Người chiến sĩ áo trắng có trái tim nhân hậu
'Cường ơi, đừng nản lòng, đừng ngại khó, đừng chùn bước, đừng đầu hàng sự nghiệt ngã của số phận…'. Suốt bao năm qua, mỗi sáng mai thức dậy, cán bộ xét nghiệm Nguyễn Văn Cường (Trung tâm Y tế Khánh Sơn, Khánh Hòa) đều tự nhắc nhở mình như vậy.
Vượt mọi nghiệt ngã vì khát vọng giúp người
Cường sinh năm 1984, trong một căn nhà đơn sơ giữa núi rừng Khánh Sơn, bốn mùa gió thổi thông thốc. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, Nguyễn Văn Cường vẫn giữ nguyên vẹn niềm đam mê với nghề y như thuở ban đầu.
Bước qua tuổi lên 4, khi bắt đầu tập bi bô đánh vần những con chữ đầu tiên thì Cường bị một trận ốm nặng khiến cả hai chân bị teo cơ bẩm sinh. Mẹ Cường vì thương con khóc cạn nước mắt, chỉ dám mơ một ngày con mình đứng dậy đi lại như những đứa trẻ bình thường khác.
Năm tháng tuổi thơ đi qua trong khốn khó, Cường dần hiểu ra căn bệnh của mình cũng như điều kiện còn nhiều khó khăn của đồng bào vùng sâu huyện miền núi Khánh Sơn. Lên 10 tuổi, nhiều đêm ngồi thu mình dưới ánh đèn leo lét nhìn những cơn mưa rừng hun hút, mẹ con Cường tự động viên nhau, dù thế nào cũng không thể gục ngã.
Thấy những đứa trẻ đồng trang lứa nghỉ học từ sớm, tất bật sớm tối với ruộng rẫy, trong lòng Cường nhen nhóm ước vọng đến một chân trời khác, bỏ lại sau lưng những lời bông đùa "Cường liệt", "Cường dẹo" "Cường tật".
Nhìn mặt trời đang kéo dần ánh sáng vào đêm, ngày tháng cũ lại tràn về trong ký ức, Cường thổ lộ: "Ở chốn non sâu này, vui nhất là lúc nhá nhem tối, các bạn như tôi chạy nhảy nô đùa thỏa thích, tôi thì đứng dậy không nổi, mỗi lần đến chiếc bàn học tập ở góc nhà cũng phải lết từng bước trong đau đớn. Để xua đi nỗi mặc cảm tôi luôn tự nhủ với mình là phải vươn lên. Bản thân là người khuyết tật, lại sinh ra trong gia đình nghèo, sống ở vùng cao nên tôi thấu hiểu hơn ai hết những nỗi thiếu thốn nơi đây, nhất là khi có bệnh tật. Khát vọng thành nhân viên y tế để giúp bệnh nhân và xem họ như người ruột thịt cứ lớn dần lên trong tôi. Đôi chân khuyết tật cũng vì thế mà không ít lần mệt mỏi, ngã quỵ đến tứa máu".
Các năm học phổ thông, Cường luôn có kết quả học tập tốt và trúng tuyển vào ngành Kỹ thuật xét nghiệm. Học xong, anh xung phong về Trung tâm Y tế Khánh Sơn để gắn bó suốt hàng chục năm nay.
"Từ tấm bé đến lúc trưởng thành để giữ vững khát vọng thành nhân viên y tế, thành người chiến sĩ áo trắng tôi luôn khắc ghi sâu đậm lời dạy của Bác Hồ là "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền". Khi giấc mơ thành hiện thực thì tôi bắt đầu hành trình trợ giúp bệnh nhân nghèo".
Nghĩ là làm, sau khi sắm được chiếc xe máy cũ, từ năm 2018 cứ sau giờ làm việc ở Trung tâm Y tế Khánh Sơn, Cường lại rong ruổi khắp nơi xin quần áo, sữa… về cho bệnh nhân.
Sữa được Cường chất ngăn nắp trong phòng làm việc của mình. Cứ mỗi lần trẻ em hay người già khắp các thôn, làng đến khám bệnh hay xét nghiệm thì anh lại ân cần động viên, tặng cho người bệnh. Còn quần áo, bánh mỳ thì Cường xếp trong những chiếc tủ ở khuôn viên Trung tâm Y tế với lời mời đầy yêu thương, ấm cúng "quần áo 0 đồng, bánh mỳ 0 đồng", ai thiếu xin hãy lấy dùng.
