Người cựu chiến binh hơn 40 năm đau đáu lời hứa với đồng đội

'Sau này nhất định tôi sẽ đưa các anh về với quê hương', đó là lời hứa trong trận chiến năm xưa, lời hứa vẫn luôn văng vẳng trong tâm trí cựu chiến binh Phạm Quang Lại, Khu phố 1, phường Suối Hoa, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) hơn 40 năm qua.

Chính từ lời hứa ấy, dù mái tóc trên đầu đã pha sương nhưng trong tâm trí ông chưa bao giờ nguôi ước vọng đi tìm và đưa hài cốt những đồng đội đã ngã xuống nơi biên giới Việt-Lào về quê hương.

Từ lời hứa hơn 40 năm trước

Tháng 8-1969, chiến tranh chống đế quốc Mỹ đang diễn ra ác liệt, khi đó, Phạm Quang Lại vừa tròn 17 tuổi đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, Phạm Quang Lại được điều động vào thực hiện nhiệm vụ tại Tiểu đoàn 923 thuộc Bộ tư lệnh Đoàn 959 (quân tình nguyện sang làm nhiệm vụ tại Lào). Đến tháng 1-1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, đơn vị ông được lệnh rút về nước. Trước khi rút về, thủ trưởng Bộ tư lệnh có giao một nhiệm vụ quan trọng cho ông Lại và một số anh em còn sống sót sau trận đánh ở sân bay Mường Hiềm: “Bằng mọi cách phải đưa được hài cốt các anh em đã ngã xuống về với quê hương”. Ngay lập tức, ông cùng anh em đồng đội bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ.

Ông Phạm Quang Lại kể về cuộc hành trình đi tìm hài cốt đồng đội.

Ông Phạm Quang Lại kể về cuộc hành trình đi tìm hài cốt đồng đội.

Chiến tranh ác liệt, đồng đội hy sinh nhiều, đại đội ông có 40 người thì đã hy sinh 37 người. Phải vất vả lắm ông và hai đồng đội còn sống mới đưa được hài cốt của các đồng đội hy sinh ở khu vực: Nậm Păng, Phan Xi Pu, Phu Cum, sân bay Mường Hiềm tại nước bạn về nước. Ông Lại kể: “Có hai điểm là khu vực chiến trường Nậm Tạp và khu vực sân bay Tam-Na-La-Khàng do đồng đội mới hy sinh và vừa chôn cất nên chưa tiêu, nếu xử lý luôn thì không được, ảnh hưởng đến người đã chết và không thể mang thi hài về ngay lúc ấy được. Nhìn anh em hy sinh mà tôi không thể cầm lòng, họ đã nằm xuống để tôi được trở về”.

Lúc đó, ông Lại đành phải nuốt nước mắt, nghẹn ngào ghi chép chi tiết cụ thể những địa danh, vị trí phần mộ các liệt sĩ đã được đánh dấu cẩn thận vào trong cuốn nhật ký của mình và hứa trước hương hồn các anh: “Sau này, nhất định tôi sẽ đưa các anh về với quê hương”.

Sau chiến thắng mùa Xuân 1975, đất nước thống nhất, ông Lại công tác tại Trường Hậu cần Quân khu Thủ đô. Những năm tháng công tác trong quân đội đến khi nghỉ hưu, lúc nào trong ông cũng đau đáu một nỗi niềm: “Phải làm sao đưa được hài cốt những đồng đội đã ngã xuống về với quê hương”. Nhưng thực hiện làm sao đây khi khoảng cách địa lý quá xa, phương tiện đi lại, đường sá cũng có nhiều thay đổi… Nhiều đêm ông mất ngủ, nghĩ về quá khứ, những trận chiến giằng co ác liệt ngày nào lại hiện ra trước mắt ông. Nghĩ về lời hứa trước đồng đội, ông lại càng quyết tâm.

