đã giúp anh nuôi dưỡng niềm đam mê lịch sử ngày càng lớn hơn.
Năm 2010, tình cờ vào hiệu sách thấy bày bán những mô hình khí tài quân sự, anh mua về tìm tòi. Lâu dần, anh thấy mô hình có thể nâng lên tầm tác phẩm nghệ thuật, có không gian, chiều sâu câu chuyện, nhất là có thể chuyển những góc nhìn, cảm nhận của họa sĩ mà tranh vẽ chưa thể hiện được. Và cơ duyên đến với bộ môn chế tác sa bàn của Giang bắt đầu từ đó.
“Từ đam mê sa bàn, tôi yêu thích bộ môn lịch sử. Phải am hiểu lịch sử mới tạo ra các sa bàn chân thật nhất, có hồn nhất và phải thật chính xác. Vậy là tôi tìm tài liệu để học lịch sử, vừa học, vừa nghiên cứu và thực hành. Đây là một cách học lịch sử nhanh nhất và rất sinh động, trực quan chứ không khô khan như nhiều người vẫn nói”, họa sĩ Lê Xuân Giang chia sẻ.
Sa bàn là những mô hình thu nhỏ theo một tỷ lệ nhất định. Có rất nhiều loại sa bàn như sa bàn quân sự, sa bàn kiến trúc, sa bàn nội thất... nhưng sa bàn khiến họa sĩ Lê Xuân Giang say mê, gửi gắm nhiều tâm huyết nhất là sa bàn về các cuộc chiến tranh trong lịch sử ở Việt Nam và thế giới. Sở trường của anh là mô hình Bộ đội Cụ Hồ. Anh tâm sự, để làm mô hình bộ đội, đầu tiên là tạo bộ khung xương bằng dây thép giúp cho mô hình đứng vững, chắc chắn. Kế đến là dùng đất sét tự khô để tạo hình nhân vật, vẽ mắt, mũi. Cuối cùng là sơn phết. Nói thì đơn giản vậy nhưng do kích thước mô hình rất nhỏ, người sáng tạo phải rất tập trung, chăm chú, tỉ mỉ mới thể hiện thành công thần thái, biểu cảm cũng như dáng vẻ anh hùng của nhân vật.
Chế tác sa bàn hơn 10 năm nay, họa sĩ Lê Xuân Giang đã có nhiều tác phẩm, trong đó, đề tài về Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 được anh tái hiện nhiều nhất. Với tác phẩm “Từ miền núi xuống đồng bằng”, anh đã khắc họa hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ kiên cường, đầy quyết tâm khi tiến về giải phóng đồng bằng. Những chiếc xe tăng băng rừng lội suối, với khí thế hừng hực. “Tất cả mô hình người lính đều do tôi tự nặn dựa trên những tư liệu lịch sử; xe tăng, khí tài đều tái hiện hiện vật có thật của giai đoạn đó”, anh Giang cho hay...
Những tác phẩm ưng ý khác của anh là “Đồng đội” hay “Ngày trở về”… Trong đó, tác phẩm sa bàn “Ngày trở về” được thực hiện từ cảm xúc mẹ con một chiến sĩ đoàn tụ sau ngày đất nước thống nhất. Mỗi mô hình mang một dáng vẻ riêng, chứa đựng thần thái riêng, ngay những chi tiết phụ trợ như cành cây, ngọn cỏ cũng được anh chú trọng, tất cả được thể hiện gần như thật. “Qua từng tác phẩm, tôi muốn thể hiện sự hào hùng, ý chí của những người lính Cụ Hồ khi tiến về đồng bằng, giải phóng miền nam. Trên từng ánh mắt, nụ cười của các anh bộ đội luôn sáng ngời niềm tin, niềm hân hoan ngày chiến thắng và trở về”, anh Giang nói.
Người làm sa bàn chuyên nghiệp phải tuân thủ nguyên tắc không được “đại khái”, qua loa chiếu lệ, mà làm cái nào là chắc cái đó. Ngoài kiến thức cần có ở nhiều lĩnh vực như mỹ thuật, kiến trúc, quy hoạch không gian, cơ khí, hóa chất…, họa sĩ chế tác sa bàn phải am tường từng giai đoạn lịch sử, chính trị có liên quan thì tác phẩm mới bảo đảm chân thật, chính xác.
Họa sĩ Lê Xuân Giang tâm sự, hằng năm, kỷ niệm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước 30-4 là dịp lễ trọng đại của đất nước. Biết bao xương máu ông cha đã đổ xuống để chúng ta được sống trong đất nước hòa bình hôm nay. Cuộc chiến nào cũng có hy sinh, mất mát nhưng trên tất cả vẫn là tình yêu thương con người, niềm lạc quan vào ngày mai tươi sáng. Suy nghĩ ấy cứ thôi thúc anh phải làm gì đó để khắc họa cốt cách, con người đất Việt luôn vươn lên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Nhiều mô hình đặc sắc mang tính lịch sử, có khi đó là những mô hình sinh động mang dấu ấn đất nước, con người Việt Nam... tất cả được người họa sĩ này lồng khung kính, trưng bày một cách nâng niu, trân trọng. Say mê, cầu toàn trong chế tác sa bàn, mỗi năm anh Giang cho ra đời chỉ chừng hai, ba tác phẩm nhưng đó là những tác phẩm chất lượng. Nhiều tác phẩm đã được anh gửi đi dự thi và giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi chế tác sa bàn trên thế giới...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/nguoi-che-tac-nhung-sa-ban-doc-dao-642994/