Người chỉ huy pháo binh khai hỏa chiến dịch Biên giới
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới Thu Đông (1950-2020), báo Đại Đoàn kết đăng bài viết về Đại tá - nhà văn Siêu Hải (1924-2012) - người hạ lệnh cho pháo binh nổ súng vào Đông Khê (Cao Bằng) khai hỏa mở màn chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950.
Ngửi thấy mùi… chiến dịch
Nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng ngày 16/9/1950 ghi rõ: “6 giờ 30 Siêu Hải hô: Bắn. Giờ lịch sử chạy một cách thong thả”. Lúc này, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, họa sĩ Dương Bích Liên cùng các văn nghệ sĩ đang tham gia chiến dịch Biên giới. Ông được phân công đi xuống Đại đội pháo binh 301 do Siêu Hải là Đại đội trưởng, vì vậy, ông đã ghi chép lại những điều mắt thấy tai nghe trong nhật ký của mình.
Tháng 7/1950, đang nằm điều trị thương hàn ở Phú Thọ, Siêu Hải được anh em rỉ tai nói nhỏ: Ta sắp mở chiến dịch lớn hướng biên giới Cao Bằng - Lạng Sơn. Một người bạn từ hồi đánh bi đánh đáo ở Hà Nội còn cho biết: “Pháo binh các cậu được trang bị đạn mới, lại thêm cả lừa ngựa để thồ pháo nữa. Oách lắm!”. Sau này, ông biết cụ thể, đó là Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 (bí danh Chiến dịch Lê Hồng Phong 2). Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được cử làm Tư lệnh kiêm Chính ủy và Bí thư Đảng ủy Chiến dịch… Lực lượng tham gia chiến dịch gồm Đại đoàn 308, Trung đoàn 209 và Trung đoàn 174, có Trung đoàn pháo binh 95 và bộ đội địa phương, dân quân, du kích hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn phối hợp chiến đấu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chọn Đông Khê làm điểm mở màn, buộc địch phải kéo viện binh từ Lạng Sơn lên. Đông Khê bị tiêu diệt thì Cao Bằng sẽ bị cô lập và buộc phải rút chạy. Thiếu tướng Hoàng Văn Thái -Tổng tham mưu trưởng kiêm Tham mưu trưởng Chiến dịch được cử làm Chỉ huy trưởng đánh cứ điểm Đông Khê.
Siêu Hải liền lên gặp ngay bác sĩ viện trưởng khẩn khoản xin cho xuất viện. Được bác sĩ đồng ý, như chim sổ lồng, ba lô trên vai, Siêu Hải tức tốc đuổi theo đơn vị qua bốn tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng.
Sau hơn chục ngày kiên trì hăm hở trên đường, ăn ngủ nhờ đồng bào, ông đã tới xã Nà Tấu, huyện Quảng Uyên, Cao Bằng. Vừa đến Nà Tấu, Siêu Hải đã ngửi thấy mùi… chiến dịch. Bộ đội đi lại đông, hối hả. Đang chưa biết còn phải tìm đơn vị ở đâu, trong lúc mệt mỏi, ông vào một quán nhỏ bên đường mua quả mắc coọc ăn thì bất ngờ gặp anh bạn pháo binh nối khố Đỗ Thiện vốn là đồng môn Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa I (1946). Đỗ Thiện khao Siêu Hải cốc cà phê và cốc kem trứng. Các mẩu chuyện do Đỗ Thiện rỉ tai khiến Siêu Hải cứ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: Đại đội 301 đã được trang bị hai khẩu sơn pháo có đủ kính ngắm, tê lê mét đo độ xa, cả máy điện thoại nữa... Đã có đàn lừa thồ pháo, anh em đỡ phải khiêng vác “oằn lưng, vẹo sườn” như trước.
