Người da đen treo cổ và bị thiêu sống, chuyện gì đang xảy ra ở Mỹ?

Một số hình ảnh đen tối đầy nhức nhối trong lịch sử phân biệt chủng tộc ở nước Mỹ đang tái hiện, thúc đẩy các cuộc biểu tình trong phong trào Black Lives Matter.

Ở cả hai bên bờ biển, những người đàn ông da đen được tìm thấy treo trên cây trong những vụ việc nghi là tự tử đã gợi nhớ lại những cuộc hành quyết bất hợp pháp. Những vụ thiêu sống đang được điều tra tại ít nhất hai bang miền Nam. Và các vụ treo cổ đã được báo cáo ở những nơi khác nhau như đường đua Sonoma ở California và một công trường xây dựng ở Portland, Ore.

"Mỗi khi thấy cảnh sát phía sau, con đều thắc mắc con có thể bị giết hay không?"

Robert Fuller, một người đàn ông da đen 24 tuổi, được tìm thấy trong tư thế treo trên cây trước cửa tòa thị chính vào đầu tháng 6. Chính quyền địa phương nhanh chóng phán quyết rằng Fuller đã tự kết liễu đời mình bằng cách công khai nhất.

Tuy nhiên, cư dân Palmdale yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về cái chết của Fuller, một dấu hiệu cho thấy các cơ quan chính phủ đã gây mất lòng tin như thế nào trong việc xử lý các vấn đề về chủng tộc.

 Một người đàn ông da đen quỳ gối trước địa điểm phát hiện cái chết của Robert Fuller. Ảnh: The Washington Post.

Một người đàn ông da đen quỳ gối trước địa điểm phát hiện cái chết của Robert Fuller. Ảnh: The Washington Post.

"Chúng tôi không biết điều gì đang thật sự xảy ra", Waunette Cullors, 54 tuổi, ủy viên hội đồng thị trấn Littlerock bức xúc. "Chúng tôi không thể tin tưởng cảnh sát trưởng, không có gì là minh bạch cả. Chúng tôi không biết liệu mọi người có phải bị bắt và xử tử hay không".

Dân chúng yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ điều tra cái chết của Fuller từ ngày 10/6, phản ánh sự thôi thúc tăng cường giám sát đối với các sở cảnh sát địa phương kể khi George Floyd, một người đàn ông da đen không vũ trang, bị cảnh sát thành phố Minneapolis ghì chân lên cổ dẫn tới tử vong. FBI đang theo dõi vụ án của Fuller.

Ngay cả khi cái chết của Fuller được xác định là tự tử, thì nó cũng gợi nhớ những cuộc hành quyết - hành động tàn bạo nhất của người da trắng đối với dân quyền của người da đen nhiều thập kỷ trước.

Tại thung lũng Antelope, rất nhiều người đã chuyển từ nơi khác đến, thường là từ thành phố Los Angeles đắt đỏ. Họ đến đây vì giá nhà hợp lý hơn và các khu phố cũng an toàn hơn. Thế nhưng, ẩn giấu bên dưới là một sự phân biệt đối xử và phân biệt chủng tộc, điều mà những người Mỹ gốc Phi tại đây nói rằng vẫn chưa hoàn toàn biến mất.

Khi Cullors chuyển đến đây vào những năm 1990, gia đình khuyên cô hãy cẩn thận. Cô cũng rất lo lắng cho con trai của mình, người đã cao đến 1,9 m khi bước vào trung học.

"Con tôi đã bị chặn lại vài lần không có lý do gì. Điều đó rất ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của con", Cullors nói. "Nó đã từng nói với tôi rằng 'Mỗi khi con thấy cảnh sát phía sau, con đều thắc mắc rằng con có thể bị giết hay không?'".

Quá khứ đấu tranh

Vào những năm 1940, người Mỹ gốc Phi gần như không sống ở Palmdale và vùng còn lại của thung lũng Antelope. Họ từ chối hỗ trợ tài chính từ ngân hàng và tự xây nên chính ngôi nhà của mình. Họ vận chuyển nguyên liệu thô từ Los Angeles, giúp đỡ lẫn nhau và cuối cùng tạo ra một cộng đồng ở ngoại ô thành phố gọi là Sun Village.

Nhưng đến năm 1968, họ bắt đầu rời khỏi Sun Village và chuyển đến Palmdale.

