Người cổ đại có thể đã sở hữu khả năng y học trình độ cao
Di cốt một người trẻ với phần chân bị cắt cụt có thể sẽ đảo lộn hoàn toàn những gì chúng ta đã biết về người cổ đại và cách họ điều trị bệnh tật trong quá khứ.
Các nhà khảo cổ vừa tìm thấy trong một ngôi mộ nông, nằm tại một cái hang ít người lui tới ở Indonesia, phần di cốt của một người trẻ với những dấu vết có thể làm thay đổi lịch sử ngành y.
Sử dụng kỹ thuật xác định niên đại bằng carbon phóng xạ, các nhà khoa học ước tính di cốt nằm trong hang Liang Tebo ở phía Đông tỉnh Kalimantan đã không bị xáo trộn trong suốt 31.000 năm, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature hôm 7/9.
Nhưng điều đáng chú ý nhất là di cốt này, hiện chưa rõ nam hay nữ, bị mất phần chân trái. Dường như phần chân đã bị cắt cụt một cách cẩn thận, khi người này còn ở độ tuổi thiếu niên hoặc vị thành niên, trước khi tử vong không rõ nguyên nhân vào khoảng năm 19 - 21 tuổi.
Các nhà khảo cổ Australia và Indonesia, những người tìm thấy phần di cốt còn khá nguyên vẹn vào năm 2020, đánh giá việc cắt cụt chi cho thấy kỹ năng phẫu thuật đáng kể của người cổ đại. Nếu được xác minh chính xác, đây có thể là trường hợp được phẫu thuật cắt chi sớm nhất trong lịch sử, làm thay đổi hoàn toàn sự hiểu biết của chúng ta về trình độ của con người thời đồ đá.
Maxime Aubert, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa và Xã hội của Đại học Griffith ở Queensland, Australia, cho biết: “Phát hiện này có ý nghĩa lớn vì nó đẩy lùi sự hiểu biết đã có của chúng ta về phẫu thuật và y học phức tạp. Người cổ đại phải có kiến thức sâu rộng về giải phẫu, hiểu cách ngăn dòng máu chảy, cách gây mê và khử trùng đồ phẫu thuật. Tất cả những điều này mới chỉ trở thành tiêu chuẩn trong thời gian gần đây mà thôi".
Các chuyên gia từng nghĩ rằng con người thiếu chuyên môn để thực hiện các hoạt động điều trị phức tạp như cắt cụt chi. Họ cho rằng hoạt động này chỉ diễn ra cùng sự xuất hiện của nông nghiệp và các khu định cư lâu dài đã biến đổi xã hội loài người trong vòng 10.000 năm trở lại đây.
Trước phát hiện mới, vết tích về người trải qua phẫu thuật cổ xưa nhất được biết đến là một nông dân lớn tuổi, người bị cắt bỏ phần cẳng tay trái cách nay 7.000 năm trước ở khu vực ngày nay là nước Pháp. Cách đây 100 năm, phẫu thuật cắt cụt chi mới trở thành một hoạt động diễn ra thường xuyên với y học phương Tây. Nghiên cứu cho biết trước khi có những nghiên cứu quan trọng như thuốc kháng sinh, hầu hết các bệnh nhân đều sẽ chết tại thời điểm họ phải cắt chi để điều trị.
Tim Maloney, nhà nghiên cứu tại Đại học Griffith và là một trong những đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Mất máu, sốc và nhiễm trùng là những nguyên nhân chính dẫn đến tử vong sau khi cắt cụt chi". Ông nói thêm rằng trong lịch sử loài người, điều này vẫn diễn ra cho tới tận gần đây mới chấm dứt.
Theo nhóm nghiên cứu, bệnh nhân người cổ đại ở Indonesia đã bị cắt cụt chân trái khi còn nhỏ. Người này đã sống thêm từ 6 đến 9 năm sau cuộc phẫu thuật. Không có dấu vết nhiễm trùng trong xương, và sự phát triển xương mới đã hình thành trên khu vực bị cắt cụt - hiện tượng vốn cần nhiều thời gian mới diễn ra. Thêm vào đó, trong khi phần còn lại của bộ xương có kích thước của người trưởng thành, các phần xương cụt ngừng phát triển và giữ lại kích thước như khi bệnh nhân còn là trẻ em.
Bác sĩ phẫu thuật hoặc nhóm bác sĩ phẫu thuật đã thực hiện ca cắt cụt chi cách đây 31.000 năm. Có thể họ đã dùng cao và các phương tiện phục vụ phẫu thuật làm từ đá. Họ dường như cũng có kiến thức chi tiết về giải phẫu và hệ thống cơ, mạch máu để tiến hành phẫu thuật thành công, đồng thời ngăn mất máu, gây nhiễm trùng và tử vong cho bệnh nhân.
Sau khi cắt cụt chi, hoạt động chăm sóc tích cực có thể đã trở thành yếu tố rất quan trọng. Vết thương có thể đã thường xuyên được làm sạch và sát trùng. Ngoài ra, để sống ở khu vực nhiều đồi núi ở Indonesia cổ đại, bệnh nhân có thể đã cần rất nhiều sự giúp đỡ từ cộng đồng.
Charlotte Roberts, giáo sư danh dự tại Khoa Khảo cổ học tại Đại học Durham, Anh, cho biết trong một bài bình luận được xuất bản cùng với nghiên cứu: “Đứa trẻ này sống sót sau ca phẫu thuật và còn sống thêm nhiều năm sau đó. Đây là điều rất đáng kinh ngạc."
Roberts đồng ý với đánh giá của nhóm nghiên cứu rằng phần chi đã được cắt bỏ một cách cố ý. Việc cụt chi do tai nạn sẽ không để lại dấu vết cắt "sạch sẽ" như thế. Cũng không có bằng chứng cho thấy phần chân trái bị chặt như một hình phạt, điều mà Roberts có thể dễ dàng nhận ra do cô từng được đào tạo để trở thành một y tá trước khi làm công việc của một nhà khảo cổ học.
Các nhà khoa học Australia trong nhóm nghiên cứu đánh giá có thể nhóm phẫu thuật có kiến thức tốt về các loại cây thuốc, chẳng hạn như thuốc sát trùng, mọc trong rừng nhiệt đới Borneo. Không loại trừ việc họ đã dùng những thứ thuốc này để hỗ trợ hoạt động phẫu thuật và điều trị hậu phẫu./.