Người chiến sĩ đặc công mưu trí thoát khỏi tay địch

Đầu tháng 12-2016, trong lần từ quê nhà tỉnh Hải Dương vào thăm con trai đang công tác tại Tòa soạn Báo Công an TPHCM, ông Hoàng Mười (SN 1952, đại úy, cựu chiến binh, nguyên là chiến sĩ đặc công thuộc Tiểu đoàn 19, Sư đoàn 312.

Ông đồng thời cũng là thương binh hạng 3/4, được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quý), khi làm thủ tục tại sân bay đã gặp tình thế dở khóc dở cười, để rồi bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm cách đây gần nửa thế kỷ.

Ông kể: “Trong lúc làm thủ tục tại sân bay quốc tế Nội Bài, máy soi an ninh cứ réo hoài dù trên người tôi lúc này chỉ còn mặc mỗi chiếc quần cộc, sau khi bị yêu cầu cởi bỏ hết để kiểm tra. Lúc đầu họ thông báo bỏ hết vật dụng có kim loại trên người như thắt lưng, điện thoại di động, đồng hồ, bút viết... Tuy nhiên, khi tôi thực hiện tất cả các yêu cầu rồi máy soi vẫn kêu tít tít. Bộ phận an ninh sân bay thắc mắc: “Trong người bác còn cất giấu thứ gì bằng kim loại không, sao tín hiệu máy cứ réo?”. Lúc này tôi nói trong người mình hiện còn 10 mảnh đạn, đồng thời trình thẻ thương binh và chỉ vào những vết thương cho họ xem. Thấy vậy các nhân viên mới hiểu, ngỏ lời xin lỗi”.

Ông Hoàng Mười (đứng giữa, mặc quân phục) cùng gia đình, trong lần đón nhận truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho anh trai là liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh. Ảnh do tác giả cung cấp.

Ông Hoàng Mười (đứng giữa, mặc quân phục) cùng gia đình, trong lần đón nhận truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho anh trai là liệt sĩ Hoàng Kim Lếnh. Ảnh do tác giả cung cấp.

Trò chuyện với phóng viên Báo CATP, ông kể rất nhiều về những kỷ niệm thời chiến đấu, trong đó có câu chuyện không thể quên về một lần thoát khỏi tay địch khi bị bắt. Vào hoàn cảnh “nghìn cân treo sợi tóc” đó, sự mưu trí và những kỹ năng đặc biệt của người chiến sĩ đặc công đã giúp ông thoát khỏi họng súng của địch.

Ông Mười kể: “Tháng 8-1972, chiến trường Quảng Trị đang trong giai đoạn giữa chiến dịch 81 ngày đêm vô cùng khốc liệt. Bom đạn, pháo của địch ngày đêm trút xuống như mưa, khiến cỏ cây trơ trụi, chỉ thấy đất đỏ bao phủ trên đồi núi. Đơn vị cử 6 người do tôi chỉ huy chiến đấu tại xã Phước Môn (Quảng Trị). Trong một trận chiến không cân sức, 2 đồng chí đã hy sinh, 4 người còn lại đều bị thương. Ba đồng chí bị thương nặng được đơn vị bạn đưa ra khỏi trận đánh, riêng tôi bị thương nhẹ nên tự đi được.

Do chiến đấu suốt một đêm, cộng với việc bị thương ở lưng đã khiến tôi kiệt sức. Vì thế khi thấy một cái hầm trên đường đi, tôi vội chui xuống nghỉ cho đỡ mệt. Nhưng khi tỉnh dậy đã thấy địch xúm lại trên cửa hầm, hò hét, cười nói rôm rả. Chúng quát: “Mày không ra tao ném lựu đạn xuống”. Vừa thò đầu lên cửa hầm, tôi bị một tên dùng báng súng đánh vào gáy khiến tôi gục xuống, rồi chúng lôi tôi ra khỏi hầm.

Ông Hoàng Mười cùng Đại tá,Anh hùng LLVTND Phan Thị Ngọc Tươi, nguyên cán bộ Báo Công an TPHCM, tháng 12-2016. Ảnh do tác giả cung cấp.