Siêu Hải về tới Đại đội cũ, cán bộ chiến sĩ đều mừng rỡ. Nhất là Chính trị viên Đại đội 301 Trương Thành Phao như được sẻ nửa trách nhiệm đang đè nặng lên vai: Đại đội 301 nhận nhiệm vụ pháo chi viện chung toàn mặt trận. Chiến dịch đánh lớn, sẽ thương vong nhiều... Một điều quá bất ngờ đến với Siêu Hải khi ông nhận được cú điện thoại từ cấp trên cho biết là có nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và họa sĩ Dương Bích Liên trong chiến dịch này sẽ đi với pháo binh, với Đại đội 301.
Ngày 15/9/1950, Đại đội sơn pháo 301, đòn dây nhũng nhẵng, gậy chống oằn lưng, tháo rời pháo ra khiêng từng bộ phận, đã hành quân tới vị trí tập kết gần cứ điểm Đông Khê. Trước đó, ngày 25/5/1950, Trung đoàn 174 đã đánh trận Đông Khê lần thứ nhất, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm này, sau đó địch nhảy dù chiếm lại. Lần này, Đại đội sơn pháo 301 đã được vinh dự nổ phát đạn đầu tiên ở trận Đông Khê mở màn cho chiến dịch vào hồi 6 giờ 30 phút sáng ngày 16/9/1950.
Hạ đồn Đông Khê
Trận địa của Đại đội 301 được chỉ định ở cao điểm phía Đông lại đúng vào trận địa cũ của một đơn vị pháo binh bạn dùng trong trận tấn công cứ điểm Đông Khê lần thứ nhất hồi tháng 5 vừa qua, đã bị pháo, cối địch bắn nát. Không có điều kiện đi chuẩn bị chiến trường trước, đến nơi Đại đội trưởng Siêu Hải mới biết rõ tình hình. Nhìn đồng hồ, chỉ còn 35 phút là đến giờ nổ súng. Hai khẩu sơn pháo của Đại đội 301 đã đến nơi nhưng Trung đội đạn đang bị nghẽn dưới suối.
Nhà văn Siêu Hải viết trong hồi ký: “Có tiếng điện thoại réo gọi, tôi vào cầm máy. Tôi nhận ra giọng nói đầu bên kia là đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng tham mưu trưởng quân đội ta lúc đó đảm nhiệm Chỉ huy trưởng trận Đông Khê mở màn cho chiến dịch. Đồng chí Hoàng Văn Thái ra lệnh cho tôi chuẩn bị bắn. Tôi đề nghị xin lùi lại ít phút vì sương còn mờ lắm.
- Cho thêm 2 phút. -Tiếng của Chỉ huy trưởng trận Đông Khê.
Tôi hạ lệnh cho hai Trung đội pháo 1 và 2:
- Chuẩn bị... Bắn!...
Từ giây phút đó, chiến trường Đông Khê và núi rừng Việt Bắc mịt mùng khói lửa đạn bay vèo vèo lẫn tiếng quân hò, quân reo”.
Cự ly bắn là 1.300 mét. Đến loạt thứ ba, hai khẩu pháo của Đại đội 301 đã bắn trúng được lô cốt chính ở hướng đơn vị phụ trách.
Chiều hôm sau, ngày 17/9/1950, quân ta mở đợt công kích cuối cùng. Sau một đêm chiến đấu ác liệt, quân ta đã làm chủ được toàn bộ cứ điểm Đông Khê vào hồi 4 giờ sáng ngày 18/9/1950.
Siêu Hải đã được tham gia buổi diễu binh mừng chiến thắng tại Thị xã Cao Bằng vừa được giải phóng, vào một đêm trăng rất sáng hạ tuần tháng 11/1950. Đại đội trưởng pháo binh Siêu Hải đi đầu đội hình, sải những bước dài chiến thắng rầm rập trên mặt đường nhựa. Tới lễ đài, ông hô to: “Bên phải, chào!” cùng lúc đặt bàn tay lên vành mũ ca lô.
Ông nhận ngay ra Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông cố nhìn xem có nhà văn Nguyễn Huy Tưởng trên lễ đài không nhưng nhịp hành quân nhanh nên không tìm thấy.