Ô nhiễm không khí, thời tiết thay đổi khiến bệnh viêm đường hô hấp trên gia tăng
Ô nhiễm không khí, thời tiết hanh khô, giá lạnh, mưa…làm gia tăng các bệnh về đường hô hấp trên như viêm họng, viêm xoang, viêm amidan, và cảm cúm.
Sự thay đổi thời tiết liên tục, độ ẩm cao và sự phát tán mạnh của vi khuẩn, virus trong không khí chính là nguyên nhân gây nên tình trạng này. Các bệnh do viêm đường hô hấp trên có khả năng tái phát nhiều lần, bệnh thường khá nhẹ, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà mà không cần thăm khám bác sĩ. Một số trường hợp, mầm bệnh từ đường hô hấp trên có thể xâm lấn vào đường hô hấp dưới và gây bệnh nặng nề hơn.
Dấu hiệu nhận biết viêm đường hô hấp trên
Nguyên nhân gây bệnh viêm đường hô hấp trên là do virus nên khả năng lây lan rất mạnh. Virus có thể lây nhiễm khi ho, hắt hơi hoặc tiếp xúc trực tiếp ở phạm vi gần. Hơn thế nữa, virus còn có thể tồn tại là tiếp tục chu kỳ sinh bệnh khi chạm vào bề mặt các đồ vật như tay nắm cửa, giường, bàn ghế …
Các triệu chứng thường gặp là:
Sổ mũi.
Nghẹt mũi.
Ho.
Hắt hơi.
Sốt.
Đau họng, đau tai.
Thở khò khè.
Đối với trẻ nhỏ có thể đi kèm với các triệu chứng khác, bao gồm:
Chán ăn.
Bơ phờ, buồn ngủ.
Giảm hứng thú với môi trường xung quanh.
Cáu kỉnh.
Các bệnh viêm đường hô hấp trên hay gặp
Viêm mũi họng xuất tiết
Bệnh thường gặp ở trẻ em và những người có sức đề kháng yếu, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều bệnh bội nhiễm khác. Tuy nhiên, cần phân biệt viêm mũi họng xuất tiết không phải là viêm mũi xoang, do vậy khi mới phát hiện bệnh thì chỉ cần dùng thuốc co mạch và thuốc giảm xuất tiết thì bệnh sẽ đỡ mà không cần dùng đến kháng sinh.
Nguyên nhân gây bệnh viêm mũi họng xuất tiết do thời tiết thay đổi quá nhanh sẽ khiến cho cơ thể không kịp thích nghi. Khi cơ thể bị các loại vi khuẩn và vi nấm từ bên ngoài tấn công thì cũng rất dễ mắc bệnh. Nếu bạn và gia đình sống ở nơi môi trường bị ô nhiễm, trẻ tiếp xúc phải lông chó mèo, phấn hoa hay các dị nguyên gây dị ứng cũng khiến trẻ mắc viêm mũi họng xuất tiết. Lúc này bạn nên luôn phải có thuốc dự phòng, chú ý cải thiện môi trường sống.
Viêm thanh khí phế quản
Thường xảy ra bởi sự co thắt đường hô hấp trên. Chủ yếu ở thanh quản và khí quản. Viêm thanh khí phế quản thường được gây ra bởi virus. Tác nhân thường gặp nhất là virus para influenza (nhóm 1 đến 3), chiếm 50 – 75% . Hầu hết các đợt viêm thanh khí phế quản đều ở mức độ nhẹ.
Các triệu chứng do tác nhân virus thường bắt đầu như nhiễm trùng đường hô hấp trên. Người bệnh sổ mũi, ho nhiều, nuốt khó, khàn giọng . Các triệu chứng này có thể tự cải thiện nhanh khi hết ho.
Viêm thanh khí phế quản là một phản ứng của cơ thể đối với virus. Những virus đã gây ra bệnh này có thể lây lan dễ dàng từ người này sang người khác bằng cách ho và hắt hơi. Thế nên để hạn chế lây lan bạn tránh tiếp xúc nơi đông người, rửa tay đúng cách, uống thuốc theo đơn.
Viêm họng hạt
Đây là tình trạng niêm mạc họng bị viêm mạn tính, khiến các mô lympho thành sau họng sưng lên, tạo thành các hạt màu đỏ hoặc hồng ở niêm mạc họng. Kích thước của những hạt này có thể to nhỏ khác nhau, từ bằng đầu đinh ghim đến hạt đậu.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên bệnh như virus vi khuẩn xâm nhập vào khoang miệng gây bội nhiễm. Viêm họng hạt có thể là biến chứng của viêm mũi xoang mạn tính, viêm họng cấp tái phát nhiều lần, viêm amidan mạn tính hoặc các bệnh đường tiêu hóa như trào ngược họng thanh quản…Môi trường sống ô nhiễm, lối sống không lành mạnh, yếu tố cơ địa, di truyền cũng là nguyên nhân gây nên viêm họng hạt.
Viêm xoang
Nếu bệnh chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn dưới 4 tuần thì được gọi là viêm xoang cấp tính. Trường hợp bệnh không được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, dai dẳng kéo dài từ trên 3 tháng thì gọi là viêm xoang mãn tính. Bệnh có 1 số triệu chứng đặc trưng như nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi… ở giai đoạn sớm. Khi bệnh diễn tiến nặng thì các biểu hiện khác như sốt, đau nhức đầu, nặng mặt, ho… Bệnh viêm xoang không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn có thể phát sinh biến chứng nếu dai dẳng kéo dài mà không được can thiệp đúng cách.