Người cựu binh Quảng Trị suốt 35 năm thầm lặng 'canh giấc ngủ' cho đồng đội

Hơn 35 năm qua, người cựu binh Cáp Kim Xinh ở huyện Cam Lộ, Quảng Trị vẫn tận tụy với công việc làm sạch đẹp, bảo vệ từng ngôi mộ, hương khói chu đáo cho đồng đội.

"Mỗi liệt sĩ an nghỉ nơi này đều là người thân của gia đình"

Quảng Trị - vùng đất gánh chịu nhiều đau thương mất mát, chứng kiến bao cảnh tàn khốc và hủy diệt của chiến tranh. Theo thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, so với các tỉnh, thành trong cả nước, Quảng Trị là tỉnh có nhiều nghĩa trang, nhiều mộ phần liệt sĩ (với 72 nghĩa trang và hơn 7 vạn mộ liệt sĩ).

Và ở những nghĩa trang ấy, vẫn có những con người thầm lặng hương khói hằng ngày cho anh linh các liệt sĩ với tâm niệm “mỗi liệt sĩ an nghỉ nơi này đều là người thân của gia đình”. Ông Cáp Kim Xinh (71 tuổi), làm quản trang ở Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cam Chính, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị là một trong những người ấy.

Nghĩa trang liệt sĩ Cam Chính, Quảng Trị hiện có hơn 630 phần mộ liệt sĩ.

Nghĩa trang liệt sĩ Cam Chính, Quảng Trị hiện có hơn 630 phần mộ liệt sĩ.

Đã 37 năm trôi qua kể từ ngày ông Xinh nhận chăm sóc 631 phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Cam Chính. Ngày qua ngày, ông Xinh và vợ luôn tận tụy với công việc làm sạch đẹp, bảo vệ từng ngôi mộ, hương khói chu đáo, để các anh hùng, liệt sĩ yên giấc ngàn thu.

Theo lời kể của người cựu binh, ông sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Hải Xuân, nay là xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Năm 1972, khi vừa tròn 18 tuổi, ông vào quân ngũ, tham gia chiến đấu ở chiến trường Thành Cổ Quảng Trị và huyện Hải Lăng.

Cựu binh Cáp Kim Xinh cùng vợ hằng ngày vẫn tận tụy quét dọn, chăm sóc các phần mộ trong nghĩa trang.

Cựu binh Cáp Kim Xinh cùng vợ hằng ngày vẫn tận tụy quét dọn, chăm sóc các phần mộ trong nghĩa trang.

Trong một trận đánh vào tháng 7/1972, ông Xinh đau đớn chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh, bản thân ông bị thương nặng sau khi hứng chịu quả bom B52 do địch trút xuống.

"Đó là một buổi sáng trên chiến trường, tôi cùng đồng đội đang làm nhiệm vụ thì máy bay địch ném bom, 9 người thì 8 người nằm lại, tôi may mắn sống sót nhưng bị thương nặng ở 2 chân, ù tai", ông Xinh nhớ lại.

Hồi phục vết thương, ông Xinh tiếp tục trở lại chiến trường, tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ rà phá bom mìn tại huyện Hải Lăng. Khi đất nước thống nhất, ông Xinh xuất ngũ, tham gia phát triển kinh tế mới tại nhiều địa phương như Gia Lai, Đồng Nai, năm 1986, trở về sinh sống tại xã Cam Chính.

"Thời điểm 1987, ở xã Cam Chính còn hoang sơ, ruộng vườn chưa được khai phá, đường đi lại khó khăn. Gần chỗ tôi ở có một nghĩa trang liệt sĩ, thấy nghĩa trang rất vắng vẻ, cây cối rậm rạp, các phần mộ chưa được ốp gạch đá nằm cô quạnh nên tôi xin nhận chăm sóc, hương khói đến nay", ông Xinh chia sẻ.

Nguyện dành phần đời còn lại "canh giấc ngủ" ngàn thu

Những ngày đầu nhận công việc, ông Xinh và vợ dành thời gian phát quang bụi rậm, san lấp hố bom, quét dọn, chỉnh trang khuôn viên nghĩa trang, các phần mộ. Những dịp lễ, Tết, ông Xinh ở lại nghĩa trang cả ngày để thắp hương cho các liệt sĩ, tiếp đón người dân, thân nhân liệt sĩ đến viếng, dâng hương.

Ông Xinh cho biết, ông nguyện dành phần đời còn lại để chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, với ông đây vừa là trách nhiệm, vừa để tri ân đồng đội, các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Cam Chính cho biết, ông Cáp Kim Xinh là một người cựu chiến binh, thương binh mẫu mực. Ông Xinh gắn bó nhiều năm với nghĩa trang liệt sĩ và luôn làm sạch đẹp khuôn viên, các khu mộ, làm lễ cho các đoàn thăm viếng.

Với công việc quản trang, ông Xinh được trợ cấp 700.000 đồng/tháng. Chính quyền xã Cam Chính cũng thường xuyên thăm hỏi, động viên, quan tâm đến đời sống của ông Xinh cũng như các thương binh, gia đình chính sách khác trên địa bàn, qua đó góp phần bồi đắp đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Lê Kông

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/nguoi-cuu-binh-quang-tri-suot-35-nam-tham-lang-canh-giac-ngu-cho-dong-doi-204240725055640232.htm