Nhật ký ông Phạm Quang Lại lưu giữ tư liệu về nơi đồng đội hy sinh bên nước bạn Lào.

Nhật ký ông Phạm Quang Lại lưu giữ tư liệu về nơi đồng đội hy sinh bên nước bạn Lào.

Một ngày mùa đông năm 2010, sau một đêm mơ thấy đồng đội về báo mộng cho mình, ngay hôm sau, ông Lại đã quyết định cùng vợ và hai đồng đội cũ về thăm lại di tích lịch sử cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa. Và cũng nhờ chuyến đi này, ông Lại đã gặp đoàn cán bộ của nước bạn Lào cũng đi tham quan, tại đây, ông được làm quen ông Viêng Phết, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hủa Phăn, vốn là người con của bản La Cút, vùng đất cách sân bay Tam-Na-La-Khàng (hay còn gọi là đồi Củ Khoai) khoảng chừng 8 cây số-nơi năm xưa các đồng đội ông hy sinh. Sau khi biết câu chuyện và lời hứa năm nào của ông, Chính ủy Viêng Phết đã nhận lời giúp ông thực hiện lời hứa còn dang dở.

Cuộc hành trình như đã hẹn

Trở về nhà sau cuộc gặp gỡ năm ấy, ông bàn bạc với vợ và các con để chuẩn bị kinh phí cho cuộc hành trình tìm hài cốt đồng đội. Năm 2011, ông Phạm Quang Lại đã tìm đến Đại sứ quán Lào ở Việt Nam trình bày sự việc và xin làm các thủ tục để sang Lào thực hiện lời hứa của mình. Nhưng hồ sơ của từng liệt sĩ ông cũng không có, bằng chứng cũng không, giấy tờ ông có chỉ là cuốn nhật ký đã đi theo quá nửa cuộc đời. Ông Lại nhớ đến người bạn Viêng Phết và nhờ anh bảo lãnh giúp, nhờ đó ông được Đại sứ quán Lào tạo điều kiện làm các thủ tục. Ông Lại không ngờ rằng đây mới chỉ là sự bắt đầu cho cuộc hành trình nhiều vất vả.

Đón người bạn trên đất Lào, ông Viêng Phết đã dẫn ông đến sân bay Tam-Na-La-Khàng, thế nhưng để đến được nơi này, hai người phải băng rừng vượt suối khá vất vả. Tìm đến nơi, tất cả đã khác xưa, trước mắt họ là rừng cây um tùm, hố bom ngày nào nơi các anh ngã xuống đã không còn nữa. Nhưng những ký ức lại hiện về trước mắt, ngay lập tức ông Lại đã tìm được ra vị trí của các phần mộ đồng đội mình đang nằm ở đó. Ông liền trở về Việt Nam, báo cáo và nhờ người giúp đỡ làm thủ tục để đưa phần mộ của đồng đội về với đất mẹ. Nhưng do khoảng cách địa lý giữa hai nước nên tháng 11-2011 ông mới làm xong các thủ tục và báo cáo với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa và lãnh đạo tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào giúp đỡ. Và tới lần sang Lào vào tháng 12-2011, ông đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa giúp đỡ và cử một đoàn gồm 15 sĩ quan, 1 bác sĩ, 3 xe ô tô đi cùng, kết hợp với các phương tiện tìm kiếm, khai quật phục vụ cho quá trình đưa hài cốt các liệt sĩ về nước.

Quá trình tìm kiếm theo vị trí như trong cuốn nhật ký của mình đã xác định, trong ba ngày, ông đã giúp đoàn công tác nhanh chóng tìm ra phần mộ và hài cốt của 37 đồng đội. Sau đó, ông Lại bàn giao hồ sơ cho đoàn công tác. Giữa tháng 5-2012, hài cốt các liệt sĩ được cơ quan chức năng đưa về Việt Nam an táng.