Dân số của Palmdale tăng gấp 10 lần so với những thập kỷ trước, lên tới con số 155.000 trong năm 2019. Người da trắng chiếm hầu hết dân số vào thế kỷ 20, còn ngày nay họ chỉ chiếm khoảng 20%. Khoảng 12,5% dân số là người da đen, và khoảng 60% là người Mỹ Latin.

Nigel Holly, một nhà hoạt động cộng đồng người da đen, nhớ lại một ngày nóng nực năm 2013 khi anh cởi áo trong khi lái xe, để lộ một chiếc áo sát nách mát mẻ hơn.

"Tôi đoán điều đó khiến tôi bị chú ý", anh ấy nói, bởi sau đó anh bị kéo đi, còng tay và đặt phía sau xe cảnh sát trưởng.

Mãi đến khi cảnh sát nhìn thấy các tài liệu trong xe Holly, biết rằng anh là thành viên của một nhóm cộng đồng tiêu biểu, Liên đoàn Hành động Cộng đồng Palmdale, thì anh mới được thả đi.

"Anh ta xin lỗi và khăng khăng cho rằng đó chỉ là thói quen và dựa trên tiêu chí chứ không phải suy nghĩ cá nhân. Nhưng tôi cảm thấy mình đã bị nhắm đến", Holly nói.

Cuộc xung đột chủng tộc ở đây chưa bao giờ thực sự chấm dứt.

Cuộc đấu tranh vẫn chưa thể dừng lại

Đa phần cư dân da đen sống ở Palmdale tin rằng Fuller không tự tử.

Fuller được miêu tả là một người khiêm tốn với nụ cười rạng rỡ, một tình yêu dành cho phim hoạt hình Nhật Bản và trò chơi điện tử, nhảy múa và bóng rổ.

Anh ấy cũng tham gia một cuộc biểu tình trong phong trào Black Lives Matter những ngày trước khi chết. Nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy anh ấy đã hoạt động tích cực trong phong trào.

Những chi tiết trong vụ án của Fuller càng khẳng định thêm sự nghi ngờ này.

Không có ghế hay ghế đẩu được tìm thấy tại vị trí đó, và cái cây Fuller được tìm thấy không đủ to để giữ được trọng lượng của anh ta.

San Joe, chuyên gia về hành vi tự tử ở những người da đen, nói rằng ông chưa gặp qua trường hợp nào như Fuller trong hơn 2 thập kỷ hành nghề của mình.

Hầu hết, các vụ tự tử ở người da đen liên quan đến súng. Chết do ngạt thở không phải là ít, nhưng hiếm khi chúng được chứng kiến công khai như vậy.

Cái chết của Fuller diễn ra chỉ vài tuần sau khi vài người da trắng ở Georgia bị bắt tận ba tháng sau khi bắn chết Ahmaud Arbery, một người đàn ông da đen 25 tuổi.

Trong bối cảnh đó, có thể hiểu được việc các cộng đồng da màu đang cảm thấy bị đè nén và không còn tín nhiệm vào các tổ chức công cộng.

Các nhóm người cho rằng người da trắng ưu việt hơn và phân biệt chủng tộc đã đe dọa thung lũng Antelope trong nhiều thập kỷ. Các băng đảng môtô nổi tiếng với quan điểm phân biệt chủng tộc khắc nghiệt.

Ngày nay, có 88 nhóm thù ghét hoạt động ở California, theo SPLC, với nhiều nhóm xung quanh vùng ngoại ô Los Angeles.

"Chính quyền chưa bao giờ mang tiếng là có trách nhiệm với nhu cầu, nỗi sợ hãi và mối lo ngại của các thành viên trong cộng đồng người da đen", theo chia sẻ từ Brooks, người hoạt động trong vấn đề phân biệt chủng tộc.

Lời đáp khó ngờ của cảnh sát Mỹ khi nghi phạm nói 'không thở được' "Tôi không thở được" - một người đàn ông da đen ở Oklahoma, Mỹ nói với cảnh sát trước khi chết. Bất chấp điều này, viên cảnh sát Mỹ đáp: "Tôi không quan tâm".

Việt Linh Nguyễn
Theo The Washington Post

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-da-den-treo-co-va-bi-thieu-song-chuyen-gi-dang-xay-ra-o-my-post1099751.html