Tâm sự về những việc làm của mình vì người khác, Cường chia sẻ: "Có người nhập viện nhiều ngày chỉ mặc một bộ quần áo đã nhàu cũ, có người thì tất tả đến khám bệnh trong cơn đói cồn cào, lòng mình xót lắm. Thế nên có hôm trở trời, đôi chân tê buốt, ngoài trời mưa rét nhưng vẫn cố tập tễnh đi khắp các ngả đường để vận động xin quần áo, thức ăn bỏ cho đầy tủ trong Trung tâm Y tế. Đến khám bệnh, chữa bệnh xong còn được tặng quần áo, đồ ăn, mình cảm nhận rõ niềm hạnh phúc như bừng lên trên từng khuôn mặt bệnh nhân nghèo. Những lúc như thế, với tôi, mọi nhọc nhằn trong cuộc sống hay nỗi đau của đôi chân tật nguyền đều được xua tan".
Lan tỏa lòng nhân ái
Bám trụ trong cơ sở y tế ở vùng sâu, hiểu rõ tâm lý người dân (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số Rắk Lây) khi bệnh nặng mới tìm đến bệnh viện nên mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm cho ai, Cường luôn dặn kỹ họ về nhà, nếu thấy ai trong buôn mình mệt mỏi thì báo ngay để anh hướng dẫn, động viên đến Trung tâm Y tế. Đặc biệt, với những người khuyết tật, khi đến khám bệnh, xét nghiệm, Cường còn thắp lên trong họ nghị lực vượt số phận.
Anh thổ lộ rằng: "Nhiều thanh niên tật nguyền đến đây rất chán nản, liên tục than thân, oán trách cuộc sống. Thế nhưng khi thấy tôi giơ đôi chân tật nguyền của mình lên, kể về hành trình đầy mồ hôi và nước mắt để thành chiến sĩ áo trắng như hôm nay thì họ dần lấy lại tự tin. Có người động viên một lần không được thì đến tận nhà an ủi nhiều lần".
Cao Thanh, một trong những người khuyết tật quyết tâm rũ bỏ lại những năm tháng u buồn, vươn lên phía trước từ sự cổ vũ của Nguyễn Văn Cường tâm tình: "Chốn non sâu này khi ngã bệnh là chất chồng nỗi lo. Lo sức khỏe, lo tiền bạc, lo ăn uống. Nhưng khi gặp Cường rồi thì bao nỗi lo ấy cứ vơi dần đi. Xem Cường như một minh chứng sống động, tật nguyền thì cố gắng gấp nhiều lần người bình thường rồi thành công sẽ đến".
Không còn chộn rộn nỗi trăn trở mỗi khi bước chân đến Trung tâm Y tế Khánh Sơn, bà Mấu Thị Kiên cũng phấn chấn: "Ở đây, ai cũng xem kỹ thuật viên Cường như người nhà vậy. Vừa làm việc chuyên môn vừa lặng lẽ tìm hiểu hoàn cảnh, tâm tư của bệnh nhân. Khi biết bệnh nhân khó khăn thì giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần ngay. Hình ảnh người đàn ông mặc áo ngành y không quản mưa nắng vì nhân dân đã không còn xa lạ đối với cộng đồng các dân tộc nơi đây nữa".
Các công việc cứ đến và xen kẽ lẫn nhau nhưng kỹ thuật viên Nguyễn Văn Cường luôn giữ vững thông điệp hãy sống vì mọi người. Anh đúc rút rằng: "Từ nghị lực bản thân, tôi luôn muốn chuyển tải đến mọi người, hãy từng ngày chia sẻ yêu thương, biết quan tâm đến người khác, nhất là bệnh nhân nghèo. Tôi cũng đang ấp ủ khát vọng thành lập một Câu lạc bộ người khuyết tật ở chốn non sâu này. Câu lạc bộ sẽ đưa các bạn khuyết tật đang sống khép kín, tự tin vươn lên, kiên trì tập luyện và chữa trị bệnh tật, tương lai vẫn luôn rạng rỡ phía trước".
Với sự bền bỉ, nhiệt huyết của mình, kỹ thuật viên Nguyễn Văn Cường đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen, là một điển hình về nhân viên y tế học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nhưng với anh, phần thưởng lớn nhất là ngày càng giúp được nhiều người nghèo, người đồng cảnh ngộ như mình.
Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm Y tế Khánh Sơn, ở hầu hết các xã trên địa bàn Khánh Sơn đều yêu thương, trân trọng, khâm phục nghị lực sống và sự tận tụy vì người dân của nhân viên y tế Nguyễn Văn Cường.
Trên đôi chân tật nguyền, cuộc sống phía trước vẫn còn nhiều gian nan cần chinh phục, vượt qua nhưng từng ngày, Cường vẫn luôn giữ vững tinh thần "sống là để yêu thương, để lan tỏa điều nhân văn, bác ái"…