Từ năm 2012 đến nay, ông Lại vẫn tiếp tục hành trình tìm kiếm thông tin đồng đội, hễ cứ nghe ở đâu có thông tin mới là ông lại tìm đến. Trời không phụ công người, đến năm 2022, ông Phạm Quang Lại và đội quy tập hài cốt liệt sĩ tỉnh Thanh Hóa lại tiếp tục sang nước bạn Lào và đưa được hài cốt của đồng chí Nguyễn Đức Thuần quê ở huyện Na Hang (Tuyên Quang) hy sinh ở hang Xốp Khao (Hủa Phăn) về nước.

Chia sẻ về quá trình tìm kiếm hài cốt đồng đội, ông Lại xúc động kể: “Trong số các hài cốt tìm được, tôi còn nhớ mãi kỷ vật là con dao găm và chiếc nhẫn trên tay đồng chí Trung úy Hà Đình Ngọc, Đại đội trưởng, giờ tìm thấy hài cốt của anh, tôi mừng lắm. Hôm tìm kiếm hài cốt các anh, chúng tôi thấy có trường hợp nhiều thi thể nằm chồng lên nhau, phải phân loại để xác định”. Chia sẻ với chúng tôi, người nhà của đồng chí Nguyễn Văn Chanh quê ở Lạng Giang (Bắc Giang), một trong những liệt sĩ được ông Lại tìm thấy hài cốt đưa về địa phương, tâm sự: “Chúng tôi không biết nói gì về tấm lòng của cựu chiến binh Phạm Quang Lại, nhờ có ông Lại mà em của chúng tôi và các anh em khác đã ngã xuống được trở về với quê hương”.

Hằng năm, cứ đến ngày 23-11 (âm lịch), ông Phạm Quang Lại lại lên nhà thăm và thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Văn Chanh, người đã sát cánh chiến đấu với mình trong những ngày lửa đạn.

Với những đóng góp trong việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, cựu chiến binh Phạm Quang Lại đã được UBND tỉnh Bắc Ninh tặng bằng khen; ông cũng được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015 của tỉnh Bắc Ninh, được Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong việc cung cấp thông tin tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ giai đoạn 2005- 2015… Năm 2024, ông được Hội đồng thi đua khen thưởng phường Suối Hoa đề nghị công nhận gương “Người tốt, việc tốt” và “Công dân Bắc Ninh ưu tú”.

Tâm sự về những dự định sắp tới của mình, ông Lại cho biết: “Tôi dự định sẽ làm đơn đề nghị Đại sứ quán Lào tạo điều kiện giúp tôi sang Lào tìm kiếm 7 đồng đội hy sinh ở khu vực Nậm Tạp (đồi Cây Dẻ). Ngoài ra, tôi cũng có một điều trăn trở, ngày nhận nhiệm vụ hôm đó cùng tôi có đồng chí Nguyễn Đình Chiến, người quê Nghệ An, có nhiệm vụ mang hài cốt đồng đội hy sinh ở nhánh khác thuộc khu vực huyện Pha Thí của Lào, nhưng đến nay các đồng đội hy sinh vẫn chưa tìm thấy và cũng không rõ đồng chí Chiến còn sống hay không... Trong khi nhánh đồng chí ấy đảm nhiệm vẫn còn hài cốt của 100 đồng chí nữa! Đó là điều mà tôi luôn trăn trở!”.

Chia tay ông Lại, nhìn mái đầu đã điểm bạc, ánh mắt xa xăm của ông, tôi thầm nghĩ rằng, lời hứa của ông hơn 40 năm qua đã thành hiện thực, nhưng ước vọng đi tìm và đưa hài cốt những đồng đội đã ngã xuống nơi biên giới Việt-Lào về với gia đình, về với đất mẹ yêu thương vẫn đang đợi ông thực hiện.

Bài và ảnh: BÙI QUANG KHA

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/nguoi-cuu-chien-binh-hon-40-nam-dau-dau-loi-hua-voi-dong-doi-791783