Người chở Tết về bến Bình Đông: 'Bán ế cũng đi, ở nhà buồn lắm'
'Tui làm công việc này hơn 20 năm rồi, dễ gì bỏ được. Cầu cho bán được thì trong năm mình xài dư dả, không thì xài tiết kiệm lại chút. Hổng sao', bà Bảy cười.
Trưa 23 tháng Chạp, bà Nguyễn Thị Bé Bảy (65 tuổi) cùng hai người cháu chất từng chậu mai lên chiếc ghe thuê với giá 12 triệu đồng. Khoảng 15h chiều, chiếc ghe nổ máy từ huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, chạy lên hướng TP.HCM.
Đến 4h sáng ngày hôm sau, chiếc ghe cập kênh Tàu Hủ, ngay bến Bình Đông (quận 8, TP.HCM). Bà Bảy bắt đầu công việc bán mai đến trưa 30 âm lịch, rồi sau đó xuôi ghe trở về quê đón Tết.
Đều đặn đã 24 năm, bà Bảy cùng nhiều người ở miền Tây thực hiện chuyến hành trình một tuần bán sắc xuân ở thành phố.
"Bán nhiều xài nhiều, bán ế thì sống tiết kiệm chút"
Từ chân cầu Chà Và chạy thẳng dọc đường Bình Đông khoảng một km là hàng chục tiểu thương bày bán đủ các loại hoa, cây kiểng. Ngoài bày ra bên đường, hoa kiểng còn được xếp đầy trên ghe.
Con đường như được chia thành từng đoạn với từng loại cây: Đầu đường là tắc (quất); đoạn dài nhất là trưng bày mai; phía cuối là hoa cúc, hoa vạn thọ; xen giữa là các loại cây như sống đời, mào gà...
"Năm nay ế lắm con ơi. Rầu muốn chết!", bà Bảy ngồi trên chiếc võng, tay chống cằm, thở dài khi vừa có hai vị khách ghé hỏi giá rồi rời đi.
Bà Bảy chở mai từ Bến Tre lên đây bán từ năm 1997. So với các tiểu thương khác ở đây, bà tự nhận mình là "người bán hoa Tết già nhất".
Những chậu mai được bà Bảy chăm sóc cẩn thận, dồn hết tâm huyết của một năm để bán mấy ngày Tết. Năm nay bà còn có thêm loại mai Đại Lộc từ 25-48 cánh, hoa đẹp nên giá thành cao.
Năm ngoái, khoảng 3 ngày đầu bán là bà đã kiếm được đủ tiền thuê ghe. Năm nay, bà dự liệu ảnh hưởng của dịch bệnh nên chỉ dám chở số lượng mai bằng 2/3 năm ngoái. Mấy ngày nay, khách hàng tham quan cũng nhộn nhịp nhưng lượng mua rất ít. Do đó, thu nhập của bà Bảy giảm nhiều.
"Tiền thuê ghe, thuê hai người phụ với ăn uống một tuần ở đây là hết khoảng 30 triệu đồng rồi. Hoa nào còn bán đổ bán tháo được nếu ế chớ hoa mai giá trị mình đâu có bán vậy được. Bán không hết thì chở về, chăm sóc tiếp để sang năm lại bán", bà Bảy nói.
Theo bà Bảy, từ 15h chiều 25 tháng Chạp (6/2), con đường Bình Đông được chặn không cho xe lưu thông để khai mạc chợ hoa xuân "Trên bến dưới thuyền". Kể từ ngày 26, khung giờ 18-22h cũng sẽ chặn xe để tổ chức các hoạt động tham quan, ẩm thực. Do đó, hầu như buổi tối các tiểu thương sẽ khó có thể bán được hoa.
"Năm nay biết sẽ bán ế nhưng mà cũng đi thôi, không bán buồn dữ lắm. Tui làm công việc này hơn 20 năm rồi, dễ gì bỏ được. Cầu cho bán được thì trong năm mình xài dư dả, không thì xài tiết kiệm lại chút. Hổng sao", bà Bảy cười hiền.
