Người chồng hoàn hảo… trong mắt khách: Màn kịch tàn nhẫn sau cánh cửa gia đình
Trong mắt bạn bè, anh là hình mẫu lý tưởng của một người chồng chu đáo, yêu thương vợ con hết mực. Nhưng phía sau cánh cửa khép kín, sự thật phũ phàng về cuộc sống hôn nhân khiến tôi ngày càng kiệt quệ cả thể xác lẫn tinh thần.
Ngay sau đám cưới, chồng tôi đã khẳng định quyền kiểm soát tài chính với lý do “anh lo việc lớn, em lo việc nhỏ”. Nhưng kể từ khi tôi mang thai, những thói ích kỷ và tằn tiện của anh ngày càng bộc lộ rõ.
Dù biết tôi mang bầu cần chế độ dinh dưỡng tốt, nhưng anh không ngừng soi xét từng đồng tôi chi tiêu. “Sao mua đắt thế? Thứ này có cần thiết không?” – những câu nói lạnh lùng như từng nhát dao đâm vào lòng tự trọng của tôi. Có lần, chỉ vì tôi mua hộp sữa bầu sau khi bác sĩ khuyên bổ sung dinh dưỡng, anh đã càu nhàu cả ngày: “Ngày xưa các cụ có sữa bầu đâu mà vẫn khỏe re đấy thôi!”
Không những thế, khi tôi bước vào giai đoạn cuối thai kỳ với cơ thể nặng nề, mệt mỏi, anh chẳng một lần chủ động giúp đỡ việc nhà. Buổi tối, dù tay chân rã rời, tôi vẫn phải nấu nướng, dọn dẹp trong khi anh thản nhiên nói: “Anh đi làm cả ngày mệt rồi!”
Sau sinh, tôi bước vào giai đoạn ở cữ với hy vọng sẽ được chồng chăm sóc, nhưng đó hóa ra là giấc mơ viển vông. Không chỉ phó mặc việc ăn uống của vợ, anh còn thường xuyên vắng nhà, để tôi xoay xở trong cảnh thiếu thốn. Có hôm, tôi chỉ ăn được bát cơm với chút nước mắm. Đến khi lên tiếng, mong anh hiểu: “Anh để em ăn thế này, lấy đâu sữa cho con bú?”
Anh đáp lạnh nhạt: “Cô đừng lấy con làm cớ đòi hỏi. Ngày xưa người ta cũng thế mà nuôi con đầy ra đấy thôi!”
Ngay cả đồ ăn mẹ tôi gửi lên cho con gái tẩm bổ, anh cũng tiết kiệm đến vô lý. “Ăn ít thôi, để dành lâu dài!” – câu nói ấy khiến tôi chỉ biết cười chua chát. Trong khi cơ thể tôi gầy rộc, xanh xao, ai cũng bảo tôi có dấu hiệu bị hậu sản, anh chẳng mảy may lo lắng.
Điều khiến tôi tủi thân nhất là cách anh biến thành “người chồng quốc dân” mỗi khi có khách đến chơi nhà. Hôm đó, bạn thân của anh đến thăm. Bất ngờ, anh đi chợ mua cả thịt cá, trái cây về. Khi dọn cơm, anh không ngừng thúc giục: “Em ăn đi, phải tẩm bổ để có sữa cho con!”
Những lời nói ngọt ngào như mật, tô canh đầy thịt hầm anh bưng đến trước mặt tôi – tất cả chỉ để tô vẽ hình ảnh một người chồng mẫu mực. Tôi nhìn anh, lòng quặn thắt, không biết nên cười hay khóc. Thực tế, những bữa ăn tử tế ấy chỉ xuất hiện khi anh có khán giả.
Tôi từng nghĩ đến chuyện ly hôn. Nhưng nhìn con còn đỏ hỏn, tôi lại chùn bước, sợ con lớn lên thiếu vắng cha. Thế nhưng, mỗi ngày trôi qua, tôi càng cảm thấy kiệt quệ. Những ngày ở cữ – thời gian người phụ nữ đáng được yêu thương và chăm sóc nhất – với tôi lại là những chuỗi ngày tủi nhục, nước mắt chan cơm.
Lòng tôi trĩu nặng câu hỏi: Liệu tôi còn có thể chịu đựng được bao lâu? Và người đàn ông ấy – người từng hứa yêu thương tôi cả đời – giờ chỉ còn là nỗi thất vọng lớn nhất trong đời tôi.