Ông Hoàng Mười cùng Đại tá,Anh hùng LLVTND Phan Thị Ngọc Tươi, nguyên cán bộ Báo Công an TPHCM, tháng 12-2016. Ảnh do tác giả cung cấp.

Chúng dong tôi đi ngang qua cầu Sắt bắt ngang qua sông Thạch Hãn (Quảng Trị) khoảng 200m, gần đến chốt của chúng thì nghỉ giải lao. Nhận thấy thời cơ có một không hai, tôi nói: “Các ông cho tôi uống nước”. Chúng chỉ xuống sông bảo: “Xuống đó mà uống”. Có lẽ chúng nghĩ một phần do tôi đang bị thương, phần khác chúng có 3 tên và đang cầm súng, nên tôi không dám manh động. Tôi bước đến dòng sông, quan sát thấy xung quanh bờ có nhiều lau sậy, lùm cây. Khi cách chỗ bọn chúng ngồi khoảng 15m và khi còn cách bờ sông 1,5m, tôi lao vút xuống sông và lập tức lặn ngược trở lại bờ chui vào đám lau sậy. Lợi dụng cây cối, tôi tiếp tục lặn đi cách đó khoảng 300m, khoét một hố cạnh bờ chui vào ẩn nấp.

Trong khi đó, bọn lính điên cuồng bắn xối xả chỗ tôi vừa lao xuống. Nếu không nhanh trí lộn ngược trở lại khi vừa tiếp nước, có lẽ tôi đã bị bắn chết. Chưa hết, do không phát hiện xác nổi lên, chúng cho 2 chiếc xuồng quần thảo, chạy dọc hai bên bờ sông tìm kiếm. Rất may cứ mỗi khi xuồng gần đến nơi tôi ẩn nấp thì chúng lại cho quay lại. Có lẽ chúng nghĩ rằng tôi đã bị dính đạn chết chìm dưới sông, nên sau đó rút lui.

Tôi nằm trong hốc đất bên bờ sông đến tối mịt, tính cách về đơn vị nhưng thật khó khăn. Lúc này người đã thấm mệt và đói, vì đã một ngày một đêm không có thứ gì lót dạ, lại bị thương. Tôi quyết định bò lên bờ, lúc gặp địch thì nằm yên chờ, chúng đi qua lại bò tiếp. Khi bò đến xã Như Lệ - Quảng Trị, gặp chiếc xe tăng của ta bị đứt xích, tôi lết chui vào trong tháp pháo nằm ngủ đến sáng hôm sau.

Vừa tỉnh dậy, tôi nghe láo nháo tiếng địch bên ngoài, nghĩ rằng mình sẽ bị bắt lại và có lẽ lần này khó thoát. Nhưng thật may, bọn địch chỉ nghỉ chân để ăn cơm sáng bên cạnh xác chiếc xe tăng, rồi đi ngay. Tôi thiếp đi đến khoảng 8 giờ thì trườn khỏi xe bò xuống sông. Lợi dụng dòng nước và những kỹ năng đặc biệt của người lính đặc công, tôi dạt vào đoạn bờ thuộc địa phận của ta.

Vừa vào bờ, đơn vị dân công tưởng tôi là địch, vì trên người tôi lúc này mặc bộ quần áo rằn ri. Thế là đạn bắn về phía tôi như mưa. Nhưng nhờ có bờ cao và kinh nghiệm chiến đấu, nên tôi không bị dính đạn. Đồng thời tôi hô to: “Tôi là bộ đội đặc công bị địch bắt. Tôi trốn thoát về, các đồng chí ra cứu tôi”. Sau khi hỏi phiên hiệu, tôi trả lời đúng, đồng đội đã đưa tôi về trạm quân y điều trị vết thương và được anh em đơn vị ra thăm hỏi, chúc mừng. Sau đó, tôi được mặt trận khen ngợi và trở về đơn vị an toàn, tiếp tục chiến đấu”.

Trái tim người lính

Phong - Ngự ( ghi)/Thành Đô ( Tổng Hợp )

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/nguoi-chien-si-dac-cong-muu-tri-thoat-khoi-tay-dich-a16165.html