Người chính ủy mẫu mực, sắc sảo và nhạy bén
Anh Đặng Tính là Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân (PK-KQ) từ những ngày đầu thành lập. Năm 1963, khi cấp trên chủ trương hợp nhất Binh chủng Phòng không và Cục Không quân thành Quân chủng PK-KQ, anh được trên quyết định điều về làm Bí thư Đảng ủy, Chính ủy quân chủng; anh Phùng Thế Tài làm Tư lệnh quân chủng; tôi được trên giao giữ chức Chủ nhiệm Chính trị quân chủng, được cấp ủy bầu đảm nhiệm chức vụ Phó bí thư Đảng ủy quân chủng.
Tháng 6-1967, anh Tính đảm nhiệm chức vụ Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân chủng PK-KQ; đầu tháng 10-1971, anh được cấp trên giao nhiệm vụ mới hết sức quan trọng trong tình thế cách mạng chuyển biến có lợi cho ta.
Tôi nhớ, trong phiên họp Đảng ủy quân chủng tháng 10-1971 bàn định kế hoạch xây dựng và tác chiến đông xuân năm 1971-1972 thì nhận được chỉ thị của trên: Anh Đặng Tính sẽ lên đường đi nhận nhiệm vụ Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn (559)-Đường Hồ Chí Minh, để thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là giành thắng lợi quyết định trong năm 1972. Anh Tính bàn giao nhiệm vụ Tư lệnh cho anh Lê Văn Tri và nhiệm vụ Chính ủy cho anh Hoàng Phương. Trong đảng ủy khi được nghe phổ biến, phút đầu ai nấy đều đột ngột, thể hiện sự lưu luyến đối với anh, bởi anh đã gắn bó với quân chủng từ những ngày đầu thành lập. Anh đã cùng tập thể Đảng ủy, Bộ tư lệnh (BTL) quân chủng lãnh đạo xây dựng và chỉ huy bộ đội đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của không quân Mỹ đối với miền Bắc; Quân chủng PK-KQ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.
Tôi và các đồng chí trong Đảng ủy, BTL quân chủng, trong đó có các anh em ở cơ quan Cục Chính trị cũng như các cơ quan trong BTL quân chủng vô cùng quyến luyến đối với đồng chí Chính ủy, Bí thư Đảng ủy đức độ, mẫu mực, sắc sảo và nhạy bén, giàu trí tuệ, là hạt nhân đoàn kết trong đảng bộ, trong quân chủng. Anh Đặng Tính có tác phong và phương pháp lãnh đạo sâu sát, xông xáo và rất thực tế. Anh thường đi tới những nơi chiến đấu ác liệt để kiểm tra và phát hiện, giải quyết những vấn đề quan trọng, nhất là trong mối quan hệ giữa tư tưởng chính trị và kỹ thuật, khắc phục những nhận thức không đúng như xem nhẹ khâu tư tưởng hay xem nhẹ khâu kỹ thuật khoa học.
Anh Đặng Tính luôn phát huy dân chủ, tôn trọng lãnh đạo tập thể, lắng nghe ý kiến của đồng chí, kể cả cán bộ cấp dưới có những ý kiến trái với suy nghĩ của mình. Anh luôn bình tĩnh lý giải, phân biệt đúng sai, không đao to búa lớn, coi trọng vận động, thuyết phục, cảm hóa, làm cho cán bộ và cấp dưới tin tưởng, gần gũi, quý trọng.
Với cương vị là Bí thư Đảng ủy, Chính ủy, anh chú trọng chăm lo công tác xây dựng đảng bộ về chính trị, tư tưởng và tổ chức, củng cố đoàn kết nội bộ, coi trọng công tác xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Anh nhắc tôi tổ chức rút kinh nghiệm, mở hội nghị “Chi bộ 4 tốt” của toàn quân chủng: Trong hoàn cảnh chiến tranh, anh xác định đó là cơ hội để xây dựng, chỉnh đốn Đảng mạnh về tổ chức, vững về chính trị, càng nâng cao khả năng và sức chiến đấu của quân chủng. Anh vẫn thường nói với tôi phải có kế hoạch lựa chọn, bồi dưỡng cán bộ để bảo đảm xây dựng và chiến đấu lâu dài cũng như phát triển của các đơn vị, đặc biệt là việc tuyển lựa, đào tạo, sử dụng đội ngũ người lái máy bay, khối sĩ quan điều khiển tên lửa và trắc thủ ra-đa, nhân viên, cán bộ kỹ thuật đầu ngành. Anh Tính tuy sức không được khỏe nhưng xông xáo, đi xuống Trung đoàn 228 chiến đấu ở Vĩnh Linh-nơi ác liệt để kiểm tra và động viên bộ đội, bàn cách đánh thắng không quân Mỹ. Khi chúng bị thất bại, dùng kỹ thuật gây nhiễu điện tử để đối phó với tên lửa, ra-đa của ta, anh bảo tôi trực và giải quyết công việc ở nhà, còn anh xuống Tiểu đoàn 62, Trung đoàn Tên lửa 236. Anh ngồi cùng anh em và kíp chiến đấu mấy ngày liên tục để kết luận chính xác nguyên nhân đạn tên lửa của ta rơi xuống đất, không bắn trúng mục tiêu là do địch đã sử dụng loại nhiễu mới. Từ thực tế đó, anh kết luận với cán bộ và bộ đội tìm ra cách khắc phục, phát huy tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí sáng tạo, nhất định sẽ đánh thắng chúng. Và đúng như vậy, sau một thời gian ngắn, tên lửa của ta đánh thắng liên tục, có ngày, có tuần bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái ngay giữa Thủ đô Hà Nội.
Trưa 20-10-1971, BTL quân chủng tổ chức bữa cơm thân mật tiễn anh lên đường, có mời chị Tính cùng các cháu đến dự và bắt tay tạm biệt, hẹn ngày gặp lại.
Một hôm, chúng tôi và chị Tính cùng các cháu đang chờ anh ra Hà Nội họp thì nhận được một tin sét đánh: Anh đã hy sinh trên đường đi làm nhiệm vụ ở Nam Lào vào ngày 4-4-1973. Mắt chúng tôi ai nấy đều đẫm lệ, ruột đau như cắt. Ngày 9-4-1973, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tổ chức trọng thể lễ tang anh. Tại hội trường lớn của quân chủng, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ đã tới dự lễ tiễn biệt anh.
Hiện tên anh được khắc vào tấm bia liệt sĩ của quân chủng, đặt tại Bảo tàng PK-KQ. Anh đứng đầu cùng hàng nghìn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp chiến đấu bảo vệ bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đảng, Nhà nước đã tặng anh Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; truy tặng anh Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu cao quý: Anh hùng LLVT nhân dân.