Người chuyển giới khổ sở tìm nơi khám phụ khoa

Bảo hiểm y tế không chi trả thuốc tăng nội tiết tố nữ sau phẫu thuật, không tìm được nơi có thể khám và điều trị các tổn thương… Đó là những vấn đề mà những người chuyển giới đang gặp phải.

Việc người đồng tính, song tính và chuyển giới gặp rào cản khi tiếp cận y tế dẫn đến việc họ phải tìm tới các dịch vụ y tế chui, không đảm bảo, ảnh hưởng tới sức khỏe vẫn xảy ra hằng ngày.

Chảy máu do dùng thuốc theo bạn bè mách bảo

TC (người chuyển giới nữ, 36 tuổi) thực hiện phẫu thuật bộ phận sinh dục tại Thái Lan do hiện dịch vụ y tế này chưa được cấp phép tại Việt Nam.

Sau phẫu thuật, C cần sử dụng thêm thuốc để tăng nội tiết tố nữ nhưng cô không thể tìm được nơi cung cấp dịch vụ y tế này tại Việt Nam. C sau đó dùng thuốc nội tiết theo kinh nghiệm được bạn bè chia sẻ mà không có bất cứ sự tư vấn, theo dõi chuyên môn nào.

Nhiều người chuyển giới gặp khó khăn trong việc tìm cơ sở y tế khám chữa bệnh. Ảnh: SCDI

Nhiều người chuyển giới gặp khó khăn trong việc tìm cơ sở y tế khám chữa bệnh. Ảnh: SCDI

Không lâu sau đó, C thấy chảy máu từ bộ phận sinh dục mới được phẫu thuật. Do không tìm được nơi thăm khám nên cô đành ngưng việc điều trị nội tiết tố mà bạn bè mách bảo. Nhưng cô vẫn không ngừng băn khoăn liệu việc dừng thuốc này có ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật trước đó hay không. Đến nay cô vẫn chưa tìm được địa chỉ tư vấn phù hợp.

Một trường hợp khác, HK (người chuyển giới nữ, 28 tuổi) cũng không tìm được cơ sở y tế có thể khám và điều trị các tổn thương, đau rát khi quan hệ tình dục sau khi thực hiện phẫu thuật vùng dưới.

Cuối cùng, K được người quen giới thiệu một bác sĩ giúp xử lý vết nhiễm trùng và hỗ trợ vệ sinh đến khi hoàn toàn hồi phục.

Không chỉ người chuyển giới nữ hay người chuyển giới đã từng phẫu thuật bộ phận sinh dục mới gặp các vấn đề về sức khỏe sinh sản. K chia sẻ thêm: “Bạn bè của mình là người chuyển giới nam cũng gặp các vấn đề như vùng dưới bị sưng hoặc có mùi, tìm kiếm được dịch vụ sẵn có đã ít, tìm được cơ sở thân thiện với người chuyển giới còn khó khăn hơn”.

Đồng tính không phải làbệnh

Bà Nguyễn Thị Kim Dung (quản lý chương trình Hỗ trợ mạng lưới cộng đồng - Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng - SCDI) cho biết: “SCDI rất vui mừng khi Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, TP; cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc bộ và y tế các bộ, ngành chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới”.

Cũng theo bà Dung, mặc dù WHO đã loại bỏ đồng tính và chuyển giới ra khỏi danh sách các bệnh tâm thần nhưng văn bản của Bộ Y tế giúp khẳng định một lần nữa quan điểm này. Điều đó sẽ giúp chấm dứt tình trạng “chữa trị” đồng tính và chuyển giới ở các cơ sở y tế.

Đại diện Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng thông tin việc người đồng tính, song tính và chuyển giới gặp rào cản khi tiếp cận y tế dẫn đến việc họ phải tìm tới các dịch vụ y tế chui, không đảm bảo, ảnh hưởng tới sức khỏe vẫn xảy ra hằng ngày.

Sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn xảy ra với người đồng tính, song tính và chuyển giới ở các môi trường khác nhau, trong đó có các dịch vụ y tế. Điều này hạn chế việc họ tiếp cận với các dịch vụ y tế, đặc biệt là y tế công. Họ sẽ có xu hướng tìm tới các dịch vụ y tế không đảm bảo chất lượng.

Các can thiệp y tế này có thể dẫn tới các rủi ro về mặt sức khỏe: Có nhiều bạn chuyển giới bị áp-xe, bị sốc khi sử dụng hormone, thậm chí tử vong vì không được cấp cứu kịp thời, các ca phẫu thuật không đảm bảo tiêu chuẩn ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe của họ, gây ra những hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe cả về mặt thể chất và tâm lý” - bà Nguyễn Thị Kim Dung nói.

Với hy vọng rút ngắn khoảng cách, giảm kỳ thị, đảm bảo quyền được tiếp cận các dịch vụ xã hội, giáo dục, y tế cho người đồng tính, song tính và chuyển giới, đại diện Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng kiến nghị: Các cơ quan truyền thông cần hỗ trợ việc nâng cao nhận thức của công chúng, của các cơ quan lập pháp về người LGBTIQ+ (LGBTIQ+ cũng tương tự LGBT nhưng có thêm cụm Queer tức là người có xu hướng tính dục đặc biệt, không nhận định được bản thân thuộc bất cứ giới nào; hoặc là Questioning, tức những người đang trong giai đoạn tìm kiếm xu hướng tính dục của bản thân) và các quyền của họ để từ đó giúp xóa bỏ sự kỳ thị và phân biệt với người LGBT trong các môi trường khác nhau.

Cạnh đó, môi trường pháp lý cũng cần được cải thiện nhằm tạo thuận lợi cho họ trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội, giáo dục, y tế, việc làm, cụ thể Quốc hội cần sớm thông qua dự thảo Luật chuyển đổi giới tính nhằm tạo điều kiện cho người chuyển giới được thừa nhận, được phát triển, được đáp ứng các nhu cầu chăm sóc y tế và thay đổi giấy tờ. Việc chống kỳ thị và phân biệt đối xử với cộng đồng LGBTIQ+ cũng cần được thể chế hóa trong các quy định của pháp luật hiện hành.

Bộ Y tế: Chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh
đối với người chuyển giới

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, TP; cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc bộ và y tế các bộ, ngành chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh đối người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của mình tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các bác sĩ, nhân viên y tế và người dân hiểu đúng về người đồng tính, song tính và chuyển giới.

Khi khám bệnh, chữa bệnh cho người đồng tính, song tính, chuyển giới phải bình đẳng, tôn trọng giới tính, không phân biệt đối xử, không kỳ thị họ. Không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh, không can thiệp, ép buộc điều trị với họ, nếu có chỉ là hỗ trợ về tâm lý và do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện.

NHƯ LOAN

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-chuyen-gioi-kho-so-tim-noi-kham-phu-khoa-post693505.html