Lọt thỏm giữa những sắc mai vàng quen thuộc, ông Nguyễn Văn Sơn (51 tuổi, quê Bến Tre) ngồi bên những chậu mai chiếu thủy (còn có tên gọi khác là mai chấn thủy, mai trúc thủy) trắng li ti.
Những năm trước, ông Sơn bán hoa ở quận 7, còn vợ ông bán tại đây. Năm nay biết dịch ảnh hưởng nên ông để bà xã ở nhà lo Tết, số lượng cây ông chở theo cũng chỉ bằng 1/2 năm ngoái.
"Chỉ mong tới trưa 30 là bán hết cây để còn về quê ăn Tết. Nếu bán không hết thì lại chở về, chăm sóc rồi sang năm lại chở đi. Ngồi đây bán coi vậy mà vui, bán ít bán nhiều gì cũng phải đi chớ ở nhà buồn không chịu nổi đâu", ông Sơn bày tỏ.
"Trả giá ít thôi cho họ kiếm chút đỉnh"
15h chiều, trời bất chợt đổ mưa lâm râm. Các tiểu thương vội vàng bê những chậu hoa nhỏ đã nở vào bên trong.
Ông Hai (59 tuổi, quê Bến Tre) đội nón lá, đeo khẩu trang, lúi húi kéo bạt đậy một vài chậu cây trên ghe rồi lại gần chiếc võng bật cây dù ra che mưa.
Năm nay là năm thứ 18 ông Hai bán cây ở bến Bình Đông này. Ông vẫn nhớ như in những ngày đầu, khu vực này còn phức tạp với đủ tệ nạn xã hội, chỗ đặt hoa cũng không được cao ráo như bây giờ.
Hầu hết người như ông Hai, bà Bảy hay những tiểu thương khác đều thuê ghe lớn của người khác để chở cây lên thành phố. Giá ghe cho thuê phổ biến là 12-13 triệu đồng, trừ một vài ghe to giá có thể tới 40 triệu. Khoản tiền này như một cục nợ mà họ phải trừ ra khi tính toán thu nhập.
Những chậu mai với đủ mức giá, từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu. Ông Hai cho biết năm nay, khách mua vẫn có nhưng rất hiếm người chọn mua loại cây giá thành cao. Đa phần chỉ mua mấy chậu nhỏ giá vài trăm đến 2 triệu đồng.
Nhiều tiểu thương chia sẻ khách hàng đến mua hầu hết trả giá. Tuy nhiên, có những mức giá họ trả khiến người bán ngao ngán.
"Nhiều người rành cây thì họ biết giá trị để mà mua, còn có người vào xem rồi trả mà thấy tội tụi tui luôn. Ví dụ cây 5 triệu trả vài trăm nghìn, hông hiểu nổi", bà Bảy lắc đầu, cười xòa.
Trời tạnh mưa, ông Hồ Hải Nguyên (62 tuổi, ngụ quận 8) chạy xe máy tấp vào chỗ ông Hai hỏi mua mai. Sau một hồi quan sát, hỏi giá, ông Nguyên quyết định mua một chậu mai với giá 1,6 triệu đồng.
"Vì quan niệm người bán hay nói thách nên người mua mới có thói quen trả giá. Nếu mà ai cũng bán giá cố định hết thì khỏe re. Nhưng mà tôi hầu như không trả giá mấy ngày này. Sáng giờ tôi mua hoa cúc, hoa vạn thọ quá chừng, cũng không trả giá luôn vì thấy cũng rẻ. Một năm mới xài tiền một lần, thấy hợp giá thì mua, mặc cả ít thôi cho người ta kiếm chút đỉnh", ông Nguyên nói rồi cột chậu mai chở đi.
Càng về chiều tối, lượng người đến tham quan, ghé vào xem hoa đông hơn. Có người chở theo người thân ôm cây, có người cột vào xe chở về. Ai nấy đều mong có được chậu hoa hợp ý để trưng ba bữa Tết.
"Chúc buôn bán đắt hàng để còn sớm về quê đón Tết nha", một người phụ nữ nói với người bán khi đang lấy tiền từ ví ra trả cho 2 chậu bông vạn thọ vàng tươi.