Người con gái Hưng Yên Nguyễn Thị Nghĩa trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Xô Viết Nghệ Tĩnh là đỉnh cao của phong trào cách mạng trong cả nước những năm 1930 - 1931, một sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam. Chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp 'rung trời chuyển đất' của liên minh công - nông và Nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo thống nhất của Ðảng Cộng sản Việt Nam vừa mới ra đời. Ðóng góp vào cao trào đó, sử sách mãi ghi công lao của người con gái sinh ra ở huyện Ân Thi hy sinh ở tuổi đôi mươi cho sự nghiệp cách mạng - chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thị Nghĩa.

Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa

Đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa

Bà tên thật là Nguyễn Thị Hẹn, sinh năm 1909 trong một gia đình nông dân. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống, hằng ngày phải tận mắt chứng kiến cuộc sống lầm than của người dân nô lệ, Nguyễn Thị Nghĩa đã sớm ý thức được trách nhiệm của một người thanh niên yêu nước. Năm 20 tuổi, bà gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Tham gia phong trào "vô sản hóa", bà xin vào làm công nhân Nhà máy bát Hải Phòng, sau đó là Nhà máy gạch Năm Giệm - Hà Nội. Thời gian làm việc với công nhân trong các nhà máy, bà đã tích cực tuyên truyền cách mạng, phổ biến cho anh chị em công nhân những tư tưởng tiến bộ, đồng thời trao đổi với chị em nỗi khổ cực của người phụ nữ sống dưới chế độ thực dân, phong kiến. Sau khi giác ngộ họ, bà vận động, lãnh đạo anh chị em công nhân đứng lên đấu tranh với bọn chủ nhà máy để đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, cúp phạt, sa thải công nhân. Qua các cuộc đấu tranh đó, tinh thần yêu nước và ý thức giải phóng dân tộc của anh chị em công nhân đã được nâng lên rõ rệt. Những hoạt động của bà dần dần đã bị bọn mật thám theo dõi, chúng báo cho bọn chủ đuổi bà ra khỏi nhà máy.

Năm 1930, bà Nguyễn Thị Nghĩa vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Ðảng. Lúc này, phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh đang phát triển mạnh. Ðặc biệt, công nhân và nông dân đã có sự phối hợp chặt chẽ, tạo nên làn sóng đấu tranh mạnh mẽ uy hiếp chính quyền địch. Bà đã được tổ chức phân công vào Nghệ Tĩnh, trực tiếp hoạt động trong các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy để tuyên truyền, vận động công nhân. Tại đây, bà thường xuyên nói chuyện với công nhân, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của công nhân, phân tích cho họ thấy cần phải đấu tranh cách mạng để tự giải phóng cho chính mình. Mọi chủ trương, đường lối của Ðảng được bà phổ biến một cách linh hoạt, kịp thời. Bà đã phối hợp với các đồng chí trong tổ chức lãnh đạo công nhân đấu tranh chống lại bọn chủ nhà máy, tổ chức rải truyền đơn ủng hộ các cuộc đấu tranh của Nhân dân Nghệ Tĩnh, đồng thời phối hợp với nông dân các huyện Nghi Lộc, Hưng Nguyên biểu tình đòi thực dân Pháp thực hiện các yêu sách. Từ giữa năm 1930, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu. Yêu cầu đặt ra lúc này là cần có sự chỉ đạo sát sao của Trung ương đối với phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh và cần phải có những cán bộ giao thông ưu tú. Trước tình hình đó, người đảng viên trẻ Nguyễn Thị Nghĩa đã được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ làm giao thông liên lạc đặc biệt giữa Trung ương và Xứ ủy Trung Kỳ, cụ thể là tuyến Vinh - Hà Nội. Ðây là công việc hết sức nguy hiểm đòi hỏi phải mưu trí, sáng tạo và dũng cảm. Ðể vượt qua sự theo dõi, kiểm soát gắt gao của địch, bà phải cải trang linh hoạt để đưa các tài liệu bí mật đến nơi an toàn cho các tổ chức đảng.

Trong một chuyến đi công tác từ Vinh ra Hà Nội, bà bị rơi vào vòng vây của địch. Chúng đưa bà đi khắp các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy để tìm cơ sở cách mạng, song không có kết quả. Bà bị đưa về Ty Mật thám Vinh. Chúng dùng mọi thủ đoạn mánh khóe từ dụ dỗ đến tra tấn dã man bà để khai thác thông tin, song kết quả thu được chỉ là con số không! Những cuốn hồi ký cách mạng của nhiều chiến sĩ cộng sản ghi chép lại, trong lao, bà bị tra tấn dã man bằng dùi cui, đổ nước xà phòng vào miệng, lấy dây điện, thanh sắt đánh vào những chỗ hiểm, lấy kìm nung đỏ kẹp đứt ra từng miếng thịt ở tay, ở ngực, dùng kìm nhổ răng, tiêm thuốc độc...

Trong nhà lao của bọn đế quốc, anh em tù chính trị vừa thương xót vừa cảm phục trước tinh thần dũng cảm, kiên cường bất khuất của người con gái đất Bắc. Họ đã nhường các phần quà bánh, thuốc men, động viên, khuyên bà giữ vững tinh thần. Khi những vết thương trên người giảm bớt đau, bà bắt đầu tìm hiểu tình hình ở trong lao. Ban ngày giả câm, ban đêm bà trao đổi với bạn tù kế hoạch công tác trong nhà lao như tổ chức cho chị em học văn hóa, chính trị, lập quỹ cứu tế, hướng dẫn chị em biết cách tuyên truyền giác ngộ binh lính, làm cho họ hiểu những người cách mạng không phải là kẻ thù mà chính là bạn thân thiết của công, nông, binh. Một số anh em binh lính giác ngộ đã trở thành người giúp đỡ tích cực cho chị em tù nhân, mang những tin tức đấu tranh từ bên ngoài của phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh cho chị em trong tù biết.

Chế độ lao tù khắc nghiệt, những trận đòn tra tấn dã man và liều thuốc độc đã khiến đồng chí Nguyễn Thị Nghĩa anh dũng hy sinh tại nhà lao Vinh vào ngày 17/5/1931. Trước khi hy sinh, bà truyền lại cho những người bạn tù lòng yêu nước nồng nàn, sự căm thù địch sâu sắc và niềm tin sắt đá ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng đang bùng cháy trong lòng bà. Trong thời gian bị giam ở nhà lao Vinh, bà đã làm bài thơ "Hồn ta hãy còn" để tỏ rõ ý chí cách mạng, khí phách kiên cường của người chiến sĩ cộng sản. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, bà đã dồn hết sức lực để đọc mấy câu:
“Rồng Tiên con cháu nước nhà
Nước ta tuy mất hồn ta vẫn còn
Còn trời còn nước còn non
Hãy còn quân giặc ta còn đấu tranh”

Hiện nay, có nhiều tài liệu ghi chép về cuộc đời hoạt động cách mạng ngắn ngủi của bà, song rất đỗi vinh quang; ảnh, hiện vật của bà được trưng bày tại nơi trang trọng trong Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội), Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (Nghệ An). Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Ðà Lạt (Lâm Ðồng) có đường phố mang tên Nguyễn Thị Nghĩa như một sự ghi nhận công lao của bà trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Đào Doan

.......................................Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn "Những người cộng sản" Nhà xuất bản Thanh niên; "Con đường giải phóng" Nhà xuất bản Phụ nữ.

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/nguoi-con-gai-hung-yen-nguyen-thi-nghia-trong-cao-trao-xo-viet-nghe-tinh-3175049.html